Một nhà – hai nỗi oan sai
Giới thiệu cho bà con hàng xóm đi định cư tại Úc, vợ chồng ông Phan Chí Lộc đâu ngờ cả hai bị cáo buộc tội lừa đảo. Đằng đẵng chịu oan suốt 10 năm, có lúc bà Nguyễn Thị Hoa đã nghĩ đến chuyện tự tử.
Một nhà – hai nỗi oan sai
Giới thiệu cho bà con hàng xóm đi định cư tại Úc, vợ chồng ông Phan Chí Lộc đâu ngờ cả hai bị cáo buộc tội lừa đảo. Đằng đẵng chịu oan suốt 10 năm, có lúc bà Nguyễn Thị Hoa đã nghĩ đến chuyện tự tử.
Ông Lộc nhớ lại những ngày tháng trong tù – Ảnh: P.X.DŨNG |
“Tôi đã dặn lòng mình phải chiến đấu đến cùng để minh oan cho chính mình, không để vợ chồng, con cái mang tiếng xấu suốt đời |
Ông Phan Chí Lộc |
Ông Phan Chí Lộc (trú phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) tâm sự rằng có thể quên nhiều thứ vì tuổi tác đã gần 70 và đặc biệt vì vướng vào vòng lao lý, phải kêu oan suốt ròng rã 10 năm. Nhưng có những mốc thời gian đến chết ông cũng không quên, như cái ngày định mệnh 22-7-2007.
Đó là ngày mà cả hai vợ chồng ông cùng bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngay sau quyết định oan nghiệt đó, ông bị bắt tạm giam, còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, được tại ngoại. Vào thời điểm khởi tố, vợ chồng ông là giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Lộc Hoà Việt Úc.
Ngày định mệnh
Năm 2006, ông Phan Chí Lộc sang Úc thăm con trai là Phan Chí Phương thì gặp Dương Thị Minh Phụng, người gốc Việt (quốc tịch Úc). Phụng giới thiệu mình tên là Nguyễn Thị Hương, làm việc ở Bộ Di trú Úc, có khả năng đưa người Việt sang định cư tại Úc.
Và để làm việc đó đương nhiên phải đóng tiền cho Phụng. Cụ thể, mỗi suất du học là 360 triệu đồng, mỗi suất du lịch là 100 triệu đồng, còn mỗi suất xuất khẩu lao động là 270 triệu đồng.
Sau khi ông Lộc về nước, Phụng đã bố trí cho Dương Thị Yến Nhi đón tại sân bay Tân Sơn Nhất và thống nhất việc chuyển tiền cùng hồ sơ xuất ngoại cho Nhi.
Ngay sau đó, vợ chồng ông Lộc về quê mình là Bố Trạch (Quảng Bình) kể với bà con hàng xóm chuyện đi qua định cư tại Úc và được nhiều người hưởng ứng.
Việc mai mối trôi chảy, thể hiện qua số tiền mà vợ chồng ông Lộc chuyển vào tài khoản của Nhi và trực tiếp đưa cho Phụng là 7,5 tỉ đồng. Trong đó có hơn 1 tỉ đồng là tiền mà vợ chồng ông ứng cho 9 người vay làm hồ sơ với cam kết: khi nào nhận được visa mới hoàn trả tiền.
Thế nhưng điều quá đỗi bất ngờ đã xảy ra: việc xuất ngoại bất thành. Mất tiền, lập tức gần 30 nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan pháp luật. Vậy là hình thành vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 29-7-2009, tại phiên toà sơ thẩm lần 1, ông Lộc bị tòa tuyên phạt 9 năm tù giam, còn bà Hòa là 7 năm tù.
10 năm cay đắng, đoạn trường
Ngay sau khi tòa tuyên án, vợ chồng ông đã kháng án, ba phiên toà tiếp theo đều tuyên vợ chồng ông Lộc không phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Lộc bị khởi tố, bắt tạm giam năm 2007, được minh oan và xin lỗi công khai năm 2017.
