29/11/2024

Tranh luận về tố cáo nặc danh

Có nên công nhận tố cáo nặc danh hay không vẫn là chủ đề gây tranh luận tại phiên họp Quốc hội chiều 16.6, khi các đại biểu thảo luận về dự luật Tố cáo (sửa đổi).

 

Tranh luận về tố cáo nặc danh

Có nên công nhận tố cáo nặc danh hay không vẫn là chủ đề gây tranh luận tại phiên họp Quốc hội chiều 16.6, khi các đại biểu thảo luận về dự luật Tố cáo (sửa đổi).



Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận)  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận)ẢNH: NGỌC THẮNG

“Dự luật lạc hậu cả ngàn năm”
Theo dự thảo luật, chỉ có 2 hình thức tố cáo được giải quyết là tố cáo trực tiếp và đơn thư bằng văn bản. Tất cả đều phải có tên tuổi, địa chỉ, thông tin cá nhân người tố cáo. Tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét giải quyết.
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), tình hình tố cáo đã rất phức tạp mà chỉ riêng với tố cáo chính danh vẫn chưa được giải quyết hết, dự luật sửa đổi chưa cần mở rộng hình thức, nên tập trung giải quyết dứt điểm đối với tố cáo có tên tuổi trước đã.
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) đề xuất không công nhận tố cáo qua email, điện thoại. “Có khả năng, người tố cáo qua email, điện thoại sẽ lợi dụng tên, địa chỉ email, điện thoại của người khác để bôi nhọ, tố cáo sai sự thật…”, ĐB Mão lập luận.
 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu chưa bắt buộc giải quyết với tố cáo nặc danh thì cũng nên có những quy định về quy trình xử lý với hình thức tố cáo này với trường hợp thông tin có cơ sở hoặc đính kèm vật chứng cụ thể. “Nhiều đơn thư nặc danh kèm với thông tin rất cụ thể và chứng cứ như băng ghi âm, ghi hình rất thuyết phục. Cho nên, tuy không giải quyết theo thủ tục của luật Tố cáo, nhưng nên coi đây là thông tin quan trọng, từ đó cần quy định về nguyên tắc xử lý như thông qua kiểm tra, thanh tra đột xuất”, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) bày tỏ.
ĐB này cũng cho rằng việc dự thảo luật không mở rộng tố cáo bằng email, fax, điện thoại là lạc hậu đến cả… hàng ngàn năm. “Giờ thế kỷ 21 rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp”, ông Thức dẫn chứng và lưu ý, luật Phòng chống tham nhũng đã đề cập đến các hình thức này, nên nếu dự luật Tố cáo không thừa nhận là thiếu đồng bộ.
Chủ tịch tỉnh còn kêu cứu thì dân thường làm sao?
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng ngay trong báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận tình hình tố cáo phức tạp, trong đó có cả việc người bị tố cáo dùng xã hội đen đe doạ người tố cáo, cho nên cần quy định hình thức đặc thù để tiếp nhận với tố cáo nặc danh. Không phủ nhận có tình trạng nặc danh để vu khống khi tố cáo, nhưng ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lo ngại, ngay đến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh còn bị đe doạ, khủng bố, cầu cứu lên Chính phủ thì người dân bình thường sẽ khó bảo vệ được mình trong trường hợp bị trả thù. Cho nên, nếu không công nhận tố cáo nặc danh là hạn chế quyền của người dân. “Nên tiếp nhận hình thức này, đi kèm với đó là cần có cơ chế kiểm soát, trình tự để chống vu khống, bôi nhọ người khác”, ông Hồng kiến nghị.
Giải trình thêm cuối phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đại diện cơ quan soạn thảo cho hay sẽ mở rộng các hình thức tố cáo. Cụ thể, nếu tố cáo bằng thư điện tử mà người viết thư có chữ ký điện tử thì sẽ được giải quyết. Các hình thức điện tử khác mà tên tuổi, địa chỉ người tố cáo chính xác thì cũng được xem xét. Trong khi đó, với tố cáo nặc danh, đại diện Thanh tra Chính phủ chia ra 2 trường hợp: Tố cáo nặc danh mà có nội dung bịa đặt, không đúng thì không xem xét. Còn nếu có nội dung rõ ràng, kèm theo bằng chứng thì được xem xét để phục vụ cho công tác thanh tra và quản lý, chứ không xử lý theo quy trình giải quyết tố cáo.
 

 

Chí Hiếu