Mang ơn những bàn chân dẹt, vết chai khô
Bữa nọ, tôi bỗng dưng trở thành chứng nhân một chuyện tan vỡ tình cha con.
Mang ơn những bàn chân dẹt, vết chai khô
Bữa nọ, tôi bỗng dưng trở thành chứng nhân một chuyện tan vỡ tình cha con.
Đứa con gái 18 tuổi quay ngoắt với cội nguồn, giở giọng hờn trách người cha nông dân khi ông vừa lóp ngóp chạy chiếc xe cà tàng vượt qua cơn mưa, lên thành phố thăm con gái.
Chiếc xe cà tàng của người cha còn ràng quày chuối phía sau chưa kịp gỡ dây, phía trước là cái giỏ đệm đầy nhóc cam, ổi, xoài và mấy thứ rau củ ông hái từ vườn.
Mắt ông vẫn còn tia lóng lánh của nỗi mừng gặp con, ông vẫn còn chưa hiểu cớ sự đứa con bỗng dưng lìa khỏi ông, chối từ ông. Mượn tôi cây bút và trang giấy kẻ ô học trò, ông ngồi, đôi tay đầy vết chai khô run run ngồi gò từng chữ viết bức thư để lại.
Hồi năm tôi 18 tuổi, lúc ở ký túc xá trọ học, cũng có nghe nhiều câu chuyện về tình cha, tình mẹ, về sự vô tâm mà con cái dành cho mẹ, cho cha. Đâu như có nhiều đứa con rất sợ nguồn gốc của mình, sợ bạn bè khám phá mình là con một nông dân thực thụ, quê mùa, nhà nghèo.
Những nỗi sợ vô hình ám ảnh tuổi trẻ, làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có và giá trị thực của con người.
Lúc 18 tuổi đó, tôi cũng băn khoăn tự hỏi nếu mình nói ra rằng nhà mình đang túng thiếu thì bè bạn có còn coi trọng mình không? Nhưng cần gì nói ra, những bữa ăn hằng ngày của tôi chỉ cơm ăn với cá khô, chiếc xe đạp cũ, đóng học phí chậm… tất cả đã nói lên rằng tôi là ai.
Năm đầu nhập học đại học ở thành phố, lúng túng đủ thứ, e sợ đủ thứ. Dần dần, tôi hiểu điều đó có quan trọng gì, quan trọng mình vẫn là mình, hằng ngày, hằng giờ sống tử tế và học hỏi những điều mình chưa biết.
Ba tôi hồi trước đi làm cách mạng, sau đó đi làm nhà nước rồi về hưu và làm vườn. Ông có đôi bàn tay xương, ngón dài, đôi bàn chân cũng xương xẩu khô đét. Ba viết chữ đẹp.
Về hưu nhưng công việc hồi xưa ông làm liên quan đến tư pháp, nên bà con quanh vùng hay nhờ ông thảo những lá đơn này đơn nọ. Ông tốt bụng nên bất kỳ ai nhờ giờ nào, dù đang cuốc vườn hay dọn ao, ông vẫn bỏ ngang việc của mình để làm giúp những việc mà má tôi hay gọi là “bao đồng”.
Tôi giống ba ở ngón tay ngón chân. Riêng má tôi lại thích kiểu ngón tay ngón chân như vậy bởi theo bà, tay chân dáng mảnh, nhỏ, dài thì sau này ít khổ. Ý má nói nó hợp với tay cầm viết hơn là cắm xuống bùn như má. Người má nông dân chánh hiệu của tôi có bàn chân to bè, ngón ngắn và ngón này gần sát ngón kia.
Giữa các ngón lại không có khe hở, nên những tháng nước lụt hay mùa mưa là những tháng ngày má bị nước ăn chân, ngón tấy, kẽ chân ngứa ngáy đỏ rần. Còn bàn tay cũng ngón ngắn cục mịch, không có nỗi một “hoa tay”.
Nhưng bàn tay cục mịch của má đã nuôi nấng ẵm bồng cấy hái, thậm chí may tay những quần những áo cho bọn tôi lúc còn nhỏ xíu.
Những năm xa nhà đi học đó, ba má tôi hầu như không bao giờ lên thăm con, vì điều kiện kinh tế là chủ yếu. Lâu lâu về nhà, thấy tay ba hình như xương khô hơn, chân má bẹt ra thêm.
Mới năm học đầu tiên thôi, ngỡ ngàng rằng con đường mình đi còn dài quá dài và cũng chính mình làm rút ngắn đi sức khỏe và tuổi tác của ba má trông thấy.
Trở lại chuyện người cha và cô con gái 18 tuổi tôi kể ở trên. Tôi không biết nhiều năm sau nữa cô gái có nhớ về hành động của mình ngày cha mình lên gặp, hay cái tính vô tâm của tuổi trẻ sẽ làm cô quên đi tội lỗi một cách hồn nhiên.
Bữa nọ, một phụ huynh quen cũng kể lại rằng chị chẳng hiểu sao tụi trẻ nhỏ như con chị nè, 18 tuổi rồi mà vô tâm quá. Sau giờ làm, chị về nhà quần quật cơm nước quét dọn, đứa con vẫn ngồi yên không phụ. Mẹ hỏi thì con nói tại mẹ không biểu, con đâu biết mà làm.
Mỗi thời mỗi khác, cách dạy dỗ có thay đổi, nhưng nhìn nhận về giá trị của nếp nhà có chi khác nhau đâu.
Thấy tuổi 18 hôm nay, tôi nhớ lại tuổi 18 của mình và cầu mong rằng những đứa con nhìn xa xôi đâu đó, nhưng cần nhớ dành thời gian nhìn lại bàn tay, bàn chân của người cha, người mẹ. Để không chỉ một lần cảm ơn những bàn chân dẹt, những vết chai khô.