10/01/2025

‘Kỳ án’ dưới chân đèo Pha Đin

Mang tiếng oan không giải được, anh Hiến sinh bệnh rồi qua đời năm 2004, anh Dương bỏ nhà đi xứ khác, còn bà Nga ôm hàng trăm lá đơn gửi đi khắp nơi trong hàng chục năm trời…

 

‘Kỳ án’ dưới chân đèo Pha Đin

Mang tiếng oan không giải được, anh Hiến sinh bệnh rồi qua đời năm 2004, anh Dương bỏ nhà đi xứ khác, còn bà Nga ôm hàng trăm lá đơn gửi đi khắp nơi trong hàng chục năm trời…

 

 

 

'Kỳ án' dưới chân đèo Pha Đin
Bà Đặng Thị Nga – Ảnh: NGỌC QUANG

“Với mẹ con tôi, 28 năm phải sống trong vòng xoáy tù tội, sự miệt thị, ghẻ lạnh của người đời là quá đủ rồi. Giờ đây gia đình tôi cần một câu trả lời công khai rằng chúng tôi có tội hay không?

Anh TRỊNH HUY Dương bức xúc nói

Vụ án bị “treo” lơ lửng, không một phiên toà nào được mở lại nên mẹ con bà Nga dù được ra khỏi tù nhưng phải sống trong uất ức và tủi nhục, bị người đời gièm pha là “kẻ giết người”…

Một người mẹ cùng hai con trai bị bắt, bỏ tù vì bị buộc tội giết chồng, giết cha. Tòa phúc thẩm tuyên huỷ án để điều tra lại. Thế nhưng đã 28 năm qua, hai người con trai phải mang thân phận bị can mà không một cơ quan nào trả lời họ có tội hay bị oan.

Đó là câu chuyện của gia đình bà Đặng Thị Nga (79 tuổi, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) – một câu chuyện hi hữu trong lịch sử ngành tố tụng.

Bị bắt về tội giết chồng, giết cha

 

Căn nhà cấp 4 của bà Nga nằm nép dưới chân đèo Pha Đin. Người dân ở đây không còn nhớ rõ vụ việc của gia đình bà xảy ra từ năm nào, nhưng ai cũng biết chuyện bà bị bắt về tội giết chồng, hai con trai bà bị bắt về tội giết cha.

Đôi bàn tay nhăn nheo, bà Nga lần giở tập hồ sơ đang mờ dần từng con chữ bởi thời gian. Câu chuyện dần tái hiện…

Đó là đêm 17 rạng sáng 18-9-1989, bà Nga cùng các con không thấy chồng là ông Trịnh Huy Tùng về ngủ. Sau khi đi tìm, gia đình bàng hoàng phát hiện ông Tùng chết dưới giếng. “Cái chết của chồng tôi đầy bí hiểm, có dấu hiệu bị giết trước khi rơi xuống giếng” – bà Nga nhớ lại.

Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì 4 ngày sau, Công an tỉnh Lai Châu cũ (sau tách thành Lai Châu và Điện Biên) đến nhà đọc lệnh bắt hai con trai của bà là anh Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (khi đó 19 tuổi) để điều tra về tội giết người. 10 ngày sau đó, công an tiếp tục bắt bà Nga do nghi ngờ bà cùng hai con ra tay sát hại ông Tùng.

“Tôi và hai con đầu bị bắt đi, ba đứa nhỏ còn lại sống bơ vơ, đói khổ rồi bỏ học trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của người đời” – bà Nga nói trong nước mắt.

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm và kết án bà Nga 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm (bà bị tạm giam 7 tháng). Riêng Trịnh Công Hiến bị kết án 18 năm tù và Trịnh Huy Dương 12 năm tù về tội giết người.

“Tòa tuyên vậy nên dư luận cho rằng mẹ tôi giết chồng, anh em tôi giết bố. Chúng tôi bị oan ức, tuyệt vọng vô cùng” – anh Dương nhớ lại.

Phúc thẩm: huỷ án 
điều tra lại

Sau khi được trả tự do, bà Nga mò mẫm, gõ cửa hết các cơ quan tố tụng trung ương để kêu oan. Tháng 12-1990, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử vụ án này.

Do chứng cứ buộc tội không vững, nên phía đại diện Viện KSND tối cao tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu Công an tỉnh Lai Châu (cũ) điều tra lại từ đầu.

“Tôi còn nhớ họ đã khai quật tử thi chồng tôi lên, kết quả cho thấy hộp sọ của ông ấy vẫn còn nguyên, không có dấu vết bị vỡ vì búa hay gậy đập vào như báo cáo trước đó” – bà Nga kể.

Sau phiên phúc thẩm ấy, cả hai anh Hiến và Dương bị giam thêm hơn một năm nữa. Vậy là bà Nga lại tiếp tục hành trình đi kêu oan cho các con. Tháng 1-1992, Viện KSND tỉnh Lai Châu (cũ) có quyết định huỷ bỏ việc tạm giam với hai người sau 28 tháng ngồi tù.

