28/11/2024

Đề xuất tạm thời không phạt xe thế chấp giấy tờ

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp tạm thời không phạt xe thế chấp giấy tờ.

 

Đề xuất tạm thời không phạt xe thế chấp giấy tờ

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp tạm thời không phạt xe thế chấp giấy tờ.



Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh (TP.HCM) kiểm tra giấy tờ xe của các chủ phương tiện trên QL13ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ngày 13.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã gửi 2 văn bản sang Bộ Tư pháp và Bộ Công an đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc người thế chấp giấy tờ xe tại ngân hàng, khi tham gia giao thông vẫn bị xử phạt.
Theo NHNN, bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thoả thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.


Tác động lớn đến thị trường cho vay mua ô tô
Theo chuyên gia về tài chính ngân hàng – TS Cấn Văn Lực, khi ngân hàng cho người dân vay tiền để mua ô tô, thì tài sản thế chấp đó là chiếc ô tô, tài sản này phải đi kèm với giấy tờ về sở hữu tài sản, tức là giấy đăng ký xe. Nếu không có những giấy tờ này thì chẳng có ngân hàng nào dám cho vay. Theo ông Lực, nếu áp dụng theo quy định thì trong thời gian tới các ngân hàng sẽ phải hạn chế hoạt động cho vay mua xe, người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng trong việc tiêu dùng hay kinh doanh.
“Đối với CSGT, liên quan đến xử phạt hành chính thì chỉ cần bản sao là đủ, nhiều nước trên thế giới đã và đang chấp nhận theo cách này thì chúng ta cũng nên theo”, ông Lực nói.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của bộ luật Dân sự năm 2015.

Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện.
CSGT: Xử phạt là đúng
Trước đó, trả lời Thanh Niên về việc Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) hướng dẫn lực lượng CSGT địa phương xử lý chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính, trung tá Tạ Thị Hồng Minh – Phó trưởng phòng Phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết hướng dẫn của Cục CSGT căn cứ theo quy định pháp luật. Cụ thể, điều 58 luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang theo
4 loại giấy tờ: đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo trung tá Minh, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29.12.2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22.2.2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006 cũng quy định cụ thể đối với trường hợp tài sản thế chấp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.
“Ô tô là phương tiện giao thông thì phải theo quan hệ pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Do đó, CSGT xử phạt là đúng”, trung tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định.
Bản sao chứng thực có giá trị như bản chính
Nhìn từ góc độ công chứng, chứng thực, TS Trần Thất – nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng giấy đăng ký xe cũng giống hầu hết các giấy tờ cá nhân khác đều chỉ được cấp một bản chính. “Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 của Chính phủ đã quy định “Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (khoản 2, điều 3, Nghị định 23/2015). Quy định này cũng không loại trừ trường hợp giấy đăng ký ô tô, xe máy”, TS Trần Thất nói.
TS Trần Thất cũng cho rằng luật Giao thông đường bộ tuy có quy định người tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ nhưng không quy định bắt buộc phải là bản chính. Trong thực tiễn, nhiều giấy tờ khác còn quan trọng hơn giấy đăng ký xe mà cơ quan quản lý còn chấp nhận, bản sao có công chứng hoặc chứng thực như bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… “Vậy tại sao CSGT lại không chấp nhận bản sao công chứng giấy đăng ký xe?”, TS Trần Thất nêu vấn đề.
Đáng chú ý, TS Trần Thất cho rằng ngành công an đã được đầu tư lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký ô tô, xe máy nên hoàn toàn có thể áp dụng để tra cứu trong trường hợp nghi ngờ sử dụng giấy tờ xe không đúng mà vẫn đảm bảo chính xác trong quản lý nhà nước và thuận lợi cho người dân.
Chưa xử phạt
Liên quan việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính do đã thế chấp ngân hàng, chiều 13.7, trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt TP.Hà Nội (PC67, Công an TP.Hà Nội), cho biết đây là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian qua, đơn vị đang tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.  “Các đơn vị, tổ công tác trong lúc làm nhiệm vụ đã gặp nhiều trường hợp vi phạm và họ xuất trình giấy tờ liên quan là bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng. Tuy nhiên trong những trường hợp này, các tổ công tác chưa xử phạt lỗi không có giấy tờ gốc”, thượng tá Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.
PV Thanh Niên cũng trao đổi trường hợp này với nhiều đội CSGT tại TP.HCM. Theo đó, các đội này đều cho biết CSGT chỉ xử phạt lỗi “không mang theo giấy tờ xe” với trường hợp mang theo giấy tờ xe bản sao có công chứng mà hết hạn so với hợp đồng vay tại ngân hàng.
Chiều 13.7, Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cho hay từ cuối tháng 5 đến nay, lực lượng CSGT nhắc nhở người điều khiển ô tô phải xuất trình bản gốc giấy tờ xe thay cho bản sao, nhưng hầu hết đều bất ngờ bởi bản gốc đang thế chấp. Qua hơn 1 tháng kiểm tra, lực lượng CSGT Đà Nẵng chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở chủ xe về quy định này.
Hà An – Công Nguyên – Nguyễn Tú


 

Thái Sơn – Anh Vũ