Mười năm ròng rã đi tìm công lý với bao nỗi cay đắng, đoạn trường. Nhất là dưới một mái nhà lại chồng chất đến hai nỗi oan sai.
Ngồi trong căn nhà thuê nhỏ bé, tuềnh toàng, ông Lộc nhớ lại những năm tháng đã qua khi tai họa bất ngờ ập xuống: “Họ bắt tạm giam tôi hơn một năm trời. Lúc vào trại giam tôi nặng hơn 60kg, nhưng lúc ra tù tôi chỉ còn chừng 40kg. Thân hình tiều tuỵ, tóc bạc trắng cả đầu, ai nhìn cũng hoảng, không thể nhận ra.
Nếu đúng như thế thì cuộc đời coi như chấm hết, còn trông mong gì nữa, nhưng rồi tôi đã dặn lòng mình phải chiến đấu đến cùng để minh oan cho chính mình, không để vợ chồng, con cái mang tiếng xấu suốt đời.
Hôm Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức xin lỗi công khai và cải chính thông tin, tôi đã nói: Tôi bị vu oan là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì thế tôi không dám về quê vì xấu hổ, nhục nhã với bà con làng xóm. Ai thấu hiểu cho vợ chồng tôi?”.
Ngừng giây lát cho qua cơn xúc động, ông nói tiếp: “Sau khi thụ án, vợ chồng tôi hoàn toàn trắng tay. Từ chỗ một người làm chủ doanh nghiệp, nhà mặt tiền ba tầng, thu nhập ổn định, bỗng chốc tan thành mây khói.
Vợ tôi sau ngày bị khởi tố tinh thần suy sụp nên đã đổ bệnh nan y, bây giờ mỗi tuần 3 lần phải vào Bệnh viện Trung ương Huế để chạy thận. Quá quẫn trí, có lần bà ấy nghĩ liều đến chuyện tự tử, cũng may nhờ hàng xóm khuyên can nên mới lần hồi qua ngày đoạn tháng”.
Trời cuối tháng 7 nắng đến chói chang, oi nồng, tôi và con gái đầu của ông Lộc là chị Phan Thị Thuỷ ngồi lặng yên khi nghĩ về những hậu quả nặng nề mà vụ án oan của 10 năm trước để lại.
“Lúc ba mẹ bị khởi tố, tôi đang là sinh viên năm 2 Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, em tôi cũng là sinh viên tại Úc. Anh biết đó, một gia đình mà cả ba mẹ đều bị cuốn vào vòng lao lý thì tâm trí, bụng dạ nào mà học với hành. Mà có muốn học cũng không biết lấy tiền đâu để trả học phí. Vậy nên cả hai chị em đành bỏ học” – chị Thủy nói.
Vậy là giấc mơ đại học của cả hai người con ông Lộc đành dang dở, lùi vào dĩ vãng suốt mười năm, giờ chỉ còn là kỷ niệm đắng lòng.
Chia tay, ông Lộc bảo rằng: “Tôi phải đòi công lý, phải lấy lại những gì mình đã mất. Vậy nên tôi đã ra tận Bắc Giang tìm gặp ông Nguyễn Thanh Chấn hỏi kinh nghiệm trong bồi thường oan sai”.
Dẫu rất chia sẻ niềm tin và nghị lực kiên cường của một ông lão đã xấp xỉ 70 tuổi, nhưng tôi thầm nghĩ có những điều như tuổi trẻ, cơ hội học hành và thời gian liệu vợ chồng ông Lộc và các con có đòi lại được không?
Viện KSND Quảng Trị xin lỗi hai vợ chồng oan sai Ngày 29-6-2017, Viện KSND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi xin lỗi oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với vợ chồng ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hoà. Theo hồ sơ, năm 2007 ông Lộc và bà Hoà bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên toà sơ thẩm lần 1 đã tuyên ông Lộc 9 năm tù giam, bà Hoà 7 năm tù giam. Vụ án lần lượt trải qua 4 phiên toà xét xử, cuối cùng cơ quan tố tụng tuyên ông Lộc và bà Hoà không phạm tội lừa đảo. Ngày 25-1-2016, thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Lộc và bà Hoà. |