10/01/2025

Bạn có thuộc ‘Thế hệ iGen’?

Bà Jean M. Twenge, tiến sĩ tâm lý ĐH San Diego (Mỹ), gọi những người sinh từ năm 1995 đến 2012 là thế hệ iGen. Cuộc sống của họ gắn liền với điện thoại smartphone cũng như các sản phẩm công nghệ.

 

Bạn có thuộc ‘Thế hệ iGen’?

 Bà Jean M. Twenge, tiến sĩ tâm lý ĐH San Diego (Mỹ), gọi những người sinh từ năm 1995 đến 2012 là thế hệ iGen. Cuộc sống của họ gắn liền với điện thoại smartphone cũng như các sản phẩm công nghệ.

 

 

 


                    Bạn có thuộc 'Thế hệ iGen'?
Nhiều người trẻ thế hệ iGen sử dụng smartphone trên xe điện ngầm ở Tokyo – Ảnh: T.T.D.

Với 25 năm nghiên cứu sự thay đổi giữa các thế hệ, bà Twenge mô tả iGen là “lớn lên cùng smartphone, có tài khoản Instagram trước khi vào cấp III và không hề nhớ cuộc sống trước khi có Internet là gì”.

Smartphone là tất cả

“Sự xuất hiện của smartphone đã thay đổi triệt để cuộc sống của tuổi mới lớn, từ cách tương tác với xã hội đến sức khoẻ tinh thần của họ” – tiến sĩ Jean M. Twenge viết trên tạp chí Atlantic ngày 10-8. Bà Twenge cho rằng những thay đổi do smartphone gây ra tác động lên người trẻ bất kể giàu nghèo, chủng tộc hay xuất thân, và rằng “ở đâu có sóng điện thoại thì ở đó có những bạn trẻ sống cuộc đời của mình trên smartphone”.

Trong bài viết trên Atlantic, nữ tiến sĩ dẫn dắt từ câu chuyện của cô bé 13 tuổi với tên giả là Athena, người “ở một mình trong phòng với điện thoại suốt mùa hè” và tự nhận “thế hệ của cháu là thế”. Twenge dẫn lời Athena: “Chúng cháu không có cơ hội được biết cuộc sống không có iPhone và iPad là như thế nào. Chúng cháu nghĩ mình thích điện thoại còn hơn là con người trong đời sống thật”.

Tiến sĩ Twenge cho rằng cách thế hệ iGen chào đón giai đoạn bước vào “tuổi teen” rất khác với thế hệ những năm 1980 hay 1990. Nếu ngày xưa trưởng thành là khi người ta háo hức được xa rời vòng tay cha mẹ, tự quyết định một số việc, được lái xe hoặc “nổi loạn” theo kiểu thử hút thuốc, uống rượu, thì ở thế hệ smartphone, những thứ đó dường như không còn quan trọng.

Theo tác giả, những thiếu niên lớn lên cùng smartphone ít làm thêm, ít ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay tương tác với xã hội hơn, và cũng yêu đương, hẹn hò ít hơn các thế hệ cha anh. Với mỗi nhận định, bà Twenge đều cung cấp số liệu để chứng minh.

Vì sao thế hệ iGen lại “trì hoãn” việc tận hưởng cả những điều tốt đẹp và trách nhiệm mà tuổi trưởng thành mang đến? Dù không phải là lý do duy nhất, nhưng smartphone là một trong những “thủ phạm” chính, theo bà Twenge.

Vấn nạn toàn cầu

Với nghiên cứu đi kèm bằng chứng cụ thể của mình, tiến sĩ Twenge muốn cảnh báo “thiết bị điện tử mà cha mẹ đặt vào tay con cái sẽ có tác động sâu sắc lên cuộc đời chúng, theo hướng làm cho chúng cực kỳ kém hạnh phúc”. Từ đầu năm đến nay đã có nhiều tiếng chuông cảnh báo như thế được gióng lên, thông qua nhiều nghiên cứu khác nhau.

Chẳng hạn theo nghiên cứu của ĐH Duke (Mỹ) công bố trên tạp chí Child Development hồi tháng 3, tuổi teen càng nghiện công nghệ thì càng có nguy cơ về sức khỏe tâm thần như rối loạn hành vi hoặc rối loạn tăng động chú ý. Một nghiên cứu khác cũng đăng trên Child Development trong tháng 7 cho thấy việc sử dụng smartphone vào ban đêm có thể làm tăng lo lắng, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm ở thanh thiếu niên.

Hồi tháng 5-2017, Hiệp hội Y tế công cộng hoàng gia Anh cũng công bố nghiên cứu cho thấy những người dành hơn hai tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội có sức khỏe tâm thần kém hơn người khác và thường xuyên tự ti, vì cứ lên mạng là thấy bạn bè đang vui chơi đâu đó mà không có mình, làm tăng cảm giác buồn chán và cô đơn.

Tất cả những ảnh hưởng xấu mà smartphone gây ra cho giới trẻ kể trên đều được nhắc đến và củng cố thêm trong bài viết của tiến sĩ Twenge. Theo bà Twenge, tất cả những hệ quả này đủ để các bậc phụ huynh thấy cần phải tách con cái ra khỏi điện thoại thông minh, như cách mà nhiều lãnh đạo công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (điển hình là cố giám đốc điều hành Hãng Apple Steve Jobs) đã áp dụng.

“Khi tuổi teen dành ít thời gian gặp bạn bè trong đời thực hơn, họ sẽ có ít cơ hội thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội. Trong thập niên tới, chúng ta sẽ thấy nhiều người trưởng thành biết chọn đúng emoji (biểu tượng cảm xúc) cho một tình huống nhưng không thể diễn tả cảm xúc đó qua gương mặt của chính họ” – bà Twenge cảnh báo.

Nghiên cứu của tiến sĩ Twenge dựa trên thanh thiếu niên Mỹ, nhưng với sự phổ biến rộng khắp của smartphone ngày nay, đây dường như là một vấn nạn toàn cầu.

Có nên “giật” điện thoại khỏi tay con trẻ?

Ngày 10-8, nhà nghiên cứu giáo dục người Mỹ Lisa Guernsey “đăng đàn” trên tạp chí Slate, cho rằng các cảnh báo của tiến sĩ Twenge về giới trẻ nghiện smartphone cần phải xét đến tính ngữ cảnh và nội dung của những gì tuổi teen trao đổi trên mạng. “Ngoài nhắn tin với bạn bè, có thể bạn trẻ cũng dùng smartphone và laptop để tìm thông tin, đọc tư liệu” – bà Guernsey phân tích.

Vấn đề mấu chốt là xác định nguyên nhân và hệ quả. Trẻ trầm cảm vì dùng mạng xã hội, hay vì trầm cảm nên mới tìm đến không gian ảo để khuây khoả? Bà Guernsey kết luận: “giật” điện thoại khỏi tay con trẻ chỉ làm cha mẹ đánh mất cơ hội nói chuyện với con cái về những vấn đề sức khoẻ tâm thần mà chúng có thể mắc phải, và “giải pháp đúng phải là đối thoại”.

Gặp bạn bè trên không gian ảo

Tiến sĩ Twenge dẫn câu chuyện của đối tượng nghiên cứu của mình là Athena, cô bé cho biết trong những ngày hè cô vẫn giữ liên lạc với bạn bè, nhưng tất cả đều qua ứng dụng Snapchat trên iPhone. Với iGen, những nơi chốn tụ tập bạn bè của thế hệ cha anh như quán ăn, sân bóng, hồ bơi… đều được thay bằng không gian ảo trên các ứng dụng di động và trang web.

 

TRƯỜNG SƠN