Người tố cáo có được bảo vệ suốt đời?
Các văn bản pháp luật quy định người tố cáo, tố giác được yêu cầu bảo vệ nhưng không quy định thời hạn, điều đó đồng nghĩa mỗi khi người tố cáo yêu cầu thì cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ.
Người tố cáo có được bảo vệ suốt đời?
Các văn bản pháp luật quy định người tố cáo, tố giác được yêu cầu bảo vệ nhưng không quy định thời hạn, điều đó đồng nghĩa mỗi khi người tố cáo yêu cầu thì cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – người ký vănnbản làm lộ tên người tố cáo – Ảnh: Ngọc Tài |
Vừa qua, sau khi làm lộ danh tính người tố cáo, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức xin lỗi và hứa sẽ cử công an bảo vệ người tố cáo.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải bảo vệ người tố cáo trong bao lâu? Ai phải trả các chi phí về bảo vệ người tố cáo? Trong trường hợp người tố cáo bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe thì chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và những người liên quan có chịu trách nhiệm liên đới hay không?…
Luật tố cáo chỉ mới dừng lại ở quy định cấm tiết lộ danh tính, bảo mật thông tin người tố cáo nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các biện pháp bảo vệ danh tính người tố cáo khi họ bị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền làm lộ danh tính.
Lãnh đạo công an tỉnh này cho rằng người tố cáo không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định của pháp lệnh cảnh vệ nên không thể được bảo vệ suốt đời.
Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp bảo vệ người tố cáo hoàn toàn có thể thực hiện được nếu áp dụng quy định pháp luật trong một số văn bản pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại các điều 56, 66, 67 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, người chứng kiến có quyền:
“Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe doạ”.
Tương tự, khoản 3 điều 12 Luật tổ chức điều tra hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm… phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm”.
Khoản 2 điều 13 Luật công an nhân dân năm 2014 cũng quy định: “Nhà nước bảo vệ, giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, công tác, giúp đỡ công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Đặc biệt, tại khoản 2 điều 65 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2013 quy định:
“Người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng… phải áp dụng đồng thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu…”.
Từ các quy định trên, có thể khẳng định rằng việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, nếu bị lộ danh tính có thể thực hiện được.
Thậm chí trong trường hợp này, ông Đ. và gia đình có thể được bảo vệ suốt đời nếu xác định vì hành vi tố cáo của ông mà tính mạng, sức khoẻ của ông và người thân thích bị đe doạ.
Bởi vì trong các văn bản pháp luật này quy định quyền của người tố cáo, tố giác được yêu cầu bảo vệ nhưng không quy định thời hạn bảo vệ.
Nghĩa là khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ, không hạn chế thời gian.
Khi sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo sắp tới, cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung quy định rõ trong luật này về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nhân chứng, người tố giác tội phạm để tránh nguy cơ bị đe doạ, trả thù và khuyến khích người dân tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc làm lộ danh tính người tố cáo để có cơ sở xử lý đối với các hành vi vi phạm. |