10/01/2025

Khi toà án kêu gọi lương tâm bị cáo

Mọi chứng cứ đều ‘đứng’ về phía bị cáo: trong cơn đau buồn hoảng loạn đã vô tình ôm chặt, siết mạnh làm đứa con 2 tuổi tử vong.

 

Khi toà án kêu gọi lương tâm bị cáo.

Mọi chứng cứ đều ‘đứng’ về phía bị cáo: trong cơn đau buồn hoảng loạn đã vô tình ôm chặt, siết mạnh làm đứa con 2 tuổi tử vong.




Bị cáo cúi mặt khi bị dẫn ra xe  /// Ảnh: M.H

Bị cáo cúi mặt khi bị dẫn ra xeẢNH: M.H.

Nhưng trước những tình tiết thiếu logic, bất nhất trong hồ sơ và lời khai của bị cáo, HĐXX đã trả hồ sơ bổ sung lần 2 và kêu gọi bị cáo “hãy nói lên bản chất của sự việc để cái tâm được thanh thản”.
Hậu quả từ chuyện ngoại tình…
Theo cáo trạng, vợ chồng ông N.T (42 tuổi), H.T.K.P (37 tuổi, ngụ hương lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) kết hôn vào năm 2000 và có hai con, một trai, một gái. Trong thời gian buôn bán vải tại chợ, bà P. ngoại tình với ông M. bán vải ở sạp bên.
Tháng 12.2013, bà P. sinh thêm một bé gái, đặt tên là N.B.N. Đầu năm 2016, thấy vợ vẫn còn qua lại với ông M., ông T. nghi ngờ bé N. không phải là con ruột của mình, như trong giấy khai sinh, nên đã đưa bé đi xét nghiệm ADN. Kết quả, ông không phải cha đẻ của bé N. 

 
 
Tại phiên sơ thẩm lần 2, HĐXX nhận định không có căn cứ xác định tại thời điểm phạm tội, bị cáo P. mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do vậy, hành vi của bị cáo là cố ý, vì bị cáo đã thấy trước hậu quả nhưng để mặc cho nó xảy ra. HĐXX cho rằng, có căn cứ để xác định bị cáo phạm tội “giết người”, nên quyết định trả hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra bổ sung.

 


Ngày 9.2.2016, cầm kết quả xét nghiệm trên tay, ông T. kêu vợ vào phòng hỏi rõ sự việc nhưng bà P. né tránh. Tức giận, ông đánh vào mặt và khép cửa phòng không cho bà P. ra ngoài… Đến nửa đêm, ông T. mở cửa phòng cho bà P. xuống tầng trệt ngủ.
Sợ ông T. kể với cha mẹ ruột chuyện đáng xẩu hổ của mình, đồng thời lo lắng sau khi biết được sự thật ông T. sẽ không đối xử tốt với bé N., trong đêm bà P. nhiều lần tìm cách tự tử nhưng được phát hiện, can ngăn kịp thời.
Sáng hôm sau (10.2.2016), ông T. vào phòng kêu bà P. và bé N. dậy thì hốt hoảng thấy bé N. đã tím tái, ngưng thở. Cạnh đó, cổ tay trái của bà P. bị cắt, đầm đìa máu. Ông vội gọi người thân đưa vợ đến Bệnh viện Q.Bình Tân cấp cứu… rồi tới công an trình báo vụ việc.
Cáo trạng được Viện KSND TP.HCM công bố tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 25.9.2017), nêu lúc ôm con nằm ngửa trên người, tay trái của bà P. có đeo nhiều vòng kim loại “tiếp xúc” mạnh vào vùng cổ bé P. làm chẹn đường hô hấp. Khi sờ gò má của con thấy lạnh, bà P. đưa tay lên mũi thì phát hiện bé đã tắt thở, nên lấy kéo tự cắt tay, rồi nằm kế bên con, lấy mền đắp lên người cả hai cho đến khi chồng bà phát hiện…
Giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM kết luận nạn nhân “tổn thương vi thể: Cơ và sụn vùng cổ bị chèn ép tương tự hình ảnh tổn thương thắt – siết cổ. Phù phổi cấp. Tình trạng rối loạn vi tuần hoàn. Bé gái chết ngạt do chẹn đường hô hấp trên ở vùng cổ”. Ngày 18.2.2016, bà P. bị khởi tố tội giết người. Đến ngày 3.1.2017, cơ quan điều tra thay đổi tội danh thành “vô ý làm chết người”. Ngày 22.2.2017, Viện KSND TP.HCM ban hành cáo trạng, truy tố bà P. tội danh này.
Phải làm rõ bản chất
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, bà P. khai không biết bé N. chết vào lúc nào. Chỉ đến lúc 7 giờ ngày 10.2.2016, bà mới biết con mình đã chết… HĐXX cho rằng cần xác định ý thức chủ quan của bà P. khi thực hiện hành vi phạm tội, để xác định bà có phạm tội khác tội danh đã bị truy tố hay không, nên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Viện KSND TP.HCM tiếp tục truy tố bà P. tội “vô ý làm chết người”.
Trong thời gian bị xét hỏi tại tòa, bị cáo P. một mực khai không biết con của mình vì sao chết, nhưng khi thấy con chết thì cắt tay tự tử. Song, cũng chính bị cáo có lúc khai thấy bé N. khóc rất nhiều và sau khi bị cáo áp mặt bé vào ngực thì không còn khóc nữa nên bị cáo biết con mình đã chết (?!). Chủ toạ cho rằng, đây là tình tiết quan trọng và yêu cầu điều tra lại. “Lúc đầu bị cáo cho con nằm ngửa, sau đó trở người lại úp mặt bé N. vào ngực bị cáo. Bé N. bị úp mặt vào lồng ngực bị cáo thì phải phản ứng như thế nào”, chủ tọa nêu vấn đề và phân tích: “Chúng tôi cũng là mẹ. Từng thay đổi của con, chúng tôi đều cảm nhận được. Bị cáo không thể nói mình hoảng loạn ôm xác chết của con trên người hơn hai tiếng đồng hồ mà không biết gì. Lời khai của bị cáo ở các bút lục và tại tòa bất nhất với lời khai của hai người làm chứng…”.
Các thành viên trong HĐXX đều là nữ, họ nói rằng rất thông cảm với nỗi đau của một người mẹ mất con, không ai muốn làm xấu đi tình trạng của bị cáo, nhưng chức trách là phải tìm ra bản chất vụ việc. “Cả cha ruột và cha trên giấy tờ đều làm đơn bãi nại cho bị cáo; toà xử thế nào cũng không kháng cáo. Có thể tôi chấp nhận quan điểm của Viện KSND…, nhưng làm như thế vong linh đứa bé sẽ không siêu thoát”, chủ tọa nói và “chốt” lại bằng lời đánh thức lương tâm bị cáo: “Hãy nói rõ bản chất sự việc, nhìn nhận đúng vấn đề để tâm của bị cáo thanh thản”.
Sau khi tòa tuyên trả hồ sơ lần 2, bị cáo đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm chồng con, nhưng chỉ nhận lại những ánh mắt hững hờ. Bản chất sự việc có thể được làm rõ trong phiên toà tiếp theo, nhưng bản án lương tâm đối với bị cáo thì đã được tuyên và sẽ phải gánh chịu suốt cuộc đời còn lại…

 

Minh Hoài