Hở xíu là ‘tự xử tại chỗ’: Không thể dung túng!
Nhiều vụ việc với phản ứng thái quá, thậm chí là hung hãn, đã xảy ra ngoài đời cũng như trên mạng xã hội thời gian gần đây khiến dư luận phải đặt vấn đề làm sao để không còn xảy ra những câu chuyện tương tự?
Hở xíu là ‘tự xử tại chỗ’: Không thể dung túng!
Nhiều vụ việc với phản ứng thái quá, thậm chí là hung hãn, đã xảy ra ngoài đời cũng như trên mạng xã hội thời gian gần đây khiến dư luận phải đặt vấn đề làm sao để không còn xảy ra những câu chuyện tương tự?
Sau nhiều vụ việc người dân vây bắt, đánh đập, trói người, đốt xe vì “nghi ngờ” thôi miên, bắt cóc xảy ra, chúng ta mơ hồ nhận ra một hội chứng đang lây lan ngầm trong xã hội: “nghi bắt cóc”. Tiếc thay giải pháp được nhiều người dân lựa chọn lại là vây đánh hội đồng!
Cảnh giác với cái xấu, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra là một khát khao mang tính bản năng của con người. Nhưng từ bao giờ người ta cho mình cái quyền xét xử, định tội và trừng phạt người khác một cách hồ đồ, nhẫn tâm như thế? Từ bao giờ người ta chuộng lối hành xử theo kiểu “luật rừng” nghi là đánh, ngờ vực là tri hô lên và cứ thế động thủ?
Thử một lần đặt mình vào vị trí của những người bị đánh oan thời gian qua mới thấy hết cái đau thể xác và nỗi sợ hãi tận cùng. Một người lương thiện đến nơi xa lạ bỗng bị vu “kẻ bắt cóc”, chưa kịp định thần lại đã phải hứng chịu những cái tát, đấm, đá túi bụi, cùng với tiếng hét “đánh cho chết” liên tục vang lên từ đám đông xung quanh.
Không thể phân bua, chẳng thể phản kháng, người ta chỉ còn cách chịu đòn trong đau đớn, tủi nhục, kinh hoàng, bất lực… Tình trạng này nếu cứ tái diễn thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hội chứng “nghi bắt cóc”. Và biết đâu một ngày xui xẻo nào đó, người thân, bạn bè hoặc chính chúng ta sẽ chịu đòn oan như thế.
Xã hội văn minh mà chúng ta đang sống không thể nào dung túng cho những hành động “tự xử”, a dua theo đám đông, xem nhẹ mạng người, coi thường luật pháp. Pháp luật phải thật sự nghiêm khắc đối với những kẻ đánh người vô tội. Quyền uy của pháp luật cần được củng cố, siết chặt để neo giữ niềm tin của người dân vào chốn công quyền cũng như răn đe các hành vi sai trái, lệch lạc.
Tất nhiên là chúng ta không thể chỉ mãi chạy theo “chữa bệnh” mà cần “phòng bệnh” với sự chung tay của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần được mở rộng và sâu sát đến từng người dân.
Thông qua hệ thống phát thanh ở xã phường, các buổi họp tổ dân phố, người dân cần được nâng cao nhận thức về kỹ năng cảnh giác với tội phạm cũng như những ứng xử cần thiết với kẻ tình nghi để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Sự nhạy cảm của dư luận với nạn bắt cóc trẻ em có xuất phát điểm từ chính những tin đồn trên mạng xã hội. Nó gây ra nỗi bất an, hoài nghi cứ ngấm ngầm thiêu đốt sự tỉnh táo và thiện lương của con người. Chỉ cần một “mồi lửa” nhỏ, ngay lập tức nỗi bất an hóa thành cơn giận dữ và bùng lên thành bạo lực.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò quản lý, sàng lọc thông tin trên mạng, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những kẻ tung tin đồn bắt cóc gây hoang mang dư luận. Facebook, Google, YouTube cần thể hiện trách nhiệm của mình hơn trong việc ngăn chặn, loại bỏ những bài viết, clip có thông tin giả dối, phản cảm.
Và mỗi cá nhân cần khẳng định trách nhiệm của mình với cộng đồng bằng chính thái độ tiếp cận mạng xã hội. Giữa một thế giới phẳng với vô số thông tin “rác”, mỗi người cần tỉnh táo chọn lọc và chia sẻ thông tin. Hãy sử dụng quyền “tẩy chay” của mình đối với những tin giả, bịa đặt, câu view. Đó là cách chúng ta tự bảo vệ và thanh lọc tâm hồn mình giữa vô số “luồng khói độc” từ mạng xã hội!
Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG: Chuyện “em bé chơi đàn…” là một bài học
Câu chuyện về cách tiếp nhận và xử lý thông tin cũng như cách ứng xử của mọi người tham gia mạng xã hội từ câu chuyện em bé chơi đàn ở phố đi bộ hồ Gươm là một bài học. Khi mẹ cậu bé lên tiếng trên mạng xã hội rằng cậu bé bị lực lượng chức năng không cho chơi đàn trên phố đi bộ Hà Nội vì không có giấy phép, tôi cũng như nhiều người đều chia sẻ thông tin đó với thái độ bức xúc trước cách hành xử như vậy đối với một em bé. Nhưng khi sự việc được làm rõ ràng thì không phải như vậy, mẹ cháu bé cũng đã lên tiếng xin lỗi, đính chính về thông tin phát ngôn sai của mình thì mọi người mới vỡ lẽ. Để tránh lặp lại những sự việc tương tự, tôi nghĩ mỗi người khi tham gia mạng xã hội phải trang bị cho mình một tư duy hết sức tỉnh táo để phân biệt, sàng lọc, kiểm chứng thông tin. Đúng là nói thì dễ, nhưng quả thực điều này là rất khó trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng như hiện nay, nhất là với những sự việc dễ gây tâm lý bức xúc cho cộng đồng. Tôi cho rằng mỗi người cần có một phông văn hoá,tri thức đủ để có thể tạo thành bộ lọc thông tin mình thu nhận được trên mạng xã hội, để phân biệt thật giả. Hơn nữa, mỗi khi chia sẻ thông tin nào đó, mỗi người cũng nên điềm tĩnh để kiểm chứng lại thông tin đó. Và mỗi người, khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào, cũng phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Như vụ em nhỏ chơi đàn ở phố đi bộ hồ Gươm, khi biết sự việc không phải như ban đầu, tôi đã lên tiếng xin lỗi trên Facebook cá nhân. |