11/01/2025

Dù không còn ai tin, tôi vẫn cứu con!

Bằng tất cả sức lực, tiền bạc, tâm trí, tình cảm và cả niềm tin gần như vô tận, bà Nguyễn Thị H. (ngụ ở Q.1, TP.HCM) đã giúp con trai mình cai nghiện thành công.

 

Dù không còn ai tin, tôi vẫn cứu con!

Bằng tất cả sức lực, tiền bạc, tâm trí, tình cảm và cả niềm tin gần như vô tận, bà Nguyễn Thị H. (ngụ ở Q.1, TP.HCM) đã giúp con trai mình cai nghiện thành công.

 

 

 

Dù không còn ai tin, tôi vẫn cứu con!

Người đàn bà rửa chén thuê gầy gò mà kiên cường ấy đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc đối thoại về những điều bà chỉ muốn quên đi và chưa bao giờ dám kể tường tận cho ai biết.

Chính tôi kêu người đến bắt con đi

* Bà biết con mình nghiện 
khi nào?

– Nhà thì chật, có mấy mẹ con sống cùng với nhau. Tôi đi phụ bán quán, rửa chén, làm tạp vụ cho người ta suốt ngày.

Năm thằng M. học hết lớp 10 thì không chịu học nữa. Nó đòi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Tôi đóng tiền cho nó học, đưa rước hằng ngày vì sợ nó 
nghỉ ngang lần nữa. Vậy mà cuối cùng tôi cũng phát hiện nó trốn học đi chơi bida. Việc học dở dang từ đó.

Ở nhà chơi riết cũng nhàm, nó theo học người ta được nghề thợ hồ, sơn nước. Đi làm có tiền mà nó vẫn than không đủ xài, lâu lâu lại hỏi mượn năm bảy trăm, có khi cả triệu đồng. Hỏi thì nó nói phải mua vật tư. Chỉ thấy mượn chứ không lần nào trả.

Ngoài giờ đi làm, tôi để ý thấy nó rất làm biếng, về nhà chỉ ngủ, mỗi lần vô nhà vệ sinh rất lâu. Một lần, tôi tức quá mới kê cục gạch nhón chân nhìn coi nó làm gì trong đó.

Vừa ghé mắt nhìn, tôi loạng choạng muốn té xỉu khi thấy nó đang cầm ống kim tiêm lụi vô tay. Lúc nó mở cửa bước ra, tôi tra hỏi một hồi thì nó khai: “Nói thiệt với mẹ, con nghiện lâu rồi!”. Đó là năm 2010.

* Sau câu nói đó, cuộc chiến của bà với ma túy đã bắt 
đầu chưa?

– Nghe con nói xong, tôi tưởng mình nghẹt thở. Ôm ngực một lúc, câu nói đầu tiên, tôi năn nỉ nó đi cai. Chắc thấy mẹ suy sụp quá, thằng M. hứa: “Để từ từ rồi con cai!”.

Và nó cai thật, cai “sống” – nghĩa là tự bỏ, không chích, hút gì nữa mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Chỉ được vài ngày, nó lên cơn vật vã không chịu nổi. Vậy là “chơi” lại.

Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi: từ máy móc, đồ sắt, đồ điện, nồi, niêu, xoong, chảo…, cái gì bán được, dù chỉ vài chục, thậm chí vài ngàn đồng nó cũng đem đi bán hết.

* Bà đã chọn cách nào để 
cứu con?

– Tôi ôm giữ bí mật trong lòng, chẳng dám nói với ai, kể cả chồng mình. Cuộc sống vợ chồng tôi không suôn sẻ. Kinh tế gia đình hầu như chỉ mình tôi lo.

Từ nhỏ, thằng M. đã hay bị cha nó chửi là đồ nghiện hút vì thấy nó ham chơi, lêu lổng hơn ham học – dù lúc đó nó chưa nghiện. Nếu tôi nói ra, ông ấy không giúp được gì mà sẽ chửi mắng nó thậm tệ hơn.

Tôi đi tìm anh công an khu vực để báo tin, nhờ mấy ảnh xuống “bắt nó” đi cai. Nhưng mà muốn đưa một người đi cai phải có bằng chứng cụ thể.

Không biết thằng M. làm cách nào mà công an bắt nó đi test mấy lần đều không phát hiện có chơi ma tuý. Tôi trằn trọc không ngủ được, tính cách làm sao. Đến đợt quận có chiến dịch đưa người nghiện đi cai, công an đến gõ cửa kiểm tra từng nhà.

Lựa lúc thằng M. đang phê thuốc nằm nhà, tôi báo tin, mở cửa cho mấy anh công an vào đưa nó đi test. Lần đó nó “dính”, được đưa đi luôn.

