11/01/2025

Xu hướng đám cưới đơn giản

Tổ chức hôn lễ tiết kiệm, không cầu kỳ xa hoa là xu hướng đang nổi lên ở người trẻ nhiều nước phương Tây lẫn Á Đông.

Xu hướng đám cưới đơn giản

Tổ chức hôn lễ tiết kiệm, không cầu kỳ xa hoa là xu hướng đang nổi lên ở người trẻ nhiều nước phương Tây lẫn Á Đông.




Hôn lễ đơn giản của cô Cho Jin-oh và anh Kim Kwang-yoon tại SeoulẢNH: REUTERS

Theo khảo sát thường niên của Công ty tư vấn hôn nhân TheKnot, chi phí trung bình tổ chức một lễ thành hôn “đủ lễ nghĩa” ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng một thập niên. Cụ thể, các cặp đôi sắp cưới phải chi trung bình 35.329 USD (gần 803 triệu đồng). Tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, con số này còn cao gần gấp đôi (64.000 USD). Chính vì thế, nhiều cặp đôi thế hệ Y (ra đời trong giai đoạn đầu thập niên 1980 – 2000) đang cố gắng cắt giảm chi phí và lựa chọn đầu tiên là tổ chức tiệc đơn giản với số khách mời tối thiểu.
Một lý do khác là do bạn bè của họ cũng đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu nên những người ở xa thường không thể đến dự. Khảo sát gần đây của trang du lịch Priceline với 1.016 thanh niên cho thấy 40% thừa nhận dù được mời nhưng không đến dự đám cưới vì chi phí ăn ở, đi lại quá cao.
 

“Chúng tôi nhận giấy chứng nhận kết hôn từ toà án Washington D.C, chụp ảnh rồi đăng lên Facebook để thông báo cho mọi người”, cô Zita de Pooter (28 tuổi), chuyên viên của Ngân hàng Thế giới, nói với tờ The Washington Post. Sau đó, cô Pooter và nhiếp ảnh gia Jeremy Meek (32 tuổi) về quê nhà ở Bỉ tổ chức bữa tiệc cưới đơn giản với 65 khách mời. Đôi vợ chồng trẻ chỉ chi khoảng 6.000 USD cho ngày trọng đại. “Chúng tôi tự làm hết mọi thứ để tiết kiệm và đã thông báo trên Facebook nên bạn bè ở xa vẫn có thể chia vui mà không nhất thiết đến dự tiệc”, cô cho biết. Tương tự, nhà tâm lý học trị liệu Rosie Hunter (33 tuổi) đang làm việc cho quân đội Mỹ, chia sẻ: “Tôi cảm thấy điều quan trọng là cuộc sống sau này có hạnh phúc hay không, chứ còn đám cưới thì chỉ cần đơn giản thôi”. Hôn lễ của Hunter diễn ra ấm cúng tại khách sạn Hay – Adams, bang Washington với chỉ 16 khách.
Không chỉ ở phương Tây mà nhiều người trẻ tại các nước châu Á cũng đang cố gắng vượt thoát tâm lý truyền thống cho rằng đám cưới là dịp để giao tế hoặc thể hiện đẳng cấp với hàng trăm khách mời, siêu xe rước dâu và quà tặng đắt tiền. “Tôi chỉ muốn những người tôi thật sự quen biết đến chung vui, chứ không mời khách ồ ạt”, Reuters dẫn lời cô Cho Jin-oh (32 tuổi) sống ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc nói và cho biết thêm tiệc cưới của cô tốn khoảng 5.000 USD.
Xu hướng đám cưới đơn giản - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Giới trẻ Mỹ chi tiêu tiết kiệm

Thanh niên Mỹ ngày nay tiêu xài “kỹ tính” hơn so với các thế hệ trước, theo kết quả khảo sát của Hãng tư vấn Gallup. 
Theo cô Cho, làm hôn lễ đơn giản không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí mà còn giúp cô dâu chú rể lẫn gia đình hai bên tránh được áp lực tâm lý nặng nề trong quá trình chuẩn bị cho ngày trọng đại. Chính vì ngại ngần phải bỏ ra số tiền lớn và tốn quá nhiều công sức mà giới trẻ Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản đang có khuynh hướng trì hoãn hôn nhân. Nhằm phần nào khắc phục tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm tổ chức hôn lễ đơn giản và cho thuê với giá cực rẻ, thấp nhất là khoảng 60 USD.
Ngoài quy mô tiệc, các cặp đôi cũng không quan trọng hóa nhẫn cưới đắt tiền. Khảo sát của Hãng TheCashlorette trên 1.001 người độ 26 – 27 tuổi ở Mỹ phát hiện 31% nghĩ rằng nhẫn cưới có giá trị bằng một tháng lương là phù hợp, 10% trả lời rằng nên thấp hơn, chưa kể 3% không muốn mua. Mức lương tháng trung bình ở Mỹ vào khoảng 3.000 USD. Trong khi đó, chỉ 25% số người thuộc thế hệ X (sinh ra trong thập niên 1960 – 1970) đồng tình giá trị nhẫn cưới không nên vượt quá một tháng lương.
Đài CNBC dẫn lời chuyên gia tư vấn tài chính Pamela Capalad ở Mỹ nhận định giới trẻ ngày nay có nhiều mục tiêu tài chính khác hơn là sắm nhẫn kim cương và tiệc cưới rình rang, chẳng hạn mua nhà hoặc du lịch. “Nhiều khách hàng chia sẻ họ gặp khó khăn khi phải quyết định tiết kiệm cho đám cưới hay mua nhà. Đa số bạn trẻ phải chọn một mục tiêu và trì hoãn kế hoạch còn lại”, bà cho biết và dẫn ra trường hợp một nữ khách hàng nỗ lực tiết kiệm hơn 1.000 USD/tháng trong nhiều tháng trước thềm hôn nhân để mua nhà. Cuối cùng, đám cưới ngốn sạch ngân quỹ của cô.


 

Phúc Duy