11/01/2025

‘Gia đình đại chiến’ vì… dạy con

Vợ chồng tôi du học, tốt nghiệp về nước làm việc. Hiện giờ chúng tôi có một con trai 3 tuổi. Gia đình tôi giáo dục con theo kiểu… thả rông như Tây.

 

‘Gia đình đại chiến’ vì… dạy con

 

Vợ chồng tôi du học, tốt nghiệp về nước làm việc. Hiện giờ chúng tôi có một con trai 3 tuổi. Gia đình tôi giáo dục con theo kiểu… thả rông như Tây.

 

 

Gia đình đại chiến vì... dạy con - Ảnh 1.

Cha mẹ hãy là người dìu dắt và để con tự đi trên đôi chân của mình – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mỗi buổi sáng, sau khi con thức dậy, tôi để phần ăn sáng lên bàn cho con tự ăn để rảnh tay làm việc khác. Con tôi sẽ tự thức dậy chứ không cần phải dỗ dành như những đứa trẻ cùng tuổi. 

Sau đó bé gấp chăn màn gọn gàng, vệ sinh cá nhân xong là leo lên ghế, uống sữa, ăn mì xào bò bằng đũa. Ăn xong, bé sẽ tự lựa quần áo theo ý thích, mặc vào, mang giày tươm tất để bố đưa đến trường mẫu giáo. 

Chúng tôi để con tự làm tất cả những việc trên, dù con vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của chiếc quần, giày trái hay giày phải…

Chiếc quần mặc ngược

Có một lần vào cuối tuần, con đã mặc ngược chiếc quần lên người. Thấy vậy, mẹ chồng tôi vội vàng chạy đến để thay quần lại cho cháu, nhưng chồng tôi cản lại. Anh nói với mẹ: “Nếu cảm thấy không thoải mái, tự cháu sẽ cởi ra và mặc lại”. 

Thế là nguyên ngày đó con mặc cái quần ngược chạy tới chạy lui, vợ chồng tôi coi như không thấy gì hết. Một lần nữa, con lại mặc quần ngược, nhưng con ra ngoài chơi với các bạn nhà hàng xóm. 

Chơi chưa được bao lâu thì bé chạy vội về, thở hổn hển, hỏi tôi: “Mẹ ơi, mọi người nói con mặc ngược quần rồi, đúng không?”. Tôi mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?”. 

Bé gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem xét tỉ mỉ rồi bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, con không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Chén cơm bị hất đổ

Có một buổi trưa ngày cuối tuần, con giận dỗi, không chịu ăn cơm rồi bực bội hất chén cơm xuống đất, thức ăn rớt đầy trên sàn nhà. 

Thấy vậy, tôi nghiêm khắc nói: “Nhiều bạn ở tuổi của con không có cơm mà ăn. Nếu con không muốn ăn cơm, mẹ sẽ không nấu cơm cho con nữa. Con không muốn ăn cơm đúng không?”. Con gật đầu.

Buổi tối hôm đó, tôi nấu nhiều món ăn mà con thích. Cơm tối vừa dọn xong, con vui mừng nhảy lên ghế ngồi, chờ đợi. Tôi liền nói: “Tối hôm nay con không được ăn gì hết. Mẹ không nấu cơm phần con, chính con lúc trưa cũng đồng ý rồi”. 

Con chăm chăm nhìn gương mặt bình thản của tôi, rồi khóc òa lên, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm. Con xin lỗi mẹ, từ nay con sẽ không hất đổ cơm nữa”.

Tôi nhẹ nhàng nói: “Nếu con thực sự biết lỗi thì bây giờ mẹ sẽ đi nấu phần cơm của con. Con phải ngồi đợi khi nào cơm chín mới được ăn”. Con tôi gật đầu, mắt rưng rưng nhìn cái nồi cơm không biết khi nào sẽ chín. Từ đó trở đi con không bao giờ tái diễn kiểu giận hờn hất đổ thức ăn.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh nhiều trẻ làm mình làm mẩy với cha mẹ khi ăn. Có cháu hất đổ đồ ăn, rồi lăn ra nằm vạ, khóc lóc ầm ĩ. Mỗi bữa ăn khốn khổ như thế, cả nhà quay quắt xoay theo quỹ đạo là đứa trẻ. 