Bí mật này, chỉ có tôi và anh công an khu vực biết. Có lẽ đến tận bây giờ, thằng M. vẫn không biết chính mẹ đã kêu người bắt nó.

Làm mẹ một thằng nghiện bị bắt đi trường trại, hứng bao nhiêu điều tiếng, dằn vặt của chòm xóm, họ hàng, tôi cắn răng chịu hết.

Cũng có lúc tôi tự hỏi mình làm vậy có ác với con quá không? Nhưng tôi không hối hận. Để nó ở nhà, nó ăn cắp đồ trong nhà đem bán, tôi có thể nhắm mắt làm ngơ. Nhưng lấy hết đồ nhà rồi, nó đi trộm cắp, cướp giật của người ta, bị người ta đánh chết hay sa vô tù tội thì làm sao? Nghĩ vậy, tôi thôi không khóc nữa.

Tôi ra sức làm việc bằng hai, bằng ba để dành tiền, đợi ngày nghỉ đón xe đi Bình Phước thăm nuôi con.

Mẹ – con và cuộc chiến

* Trong suốt mấy năm con đi cai nghiện, có bao giờ bà mất hết niềm tin không?

– Có chứ, nhiều lần nữa là khác. Cai nghiện trên trường hơn hai năm, thằng M. được hồi gia. Ngày về, nó trắng trẻo, mập mạp, chịu đi làm. Tôi khấp khởi mừng thầm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi lại thấy nó lờ đờ, ngủ ngày, lại hay vào nhà vệ sinh lâu.

Tôi phải bỏ bớt việc, ở nhà theo dõi nó. Một bữa, tôi theo chân nó ra đến công viên 23-9. Từ đằng xa, tôi thấy nó 
ngồi xuống bên một bồn hoa và bắt đầu chích. Tim tôi như 
ngừng đập.

Lúc M. trở về nhà, nó thấy tôi đang ngồi khóc. Đoán tôi đã biết chuyện, nó quỳ sụp xuống và nói: Mẹ ơi, mẹ cứu con lần nữa! Tôi lại cảm thấy như mình đang rơi xuống một vực sâu…

* Đó có phải là lần thất vọng sau cùng của bà?

– Đó chưa phải là kết thúc. Tất cả lại mới bắt đầu. Tôi lại gượng dậy tính cách. Tôi gọi cho anh Lê Bá Ngân, cán bộ phụ trách công tác cai nghiện của P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, bàn với ảnh kiếm chỗ gửi M. đi cai lần nữa. M. nói không muốn trở lại trung tâm 
cai nghiện.

Tính đi tính lại, tôi chỉ còn cách gửi nó về quê nội ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Ngày đi, nó quyết tâm, hứa hẹn với tôi và anh Ngân dữ lắm, hứa sẽ tự cai. Ai dè mới được ít ngày, nó lại lò mò trở về. Hỏi sao không ở dưới nữa, nó than: “Con muốn lắm nhưng ở không nổi má ơi!”.

Lúc đó, mọi hi vọng trong tôi đều tắt. Nhưng rồi tôi lại không thể phó mặc con mình cho số phận. Tôi quyết định thả lỏng nó một thời gian, còn mình thì một mặt bàn với anh Ngân, một mặt liên hệ nhiều nơi để tìm chỗ gửi nó đi cai tiếp.

Cuối cùng, có một người cậu bên ngoại đồng ý chứa chấp nó. Tôi mừng rơi nước mắt. Ngay trong đêm đó, tôi soạn đồ, chở nó bằng xe máy một mạch về quê.

Tôi nói với nó: “Bây giờ con ở đây, ráng mà cai. Mẹ phải trở lên Sài Gòn kiếm tiền. Nếu mẹ khỏe, tầm ba ngày mẹ lại về thăm con!”.

Một mình chạy xe máy trở lên TP.HCM ngay trong đêm đó để kịp sáng mai đi làm, đường thì xa, trời thì lạnh, hai mắt díu lại vì mệt nhưng tôi tự nhủ lòng không được gục ngã.

Không có trường trại nào bằng người thân

* Bà làm cách nào để vừa kiếm tiền vừa lo cho con?

– Tôi vừa trở lên được ba ngày, đã thấy nó mò lên, đứng ngay ở cửa. Nó lại cầm lấy tay tôi: “Mẹ ơi, con chịu hết nổi rồi. Mẹ cứu con!”. Tận cùng tuyệt vọng, tôi nói với nó: “Mẹ không còn tiền bạc, cũng không còn khả năng lo cho con. Bây giờ mẹ chỉ còn muốn tìm lấy cái chết”.

