Cuộc hội thảo có chủ đề Nghệ thuật “thả thính” trên Facebook diễn ra chiều 23.7 tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội), cho thấy những vấn đề liên quan đến mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm và tác động đến nhiều người trẻ.
Người nổi tiếng trên Facebook
Cuộc hội thảo có chủ đề Nghệ thuật “thả thính” trên Facebookdiễn ra chiều 23.7 tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội), cho thấy những vấn đề liên quan đến mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm và tác động đến nhiều người trẻ.
Các vị khách mời gồm: diễn viên Lưu Kỳ Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ), nhà báo Minh Hải (kênh Bóng đá TV thuộc VTV Cab), dịch giả Nguyễn Bích Lan (Hà Nội) đã chia sẻ cùng các bạn trẻ những câu chuyện, quan điểm về cách dùng Facebook, mạng xã hội, làm thế nào để xây dựng hình ảnh cá nhân, tiếp nhận thông tin, cách ứng xử văn minh trên Facebook, mạng xã hội…
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc hội thảo, câu chuyện về ứng xử văn hóa trên Facebook trở nên “nóng” hơn trong xã hội với nhiều sự việc xảy ra gần đây, nhất là khi liên quan đến nghệ sĩ, người nổi tiếng – những người có ảnh hưởng nhất định tới công chúng.
“Sao em ngu thế hả?”
Facebook là cuộc sống ảo nhưng lại gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Vì vậy, những gì mình viết ra, nói ra có thể làm tổn thương, xâm hại đến người khác. Chẳng hạn việc chia sẻ những câu chuyện tình cảm riêng tư của mình có thể ảnh hưởng đến gia đình người khác thì không nên đưa lên
Diễn viên Lưu Kỳ Hương
Chỉ cách đây vài ngày, cư dân mạng xôn xao về việc cựu người mẫu Trang Trần khi đang livestream (trò chuyện trực tiếp trên Facebook) đã không ngần ngại dùng ngôn từ xúc phạm để nói với người đang tương tác: “Sao em ngu thế hả? Ngu hết phần của lợn”. Mới tháng trước, chính cựu người mẫu này cũng không tiếc lời lẽ chửi bới nghệ sĩ Xuân Hương khi đang livestream và nhìn thấy Facebook có tên Lê Xuân Hương bình luận: “Vô văn hóa quá”. Sau khi liên tục bị xúc phạm, nghệ sĩ Xuân Hương đã nộp đơn tới cơ quan công an tố cáo, đề nghị xử lý cựu người mẫu vì hành vi làm nhục danh dự nhân phẩm người khác.
Có nghệ sĩ đã dùng Facebook để cầu cứu. Mới đây, diễn viên Chu Hùng – người được chú ý với vai diễn trong phim truyền hình nhiều tập Người phán xử đang gây sốt – đã đăng lên Facebook một video kêu gọi giúp đỡ vì ông quá khổ. Gia đình ông phải sống trong cảnh không có điện, nước giữa Hà Nội từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương và ngay cả hàng xóm của ông đã lên tiếng với báo chí nguồn cơn của sự việc này là do gia đình diễn viên đã sửa chữa nhà không đúng phép (dù vậy, cho đến nay, được biết nhà ông đã được cấp điện, nước, và ông lại làm một video clip cảm ơn “cộng đồng mạng”).
Bên cạnh đó, không ít người nổi tiếng dùng Facebook làm nơi để “xả” cơn tức giận. Một nam ca sĩ đã chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ thái độ bất bình với ban tổ chức một chương trình với lời lẽ không mấy hay ho: “Cái loại chúng mày coi bố mày không ra gì thì bố mày coi chúng mày tương tự. Nhé”. Một đồng nghiệp của anh đã biện hộ rằng dòng trạng thái này được viết khi anh không còn tỉnh táo. Một cựu người mẫu coi Facebook là nơi để chị chia sẻ chuyện tình cảm riêng tư. Công chúng được thoải mái xem những hình ảnh, video của chị. Có khi chị livestream để nói về tình yêu mặn nồng, lúc chị đau khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khi thì “tố” chồng cũ tệ bạc.
Những trang Facebook có số lượng người theo dõi đông đảo (hàng triệu người cho đến chục triệu người), phần nhiều là của các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Cách họ “chơi” Facebook có ảnh hưởng nhất định đến công chúng. Có những nghệ sĩ có những ứng xử đẹp trên mạng xã hội, và cũng có người tạo ra những hình ảnh tiêu cực.
Cuộc sống ảo ảnh hưởng tới cuộc sống thật
“Với người nổi tiếng, Facebook có sự tương tác với công chúng rất lớn, nên cần xây dựng hình ảnh đẹp trên mạng xã hội. Không phải nói Facebook là trang cá nhân thì tôi muốn nói gì thì nói, ai nghe thì cứ nghe”, diễn viên Lưu Kỳ Hương chia sẻ. Chị nói thêm: “Facebook là cuộc sống ảo nhưng lại gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Vì vậy, những gì mình viết ra, nói ra có thể làm tổn thương, xâm hại đến người khác. Chẳng hạn việc chia sẻ những câu chuyện tình cảm riêng tư của mình có thể ảnh hưởng đến gia đình người khác thì không nên đưa lên”.
Nữ diễn viên chia sẻ quan điểm “chơi” Facebook của chị: “Mục đích của tôi là mang đến những câu chuyện, cảm xúc tích cực, để mọi người thấy cuộc sống tốt đẹp là những điều tươi đẹp”. Chị cho rằng, những thông tin và hình ảnh riêng tư, những tâm trạng buồn chán của cá nhân… hoàn toàn có thể chia sẻ riêng với những người muốn chia sẻ, để chế độ không công khai, tránh ảnh hưởng tới người khác. “Nghệ sĩ dùng Facebook phải có văn hóa, nhất là khi công chúng luôn để ý, quan sát họ”, Lưu Kỳ Hương bày tỏ.
Diễn viên Chu Hùng đăng clip cảm ơn, đặc biệt gửi lời tới cộng đồng mạng đã lên tiếng giúp đỡẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Nhà báo Minh Hải cho rằng, mọi người đều có cơ hội xây dựng hình ảnh cá nhân trên Facebook, mạng xã hội để trở nên nổi tiếng, nhưng đây là điều không dễ dàng gì, thậm chí phải đánh đổi bằng cả thất bại. Anh cũng lấy câu chuyện của Jack Ma – tỉ phú người Trung Quốc kinh doanh trên internet và Michelle Phan – chuyên gia trang điểm người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với kênh YouTube dạy trang điểm như ví dụ về việc làm thế nào tìm ra những gì đặc biệt để xây dựng hình ảnh cá nhân thành công, kiếm bộn tiền từ thế giới ảo.
Nhiều câu chuyện “sống ảo” đang phổ biến trên Facebook hay mạng xã hội cũng được đưa ra chia sẻ. “Chúng ta cần khiêm tốn trước những việc chúng ta làm, chứ không phải đem ra khoe khoang. Khoe không đúng với bản chất thì chính mình phải tự xấu hổ”, dịch giả Nguyễn Bích Lan bày tỏ. Chị chia sẻ lời khuyên tới những người trẻ về cách ứng xử với những trang Facebook có nội dung tiêu cực: “Với những trang Facebook chỉ toàn những clip đánh ghen, tục tĩu, nếu chúng ta không bàn tán, chia sẻ thì rồi nó cũng tự chết thôi. Khi dùng Facebook, chúng ta nên đặt câu hỏi về mục đích sử dụng của mình, hay Facebook giúp ích cho mình điều gì”.