28/11/2024

Tạm giam quá thời hạn là trái luật

Sau buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND TP.HCM, bị can Đỗ Thị Luận đã được tại ngoại. Đây là một trong những vụ bị can bị tạm giam quá thời hạn được phát hiện, xử lý kịp thời…

 

Tạm giam quá thời hạn là trái luật

 Sau buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND TP.HCM, bị can Đỗ Thị Luận đã được tại ngoại. Đây là một trong những vụ bị can bị tạm giam quá thời hạn được phát hiện, xử lý kịp thời…

 

 

 

Tạm giam quá thời hạn là trái luật

Bà Luận bị khởi tố, truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà bị tạm giam gần 6 năm với 4 lần mở phiên toà, 8 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thống nhất quan điểm bị can Luận có phạm tội lừa đảo hay không.

Đã có quy định, nhưng…

Câu hỏi đặt ra là tại sao bà Luận bị tạm giam đến 6 năm? Việc tạm giam như vậy có đúng quy định pháp luật không? Ai phải chịu trách nhiệm về việc tạm giam vượt quá quy định? Pháp luật có bất cập, cần bổ sung hoàn thiện hay không?

Điều đáng nói đến ở đây là mặc dù bà Luận bị tạm giam đến 72 tháng, quá thời hạn tạm giam, chưa có phán quyết cuối cùng nhưng cơ quan tố tụng vẫn không thay đổi biện pháp ngăn chặn, không cho tại ngoại. Nếu không có ý kiến của Ban pháp chế HĐND TP.HCM thì không biết bà Luận bị tạm giam đến bao giờ?

 

Theo luật gia Phạm Văn Chung, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (tại thời điểm bà Luận bị tạm giam) quy định thời hạn tạm giam bị can để điều tra, truy tố, xét xử đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự 1999 thì khung hình phạt cao nhất là chung thân (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

 

Vì vậy, căn cứ quy định tại các điều 102, 121, 166, 176, 177, 227, 228, 243, 250 và 287 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giam đối với trường hợp này được tính theo 4 giai đoạn.

Cụ thể ở giai đoạn điều tra, thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội đặc biệt nghiêm trọng tối đa là 16 tháng, trường hợp tạm giam để phục hồi điều tra tối đa không quá 6 tháng, trường hợp trả lại hồ sơ điều tra bổ sung tối đa thì thời hạn tạm giam tổng cộng là 6 tháng.

Như vậy trong giai đoạn điều tra, thời hạn tạm giam tối đa tổng cộng khoảng 28 tháng, tùy trường hợp toà án hay viện kiểm sát trả hồ sơ.

Giai đoạn truy tố, thời hạn tạm giam để truy tố đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày và gia hạn một lần không quá 30 ngày. Như vậy giai đoạn này thời hạn tạm giam tối đa không quá 2 tháng.

Giai đoạn xét xử sơ thẩm chia làm nhiều trường hợp tuỳ thuộc vào tình hình vụ án, nhưng thời hạn tạm giam tối đa không quá 3 tháng.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng chia làm nhiều trường hợp, tuy nhiên việc tạm giam không quá 4 tháng 15 ngày.

Như vậy, tổng cộng các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tạm giam bị can tối đa khoảng 38 tháng (37 tháng 15 ngày) trong một vụ án, đó là kể cả trường hợp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tạm giam để chuẩn bị thi hành án phạt tù.

Tuy nhiên trong trường hợp này bà Luận đã bị tạm giam đến gần 72 tháng, tức gần gấp đôi thời hạn tạm giam bị can theo quy định pháp luật.

Phải quy định cụ thể thời gian tạm giam

Trong vụ án này, tòa án cho rằng “hợp đồng mua bán giữa Đỗ Thị Luận có dấu hiệu là hợp đồng giả cách, bị xem là vô hiệu và hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là vụ việc dân sự chứ không phải vụ án hình sự”.

Mặt khác, những người được xác định là “bị hại” lại không nhận mình là bị hại bởi việc mua nhà đất là có thật, hiện nay họ đang sinh sống ổn định trên những lô đất đã mua của bà Luận.

“Quan điểm của toà án rất rõ ràng, cụ thể khi cho rằng nếu không đủ căn cứ thì tòa không thể buộc tội.

Trong trường hợp này, khi quá thời hạn tạm giam mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được vụ án thì phải thay đổi biện pháp ngăn chặn và phải cho bị can được tại ngoại, tuy nhiên các cơ quan tố tụng lại không làm. Bởi vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, trường hợp không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do cho bị can, bị cáo” – luật gia Chung nêu quan điểm.

Cũng theo luật gia Chung, qua sự việc này cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án này.

Việc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vụ án này nhằm phòng ngừa, hạn chế các trường hợp tương tự về sau. Điều này không những bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.

Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng luật cần sửa đổi về quy định thời hạn tạm giam. Theo đó, phải quy định cụ thể thời hạn tạm giam bị can tối đa trong một vụ án.

Ví dụ: quy định một bị can chỉ có thể bị tạm giam trong thời hạn tối đa không quá 36 tháng trong cả quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

“Việc quy định sẽ hạn chế tình trạng tuỳ tiện tạm giam bị can “vô thời hạn”, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, giúp bị can có thể dễ dàng khiếu nại bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời xác định được trách nhiệm của các cơ quan liên quan về hành vi vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng” – vị kiểm sát viên này nói.

Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Luận làm nghề kinh doanh bất động sản. Do làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ nên bà Luận đã phân lô nhà đất của người khác để bán lấy tiền, chiếm đoạt 19,4 tỉ đồng.

Ngày 24-10-2011, bà Luận bị bắt tạm giam và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự (mức án 12-20 năm hoặc tù chung thân).

Sau khi bà Luận bị khởi tố, cơ quan điều tra còn phát hiện bà Luận tự phân lô nhà, đất đã thế chấp rồi viết giấy tay bán cho người khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là những giao dịch dân sự nên không truy cứu đối với bà Luận.

QUỐC CƯỜNG