Có phụ huynh nóng tính, đánh trẻ ngay trên bàn ăn, để rồi sau đó lại phải cầm chén đuổi theo con, năn nỉ con ăn từng muỗng một, hứa hẹn ăn giỏi thì cho đi chơi, mua đồ chơi… Chúng tôi nhất quyết không theo cách giáo dục như vậy.

“Mẹ ơi, con sai rồi”

Có một lần, tôi dắt con ra công viên của khu nhà chơi. Rất nhanh, con tôi đã hòa mình chơi đùa cùng mấy đứa trẻ hàng xóm. 

Bất ngờ, vì tranh giành nhau một món đồ chơi, con tôi cầm cái gậy, vụt mạnh vào chân cô bé kia làm cô bé khóc thật lớn. Con tôi cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra nên đứng trợn tròn mắt nhìn.

Tôi không hề quát mắng tiếng nào, cầm lấy cái gậy ấy, cũng vụt mạnh một cái lên chân con làm con khóc nấc lên. Lúc đó, tôi mới nhẹ nhàng hỏi con: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?”. Con khóc và lắc đầu. 

Sau đó tôi phân tích cho con rõ vì sao phải nhường nhịn, vì sao phải yêu thương để không đánh bạn khi tức giận. Từ đó trở đi con không làm thế nữa.

Tuổi của con rất thích nghịch nước, con lấy cái thau hứng nước bê tới bê lui trong nhà. Tôi đã cảnh cáo con mấy lần nhưng con để ngoài tai. Cuối cùng, con làm nước đổ hết ra nền, rồi còn lấy chân giẫm lên vũng nước, ra vẻ rất thích thú, dù quần ướt hết. Mẹ chồng tôi thấy thế lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. 

Chồng tôi liền lấy lại cây lau nhà, đưa cho con, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra, cho vào máy giặt”. Con không chịu làm, vừa khóc vừa la. Chúng tôi không nói thêm lời nào, cũng không quan tâm đến con nữa.

Một lát sau, con không khóc nữa, chạy đến bên tôi, nói: “Mẹ ơi, con sai rồi, con xin lỗi mẹ”. Con tự cầm cây lau nhà cao hơn người mình, ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó con tự cởi quần áo dơ ra, bỏ vào máy giặt.

Chiến tranh trong đại gia đình vì dạy con

Nhiều người chứng kiến kiểu dạy con của vợ chồng tôi thì tỏ thái độ kinh ngạc vô cùng. Con tôi tự mình biết làm mọi thứ, trong khi những đứa trẻ cùng tuổi chưa biết dùng đũa, chưa biết cột dây giày và nhiều cậu ấm cô chiêu đang học cấp II, thậm chí cả cấp III, mỗi cuối tuần thì đem một đống quần áo dơ bắt mẹ giặt hộ.

Ở rất nhiều gia đình Việt Nam, khi cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh… chiến tranh trong đại gia đình vì các cháu luôn được ông bà nuông chiều. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, lúc đầu bố mẹ chồng tôi phản đối rất quyết liệt.

Vợ chồng tôi đã kiên trì phân tích cho bố mẹ chồng thấy rằng đứa bé tuy còn nhỏ nhưng rất tinh, khi nó thấy được giữa các thành viên trong gia đình có sự khác biệt về cách đối xử với nó, nó sẽ rất nhạy bén lợi dụng điều này ngay. Việc này chẳng hề có lợi cho đứa trẻ, mà ngược lại.

Bây giờ thì ông bà nội đã thôi không can thiệp vào cách dạy con của vợ chồng tôi nữa. Không những thế, ông bà còn bảo các cặp vợ chồng khác trong nhà nên học hỏi vợ chồng tôi.

 

Bằng chứng là mỗi lần tụ tập đại gia đình, con tôi tự mình ăn uống nhanh và gọn gàng. Trong khi các gia đình khác bận hò hét chạy theo con cái của họ thì vợ chồng tôi rảnh rang cười đùa…

NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Đà Nẵng)