29/11/2024

Từ chuyện giám định ADN cho trâu

Trong số 18 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được TAND tối cao lựa chọn đưa vào dự thảo án lệ, có một bản án liên quan đến vấn đề tranh chấp tài sản là một con trâu.

 

Từ chuyện giám định ADN cho trâu

 Trong số 18 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được TAND tối cao lựa chọn đưa vào dự thảo án lệ, có một bản án liên quan đến vấn đề tranh chấp tài sản là một con trâu.

 

 

 

Từ chuyện giám định ADN cho trâu
Ông Nguyễn Hoà Bình – chánh án TAND tối cao – Ảnh: H.ĐIỆP

Biện pháp giải quyết là giám định như TAND tỉnh Hà Tĩnh đã làm. Khi xác định được đúng giá trị tài sản của ai thì phải hoàn trả cho người đó.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Đó là bản án do TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ được TAND tối cao tổ chức ngày 22-7 tại TP.HCM.

Để cho ra được bản án này, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã phải mang trâu đi giám định ADN nhằm xác định con trâu là của bên nguyên hay bên bị.

Con trâu của ai?

 

Đây là bản án được TAND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất phát triển thành án lệ. Theo ông Nguyễn Văn Thắng – chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, vấn đề tranh chấp tài sản là vật nuôi thả rông diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh miền núi, nhất là phía Bắc.

 

Đôi khi vì giá trị tài sản không cao, thậm chí chỉ là vài con vịt nhưng lại dẫn đến những vụ án kéo dài. Khi xảy ra vụ việc thì không còn là câu chuyện tranh chấp tài sản của cá nhân, gia đình mà còn kéo theo cả dòng họ.

Ông Thắng cũng nói thực tế đã có vụ án xử vụ tranh chấp 4 con vịt nhưng có đến 12 luật sư tham gia tố tụng cho bên nguyên và bên bị. Ở các vùng nông thôn, vật nuôi đi lạc để xét xử được và giữ được hoà khí giữa hai bên, gia đình dòng họ thì tòa án phải vận dụng nhiều cách khác nhau để giải quyết tranh chấp.

Theo bản án “tranh chấp trâu”, ông Nguyễn Thiều H. (ngụ tại thị xã L., tỉnh Hà Tĩnh) khởi kiện ông Nguyễn Khắc C. (ngụ tại thị xã L., tỉnh Hà Tĩnh) ra tòa để đòi quyền sở hữu với một con trâu khoảng 4 tuổi.

Tại toà, ông H. khai rằng đây là con trâu do con trâu mẹ nhà ông sinh ra, sau đó bị mất. Khi ông đi tìm, được người mách cho biết nhà ông C. đang xỏ sẹo mũi cho con trâu này nên ông đến đòi.

Tuy nhiên, ông C. trình bày ông cũng có con trâu 4 tuổi do con trâu mẹ của ông nuôi sinh ra. Đến tuổi giao phối con trâu này đi theo đàn trâu ở xóm khác nên ông đã đến đó đưa con trâu về nhà. Do đó, ông C. không đồng ý với yêu cầu của ông H..

Trong quá trình giải quyết vụ án, toà cấp sơ thẩm đã áp dụng tập quán địa phương là thả trâu ra bãi thả, trâu về nhà ai thì thuộc về nhà người đó. Tập quán này đã từng được áp dụng tại địa phương đối với những vụ tranh chấp trâu bò trước đó.

Tuy nhiên, biện pháp này không thực hiện được do bị đơn không hợp tác. Cuối cùng, bị đơn yêu cầu t trưng cầu giám định ADN con trâu tranh chấp với một con trâu được cho là mẹ của nó.

Song kết quả giám định lại cho thấy con trâu tranh chấp không phải là con của con trâu mẹ mà bị đơn yêu cầu trưng cầu giám định. Dựa vào kết quả này tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện nhưng đồng thời nguyên đơn phải trả cho bị đơn một khoản tiền chăm sóc con trâu trong thời gian diễn ra tranh chấp là hơn 10 triệu đồng.

Vịt nhập đàn thì sao?

