11/01/2025

Giấc mơ hoà bình từ Trường Sơn

“Đời binh nghiệp mấy mươi năm, nhưng bốn năm ở Trường Sơn là bốn năm mà tôi không quên được một ngày” – thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tâm sự ở tuổi 91.

 

Giấc mơ hoà bình từ Trường Sơn

“Đời binh nghiệp mấy mươi năm, nhưng bốn năm ở Trường Sơn là bốn năm mà tôi không quên được một ngày” – thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tâm sự ở tuổi 91.

 

 

 

Giấc mơ hòa bình từ Trường Sơn
Ông 91, bà 82. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến, ông bà viết cho nhau hơn 500 lá thư. Trong những lá thư ấy, tình yêu của ông bà chan hòa trong tình yêu đất nước và khát khao hòa bình cho dân tộc – Ảnh: TỰ TRUNG

“Ngày nay không còn là ngày xưa, không thể kêu gọi người người dẹp bỏ lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích chân chính mới có thể lấy làm động lực. Lợi ích phi nghĩa xâm hại đến người khác, đến nhân dân, đất nước, dân tộc nhất thiết phải đấu tranh

Thiếu tướng Phan Khắc Hy

Ông trầm ngâm: “Kết thúc chiến tranh, Binh đoàn Trường Sơn để lại núi rừng hơn 2 vạn chiến sĩ, 3 vạn người bị thương và hàng vạn người khác cùng gia đình phải chịu di chứng của chất độc da cam cho đến ngày nay. Không thể nào quên. Nhưng càng không quên được là hàng triệu giấc mơ hòa bình của các chàng trai là chúng tôi ngày ấy…”.

Trong những cánh thư

Như là lời hứa hẹn của ông trong lá thư gửi cho các con: “Rừng Trường Sơn nhiều núi cao, nhiều loại cây, nhiều loại thú. Ôtô ba đi trên đỉnh cao hơn 1.000 mét, sương mù dày đặc chỉ thấy được 3 mét, ngoài 3 mét không thấy gì cả. Có loại chồn bay rất quý, nó có cánh ở chân như con dơi. Đường ôtô chạy ngang chạy dọc. Sau này hòa bình, có dịp sẽ cho các con đi chơi Trường Sơn”.

Con đường ấy, ôtô chỉ huy của ông từng bị bom từ trường thổi bay tung. Bốn người trên xe đều bị thương nặng, chỉ cách cái chết có một li. Con đường ấy, đến những ngày cuối của cuộc chiến tranh, ông vẫn còn phải chứng kiến đồng đội ngã xuống, nỗi tiếc thương vẫn dâng lên thành nước mắt cho đến tận hôm nay.

“Thiên nan vạn nan là đường Trường Sơn, nhưng mơ ước đã nâng những đôi dép lốp của chúng tôi” – thiếu tướng Phan Khắc Hy nói và nhẹ nhàng mở chiếc vali nhỏ sờn màu thời gian. Trong ấy là bảo vật của ông: hơn 500 bức thư mà ông và vợ đã viết cho nhau suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến, những cuốn sổ công tác lẫn nhật ký dọc đường.

Chúng tôi đọc. Những trang giấy vàng giòn, những mảnh giấy pơluya mong manh như sắp tan mất, những hàng chữ li ti đôi chỗ đã mờ nhoè. Nhưng tình yêu thì nồng đượm và mơ ước thì mênh mông. Thư gửi vợ thật ít chuyện riêng tư nhưng tình yêu vẫn cứ tràn bờ.

Ông bà đều cười khi những người trẻ hôm nay tỏ ra ngạc nhiên về độ lãng mạn không ngờ của những bức thư viết dưới bom rơi đạn nổ: “Ngày ấy chúng tôi là như thế. Sống trong thiếu thốn, khó khăn, nguy hiểm tưởng như không thể vượt qua, nhưng rồi chúng tôi đã vượt qua khi nghĩ đến ngày hoà bình với tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Ngày ấy, tất cả những cái xấu sẽ bị tiêu diệt. Bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trong giấc mơ ấy”.

Ngày hòa bình đến sau bao nhiêu hi sinh, nhưng những gì tốt đẹp nhất lại vẫn còn ở phía trước con đường dài.

Ông lại viết cho vợ: “Đi hết miền Nam rồi trở về Hà Nội, càng thấm thía bức thiết phải vượt qua nghèo nàn lạc hậu, và sự đòi hỏi nghị lực và tài năng để làm việc này. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng là ấm no, hạnh phúc, sự nghiệp ấy bây giờ ta mới bắt đầu. Anh chỉ tiếc thời gian và sức lực để học tập và làm việc không còn dồi dào như 30 năm qua”.

Giấc mơ còn đó

42 năm sống trong hòa bình, đã rất nhiều lần thiếu tướng Phan Khắc Hy đưa vợ và các con ông trở lại nhìn ngắm, khám phá đường Trường Sơn như ông đã hứa năm nào. Đến nghĩa trang Trường Sơn vào tháng 7 để thắp lên những nén nhang, ngọn nến cho đồng đội…

Nói về giấc mơ Trường Sơn, ông chỉ tay vào chồng báo trên bàn: “Về hưu, cuộc sống cũng vui vầy, hội cựu chiến binh Trường Sơn cũng lập được quỹ trợ giúp những đồng đội gặp khó khăn. Nhưng tôi đã biết rõ hoà bình không đơn giản là tổng h của những điều đẹp đẽ như chúng tôi đã từng mơ một cách thật ngây thơ…”.