'Kỳ án' dưới chân đèo Pha Đin
Biên bản bắt tạm giam bà Nga và hai quyết định huỷ bỏ việc tạm giam với hai con trai của bà Nga - Ảnh: NGỌC QUANG

Tan nát những phận người

Vụ án bị “treo” lơ lửng, không một phiên tòa nào được mở lại, nên mẹ con bà Nga dù được ra khỏi tù, nhưng cũng bị người đời gièm pha là “kẻ giết người”.

“Mẹ con tôi sống trong uất ức và tủi nhục. Các con đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, trai đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài. Tôi đã tính chuyện bỏ quê đưa các con đến nơi khác sinh sống, nhưng nghĩ vụ án chưa kết thúc nên ở lại, chờ đợi” – bà Nga nói.

Trước lúc bị bắt, anh Hiến có một mối tình đẹp với một cô gái gần nhà, nhưng từ khi người yêu vào tù, vì không vượt qua nổi “bia miệng, tiếng đời” nên cô đã dứt áo đi lấy chồng. Buồn chán rồi sinh bệnh tật, năm 2004 anh Hiến mất.

“Con trai tôi lúc chết trên ngực vẫn còn lưu dòng chữ “hận đời oan trái”. Nó xăm những chữ ấy khi ở trong tù và bảo với các em “khi nào được minh oan thì sẽ xóa”. Thế nhưng đến tận lúc nhắm mắt mà cái tội danh giết cha vẫn lơ lửng trên đầu” – bà Nga kể lại trong nước mắt.

Riêng người con trai thứ hai là anh Dương, vì không chịu nổi sự kỳ thị của người đời nên đành bỏ quê đi nơi khác làm ăn.

Ròng rã hàng chục năm trời với hàng trăm lá đơn được gửi đi khắp nơi mà vụ án vẫn rơi vào im lặng. Gia đình bà Nga gần như buông xuôi, chấp nhận sống với thân phận bị can cho đến cuối đời.

Thế rồi nhìn người mẹ đang ngày một già yếu, rồi chứng kiến những đứa con của mình phải chịu tiếng xấu, nên anh Dương quyết định thay mẹ tiếp tục gửi đơn kêu oan.

Ai sai người đó 
chịu trách nhiệm

Đại tá Lã Đăng Chiến, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: đã báo cáo toàn bộ vụ việc với Bộ Công an. “Tôi khẳng định cơ quan công an sẽ làm rất khách quan. Ai sai người đó chịu trách nhiệm”.

Theo thẩm phán Phạm Văn Nam, chánh án TAND tỉnh Điện Biên: vụ án phải kết thúc về mặt tố tụng, chứ không thể trả hồ sơ điều tra bổ sung rồi bỏ lơ lửng như thế được. Hồ sơ vụ án đã trả rồi nên trách nhiệm giải quyết thuộc về viện kiểm sát.

Trong khi đó, một đại diện Viện KSND tỉnh Điện Biên cho rằng: đã nhận được đơn kêu cứu của gia đình bà Nga từ tháng 10-2016 và đang xem xét.

“Ngày ấy hồ sơ vụ án phần lớn là đánh máy và viết tay nên nay cũng nát hết. Viện Kiểm sát tỉnh đã báo cáo vấn đề này để Viện KSND tối cao và Bộ Công an cho ý kiến cuối cùng. Quan điểm cá nhân tôi là phải ra quyết định đình chỉ vụ án.

Về nguyên nhân để vụ án “treo” 28 năm như vậy, hiện tại chúng tôi chưa thể trả lời do những người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này một số đã mất, số còn lại chuyển chỗ ở đi nơi khác” – vị đại diện Viện KSND cho biết.

Căn cứ kết tội không vững chắc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Huỳnh Công (nguyên kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND tối cao), là kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án gia đình bà Nga, cho biết: trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, qua nghiên cứu tài liệu, hồ sơ vụ án, ông nhận thấy chứng cứ buộc tội mẹ con bà Nga giết chồng, cha là không vững chắc. Vì vậy ông Công đã đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

“Phiên xét xử phúc thẩm, chúng tôi tranh luận đến 10h tối, cuối cùng tòa đi đến kết luận chưa đủ căn cứ buộc tội và quyết định huỷ án yêu cầu điều tra lại” – ông Công nói.

Chỉ vì “án tại hồ sơ”…

Ông Vũ Trọng Lợi, nguyên chánh toà hình sự TAND tỉnh Điện Biên, cho biết năm 1990 ông được phân công làm chủ toạ phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án gia đình bà Nga.

Ông Lợi nhớ lại: khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, cáo trạng truy tố bà Nga cùng hai con trai dựa vào lời khai nhận tội của ba bị can tại cơ quan điều tra và kết quả giám định sọ não nạn nhân (ông Trịnh Huy Tùng) thể hiện sọ bị vỡ do đánh bằng búa và gậy.

“Chúng tôi xét xử thì “án tại hồ sơ”. Sau khi xử sơ thẩm, các bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Toà sơ thẩm đã tuyên án nhưng án chưa có hiệu lực. Sau đó, toà phúc thẩm cho rằng chứng cứ buộc tội chưa vững chắc nên trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu, vậy nên vụ án vẫn trong giai đoạn tố tụng”.

N.V.HẢI – THÂN HOÀNG – ĐỨC BÌNH