Dường như trong giây phút đó, tình thương mẹ của nó đã thắng được cơn vật vã. Nó ôm tôi khóc, lại chịu cùng tôi trở về quê, còn kêu tôi mua gà, mua tre về cho nó làm chuồng nuôi.

Lần này, tôi không dám bỏ nó lâu nên mỗi ngày đều chạy đi, chạy về giữa TP.HCM và Tiền Giang để có thời gian gần gũi, khuyên răn, động viên con. Để có tiền, tôi nhận làm thêm đủ việc: rửa chén, chạy bàn, giúp việc nhà, tạp vụ… Làm từ sáng sớm đến tầm 5h chiều là tôi chạy xe máy về quê. Cỡ 7h tối tới nơi, tắm rửa, ngủ với con đến 
3h sáng là thức dậy chạy ngược về TP.HCM.

Ròng rã như vậy gần một năm trời, tôi chỉ còn nặng tầm 40kg. Nhờ trời thương, cuối cùng thằng M. đã cai được. Nó xin đi học lái xe, ra trường, xin được việc làm, lấy được vợ. Giờ nó chí thú làm ăn để kiếm tiền sửa nhà, chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

* Chúc mừng bà. Đọng lại sau cùng, bà nghĩ nhờ đâu mình chiến thắng trong cuộc chiến với ma túy?

– Tôi không học cao, không hiểu nhiều, không có kiến thức về cai nghiện. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi chỉ biết có một thứ rất ghê gớm đang giành giật, huỷ hoại cuộc đời con mình, đẩy nó ra xa vòng tay mình. Bằng mọi cách, tôi phải cứu con. Tiền bạc tôi không nhiều. Thứ nhiều nhất mà tôi có chỉ là tình thương.

Người ta thường nói “đừng tin con nghiện trình bày”, nhưng ngay cả khi cả cuộc đời này quay lưng lại với nó, khi không còn ai tin nó nữa, tôi vẫn cứu con tôi. Bởi tôi tin sẽ có ngày tình thương khiến nó nghĩ lại và có thêm quyết tâm làm lại cuộc đời.

* Nếu có một lời khuyên dành cho những gia đình đang có người nghiện, bà sẽ nói điều gì?

– Đừng bao giờ bỏ rơi con, em, người thân của mình khi họ tuyệt vọng, cùng đường nhất. Và phải thật kiên nhẫn. Không có trường trại nào chặt chẽ bằng sự giám sát, rào giữ của người thân.

Với tôi, cuộc chiến này chưa phải đã kết thúc. Hằng ngày, tôi vẫn ngó chừng, khuyên răn con vững lòng. Bởi không có môi trường nào hoàn toàn vô trùng và cám dỗ vẫn luôn ở bên ngoài cánh cửa nhà mình.

Anh Lê Văn M.:

Mẹ đã sinh ra tôi một lần nữa

Nhìn bạn bè cùng cảnh ngộ như mình, có người phải chấp nhận sống chung với ma túy suốt đời, có người nhiễm HIV, có người phải sớm từ giã cuộc đời, tôi thấy mình thật may mắn khi có được ngày hôm nay. Tất cả là nhờ có anh Ngân, và nhất là nhờ “bà già tôi”.

Nhìn mẹ ốm yếu, ngày đi phụ quán, mót lượm từng chai nước suối, từng cái bọc nilông đem bán chắt mót từng đồng lo cho tôi, vượt trăm cây số trong đêm về với tôi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi không muốn làm mẹ buồn thêm. Bà đã sinh ra tôi thêm một lần nữa.

Dù không còn ai tin, tôi vẫn cứu con!
Ông Lê Bá Ngân – Ảnh: T.TRUNG

* Ông Lê Bá Ngân (cán bộ văn hoá – xã hội phụ trách công tác cai nghiện P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM):

Tôi nhìn thấy quyết tâm của cả 2 mẹ con

Có đến 90% gia đình có con bị nghiện đều mang tâm lý muốn che giấu, bưng bít chuyện con em mình và nghĩ như thế là thương con. Nhưng riêng trường hợp của mẹ con chị H., tôi nhìn thấy quyết tâm ở cả mẹ và con.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị H. luôn phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong việc cai nghiện cho con.

Ngoài quyết tâm của người nghiện, sự hỗ trợ giúp sức của địa phương thì sự sâu sát, tình thương yêu quan tâm của người thân chính là chìa khoá giúp cai nghiện thành công.

Tôi đã chứng kiến có trường hợp người nghiện thật sự muốn cai mà không thắng được cám dỗ, cũng không có người thân bên cạnh hỗ trợ nên đã trượt dài trong nghiện ngập.

MAI HƯƠNG thực hiện