Ông buồn buồn: “42 năm rồi, đi thăm đồng đội ở nhiều nơi, thấy rõ người giàu người nghèo, dân nghèo mà cán bộ giàu, nhớ những ngày cả quân đội cả Chính phủ sống nương nhờ trong dân, thật buồn.

Đọc báo về những vụ tiêu cực của ngay chính các đồng chí mình, nhiều lúc không thể tin nổi. Rồi ngay đến cháu nội tôi, muốn xin vào đơn vị nhà nước theo truyền thống của ông cha cũng bị yêu cầu lót tay. Tôi nói với con cháu: không thể thỏa hiệp, nộp hồ sơ sang công ty tư nhân”.

Ông nói: Cuộc chiến thời bình nhiều lúc còn khốc liệt hơn chiến tranh. Đọc báo về nạn tham nhũng, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của tham nhũng với đất nước, nhân dân, “rất buồn vì những người gây ra đều là các đồng chí mình, rồi lại vui vì việc xấu đã được phanh phui”. 

Ông sôi nổi: “Tôi mong báo viết nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, xốc tới không lùi bước như chúng tôi ngày xưa. Chiến đấu với bệnh tật trên cơ thể chính mình, không chịu đau thì không thể lành được…”.

Xếp đi xếp lại những lá thư, những cuốn sổ, ông nhìn vợ, cầm một lá thư của bà lên đọc một đoạn: “Ở xa, chỉ mong thư đến tay anh với tất cả những tình thương tha thiết nhất của em, gửi ở đó bao nhiêu mong đợi và chờ trông, bao nhiêu âu yếm đến với anh trong những ngày dài gian lao trên chiến trường. Em và anh hãy tìm niềm an ủi trong niềm vui chung, khi hòa bình về với toàn dân.

Ngày dài chờ đợi, anh hãy vững tin em của anh sẽ chiến thắng tất cả những yếu đuối và cá nhân, chờ đến một ngày tươi đẹp của chúng ta hoà trọn vẹn trong tập thể, đất nước, dân tộc. Giá trị tình yêu của chúng ta là ở đó…”.

Niềm âu yếm vẫn đong đầy trong đôi mắt, ông 91, bà 82.

Ông lại quay sang chúng tôi: “Ngày nay không còn là ngày xưa, không thể kêu gọi người người dẹp bỏ lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích chân chính mới có thể lấy làm động lực. Lợi ích phi nghĩa xâm hại đến người khác, đến nhân dân, đất nước, dân tộc nhất thiết phải đấu tranh…”.

Hai vạn anh linh đồng đội của ông và hàng triệu anh linh khác nằm trong đất, trong nước đang dõi theo điều đó…

Thư tướng Phan Khắc Hy gửi vợ

Giấc mơ hòa bình từ Trường Sơn
Thiếu tướng Phan Khắc Hy lần giở những trang viết cũ dành cho người vợ yêu quý – Ảnh: TỰ TRUNG

“Em lại đây, anh sẽ nói với em về niềm hi vọng và sự cương quyết. Anh sẽ không nói chuyện hoa cẩm chướng và hoa hồng, hoa mồng gà hay hoa kim cương, các thứ hoa rực rõ trăm màu nghìn sắc. Trong cái đêm ấm áp này, chúng ta hãy quên mùi ngát của hoa dạ hương.

Anh không ca ngợi đôi mắt đẹp đẽ của em, cũng không nhắc đến mùa xuân đầm ấm đang về trên đường phố… Anh sẽ chỉ nói với em về niềm hi vọng và sự tin tưởng…

Bởi vì tất cả sự âu yếm và niềm vui riêng của chúng ta, tất cả sự thân ái và hoan lạc của thế giới, tất cả những gì đẹp đẽ và tốt lành, tất cả những gì đáng tôn kính của con người, tất cả hạnh phúc đều bị hăm doạ, đều bị tàn phá bởi sự tàn ác của chiến tranh.

Vì lẽ đó, anh không muốn trốn tránh trong sự chờ đón trìu mến của em, anh muốn em sẽ cùng anh chung sức chiến đấu với những người đang chiến đấu vì hòa bình. Cuộc đời phải là cuộc đời của hoa cẩm chướng và hoa hồng, hạnh phúc và tình yêu của những cặp vợ chồng, của niềm vui trẻ thơ.

Đêm nay anh chỉ nói với em về niềm hi vọng và sự tin tưởng mà thôi. Bởi vì chúng ta chính là niềm hi vọng và sự tin tưởng. Đôi chân chúng ta dính liền với đất. Chúng ta là nhân dân, khối nhân dân bất diệt và có sức mạnh vô địch.

Chúng ta không cho phép tăm tối chiến tranh làm u ám mùa xuân. Không cho phép cái lạnh lẽo tàn phá của chiến trường làm dập tắt tình thương nồng nhiệt của những bà mẹ và những người vợ trẻ. Không cho phép tình yêu và sự mến thương phải nhường chỗ cho tử biệt sinh ly.

Bàn tay mạnh mẽ của chúng ta, tấm lòng quả cảm của chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.

Chúng ta sẽ bước bình yên trên con đường tự do và hạnh phúc của nhân loại. Nắm bàn tay anh, chúng ta sẽ cùng nắm những bàn tay khác, của nhân dân Việt Nam, của nhân dân thế giới, cùng nói một tiếng, cũng là tiếng yêu thương: hoà bình, hoà bình cho tất cả mọi người…

Khi đó, anh sẽ lại nói với em chuyện hoa hồng, hoa cẩm chướng, nhìn ngắm đôi mắt, bàn tay và đôi môi em…”.

PHẠM VŨ