11/01/2025

Gia đình gốc Việt thỉnh nguyện cho em gái sang Mỹ cứu chị

Gia đình Helen Huynh đang ngày đêm mong người em gái đến Mỹ để hiến tế bào gốc cứu bà nhưng đến nay vẫn chưa xin được thị thực nhập cảnh.

 

Gia đình gốc Việt thỉnh nguyện cho em gái sang Mỹ cứu chị

Gia đình Helen Huynh đang ngày đêm mong người em gái đến Mỹ để hiến tế bào gốc cứu bà nhưng đến nay vẫn chưa xin được thị thực nhập cảnh.




Ông Vien Huynh chăm sóc vợ trên giường bệnh.ẢNH CHỤP TỪ CLIP

Bà Helen Huynh, sống tại thành phố Garden Grove (quận Cam, bang California, Mỹ), bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tuỷ mãn tính vào tháng 2.2017 và cần ghép tuỷ gấp, theo tờ The Washington Post. Đây là một dạng ung thư máu ác tính song các bác sĩ tại Trung tâm y tế thuộc Đại học California, Irvine tin rằng có thể điều trị được cho phụ nữ gốc Việt 60 tuổi nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Điều quan trọng là tìm được người hiến tặng có độ tương thích ít nhất 70%.
Đây thật sự là ánh sáng cuối đường hầm đối với bà Huynh, người cùng chồng là ông Vien Huynh đến Mỹ từ năm 1991 và đã có 3 người con gái. Theo The Washington Post, cô em út tên Thuy Nguyen đang ở VN của bà Huynh có độ tương thích cao nhất. “Tình cờ, dì tôi tương thích tới 100%. Tất cả chúng tôi đều vui mừng khôn xiết. Điều chúng tôi cần làm là đưa dì tôi đến Mỹ”, cô Yvonne Ái Vân Murray, con gái của bà Huynh, nói với The Washington Post. “Và rồi mọi thứ sụp đổ”, cô buồn bã kể.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bà Thuy Nguyen lập tức nộp đơn xin thị thực đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Tuy nhiên, đơn bị từ chối cấp thị thực với lý do bà Thuy không cung cấp được bằng chứng rằng bà sẽ quay về nước khi thị thực hết hạn. Sau đó, các bác sĩ điều trị cho Helen Huynh đã gửi kiến nghị cho giới hữu quan để bà Thuy được đến Mỹ. “Bệnh nhân sẽ hưởng lợi từ liệu pháp điều trị sử dụng tế bào gốc. Vì lý do nhân đạo, chúng tôi đề nghị em gái bệnh nhân được cấp thị thực tạm thời để bà ấy có thể hiến tặng tế bào gốc giúp cứu sống bệnh nhân”, thư kiến nghị gửi hồi tháng 8.2017 viết. Một bác sĩ khác từ Trung tâm y tế City of Hope tại thành phố Duarte, California cũng gửi thư với nội dung: “Đây là vấn đề rất khẩn cấp. Thời gian rất quan trọng”. Tuy nhiên cho đến nay, bà Thuy đã bị bác đơn 4 lần, theo Đài CBS.
Trong nỗ lực cuối cùng, gia đình bà Huynh thuê luật sư nhằm hỗ trợ quá trình tìm sự sống cho bà song hy vọng ngày càng mờ nhạt. Bác sĩ đã khuyến cáo cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất vì bệnh nhân không thể tự ăn trong suốt 3 tuần qua. Trước tình hình này, hạ nghị sĩ Alan Lowenthal cũng đã vào cuộc vận động. “Tôi đang làm việc với gia đình bà Helen, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa để đảm bảo rằng chúng tôi thành công trong việc đưa bà Thuy đến với bà Helen sớm nhất có thể”, CBS dẫn lời ông Lowenthal khẳng định. Theo chuyên gia về ung thư David Agus, việc trích lấy tế bào gốc từ bà Thuy ở VN và vận chuyển sang Mỹ không phải là giải pháp tốt vì “tôi chưa biết trường hợp cấy ghép nào mà bệnh nhân và người hiến tặng ở 2 châu lục khác nhau”.
Phát biểu trên Đài CBS News, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: “Những câu chuyện như thế này luôn khiến tôi đau lòng” song vì các hồ sơ được bảo mật nên bà không thể “thảo luận các trường hợp xin thị thực cụ thể”. Tương tự, trả lời Thanh Niên ngày 25.9, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết: “Vì hồ sơ xin thị thực được bảo mật theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, Tổng lãnh sự quán Mỹ không thể thảo luận các trường hợp cụ thể”.

 

Huỳnh Thiềm