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết tranh chấp vật nuôi ở nông thôn động chạm đến danh dự rất lớn nên việc xét xử thế nào rất quan trọng.

“Chúng tôi đã áp dụng nhiều tập quán địa phương trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, có những tranh chấp mà chúng tôi biết dù xử bên nào thắng thì cũng gây ra tổn thương cho bên còn lại. Do vậy, có những vụ án tranh chấp vật nuôi là trâu bò cuối cùng đã đạt được thoả thuận là mổ trâu chia cho cả làng cùng ăn và hai bên cùng vui vẻ” – ông Thắng nhớ lại.

Nói về bản án này, ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án TAND tối cao, cho rằng đây là một trong hai bản án do địa phương đề xuất để phát triển thành án lệ. Sở dĩ TAND tối cao chọn bản án này để các đại biểu góp ý là bởi vấn đề tranh chấp vật nuôi ở địa phương rất phổ biến, nhưng toà thường xem nhẹ bởi cho rằng giá trị tài sản không lớn mà chủ yếu là câu chuyện danh dự.

Thực tiễn xét xử cho thấy việc thuê luật sư hoặc trả chi phí cho quá trình tố tụng vượt xa với giá trị tài sản nhưng tòa vẫn phải xem xét.

“Từ vụ án con trâu này, vẫn còn có thể xem xét các tranh chấp vật nuôi khác như chó cảnh hoặc những con gì đó có giá trị lớn hơn. Và biện pháp giải quyết là giám định như TAND tỉnh Hà Tĩnh đã làm. Khi xác định được đúng giá trị tài sản của ai thì phải hoàn trả cho người đó” – ông Bình nói.

Nói về việc giám định ADN trâu để xác định tài sản của ai, ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao, cho biết trong vụ án của TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử còn có trâu mẹ để mà giám định ADN, còn ở tỉnh Điện Biên đã có vụ án tranh chấp vật nuôi mà không có gì để giám định ADN.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong thực tế việc tranh chấp vật nuôi ở các địa phương diễn ra khá phổ biến, do vậy việc có một bản án đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc xét xử là hướng mới cần phải được lựa chọn cho việc giải quyết đối với các tranh chấp khác.

Với cách trên, dù được nhiều chuyên gia ủng hộ, nhưng một đại biểu dự hội thảo đến từ TAND tỉnh Hậu Giang lại cho rằng nếu tranh chấp tài sản là vật nuôi có giá trị lớn như trâu bò thì có thể áp dụng việc giám định ADN được.

Còn riêng ở các tỉnh miền Tây có những vụ án vịt nhập đàn thì không cách gì để áp dụng biện pháp giám định được. Bởi không thể nào xác định được con vịt nào là con vịt nhập vào đàn trong một đàn có cả ngàn con vịt giống nhau.

Nhiều tranh cãi

Ngày 22-7 tại TP.HCM, TAND tối cao đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ. Tại buổi hội thảo, đã có 18 bản án quyết định về các lĩnh vực: hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại được đưa ra lấy ý kiến.

Ngoài vụ án giải quyết tranh chấp tài sản là con trâu của TAND tỉnh Hà Tĩnh, bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk về vụ án giết người đối với hành vi của một bị cáo đã sử dụng ôtô để đâm chết nạn nhân, bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk xử bị cáo tội giết người với hành vi côn đồ.

Bản án này cũng gây ra nhiều tranh cãi là có thể phát triển thành án lệ hay không. TS Nguyễn Sơn, nguyên phó chánh án TAND tối cao, cho rằng cần phải xem xét lại khi phát triển thành án lệ.

16 bản án, quyết định khác được lựa chọn góp ý trong hội thảo đã được các đại biểu góp ý cho từng bản án, quyết định. Trong đó có nhiều bản án, quyết định được đề xuất loại khỏi nguồn án lệ bởi còn nhiều thiếu sót hoặc còn có những vấn đề gây tranh cãi.

Các đại biểu cũng đề xuất nên có thêm án lao động bởi vấn đề lao động đang xảy ra rất nhiều tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động.

HOÀNG ĐIỆP