11/01/2025

Bệnh ‘sống ảo’

Bỏ bê học hành, quên ăn, mất ngủ do dành hầu hết quỹ thời gian để tán gẫu, chơi game và các cuộc gặp gỡ trên mạng, đã được bác sĩ cảnh báo là một loại bệnh.

 

Bệnh ‘sống ảo’

Bỏ bê học hành, quên ăn, mất ngủ do dành hầu hết quỹ thời gian để tán gẫu, chơi game và các cuộc gặp gỡ trên mạng, đã được bác sĩ cảnh báo là một loại bệnh.




Ngày càng nhiều bạn trẻ nghiện mạng xã hộiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
 Tâm thần do “sống ảo”
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện (BV) tâm thần T.Ư 1, cho hay BV này thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân điều trị do “nghiện” mạng xã hội (chơi game triền miên, vào mạng thường xuyên, sa sút học tập, thay đổi tính cách…).
Mới đây, BV này tiếp nhận một bệnh nhân là sinh viên năm cuối tại một trường ĐH ở Hà Nội, được gia đình đưa vào BV trong tình trạng suy nhược, gương mặt thất thần. “Từ nhỏ cháu là học sinh khá, giỏi. Khi thi đỗ đại học thì phải xa nhà. Không biết mải chơi thế nào, đến năm cuối mới bảo con bị thi lại nhiều nhưng không đạt. Một thời gian sau thì cháu về nhà, không đi học nữa, chỉ mải mê với cái máy tính đến mức người gầy sút, mất ngủ, hầu như không trò chuyện với mọi người”, người nhà bệnh nhân tâm sự.
Theo bác sĩ La Đức Cương, những trường hợp như trên khi nhập viện đã có các rối loạn về tâm thần, sa sút tinh thần. “Ngay cả khi bác sĩ ngồi đối diện trò chuyện hoặc khuyên giải thì các cháu cũng “bỏ ngoài tai” vì lúc này trước mặt bệnh nhân vẫn là màn hình vô hình với những hình ảnh của các trận game, các nhân vật game, những người gặp trên mạng được bệnh nhân tưởng tượng ra”, bác sĩ Cương phân tích.
Qua thực tế điều trị, bác sĩ Cương cho hay hầu hết bệnh nhân được đưa đến khi đã có biểu hiện bất thường về tâm thần: chống đối gia đình, không nghe lời, thậm chí có cháu còn nợ nần, trộm tiền để mua các món đồ ảo trong game, đánh cả người thân. “Những năm trước, bệnh nhân chủ yếu nghiện mạng xã hội thường tìm đến các quán internet, nhưng gần đây internet đã có tại hầu hết các gia đình, nên các bạn trẻ nghiện ngay tại nhà”, bác sĩ Cương nhận xét.
Can thiệp về tâm lý
Theo bác sĩ La Đức Cương, hiện chưa có mã bệnh tâm thần cho người “sống ảo” nghiện mạng xã hội, nghiện game online nhưng các bệnh nhân được đưa đến BV hầu hết đã ở mức sử dụng mạng, chơi game online nhiều giờ trong ngày, kèm theo rối loạn tâm thần: mất ngủ, bỏ bê học hành, công việc, thậm chí quên ăn, sinh hoạt bình thường bị đảo lộn; một số thu mình, không giao tiếp, có các hành vi bất thường.
Thạc sĩ – bác sĩ Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho rằng những hiện tượng này cần được cảnh báo, đặc biệt đối với đối tượng sinh viên. Vì họ có thời gian linh động, lại tự chủ về học tập nên thường xuyên sử dụng mạng xã hội dẫn đến nguy cơ cao nghiện thế giới ảo.
Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam (20 tuổi) đến viện trong tình cảnh bị đuổi học. Gia đình cho hay cháu đã sử dụng máy tính từ cấp THCS và khi lên đại học thì được gia đình mua máy tính xách tay. Mãi về sau, gia đình mới biết cháu học ít, vào máy tính 8 – 10 tiếng đồng hồ/ngày để chơi game, tán gẫu trên mạng xã hội. Kết quả học tập sa sút dẫn đến bỏ học. Tại viện này, bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nhẹ, thứ phát do nghiện mạng xã hội. Khi xóa được sự lệ thuộc thì bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, cho biết đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào vào viện được chẩn đoán nghiện mạng xã hội mà hầu hết được gia đình đưa đến trong tình trạng trầm cảm, phân liệt, các rối loạn này có liên quan đến sử dụng mạng xã hội quá mức trong thời gian dài. Sau điều trị, bệnh nhân không sử dụng mạng triền miên nữa.
Các chuyên gia khuyên khi thấy con em có nguy cơ nghiện mạng xã hội thì nên có sự can thiệp về tâm lý, hướng dẫn trẻ ngừng lại. Nếu có xuất hiện về lo âu, trầm cảm, mất ngủ thì can thiệp bằng thuốc, tâm lý. Đồng thời gia đình cần quan tâm hướng cho con vào các trò chơi khác, hướng cho các con sử dụng mạng vào việc hữu ích chứ không phải sống ảo. Ngay cả người lớn trong gia đình cũng cần làm gương vì nhiều cha mẹ cũng “đắm đuối” với mạng xã hội, cắt giảm thời gian dành cho các con.

Liên Châu