29/11/2024

Nhiều ý kiến khác nhau về luật Cảnh vệ

Chiều 6.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Cảnh vệ.

 

Nhiều ý kiến khác nhau về luật Cảnh vệ

Chiều 6.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Cảnh vệ.



Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến về dự án luật Cảnh vệ
 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến về dự án luật Cảnh vệẢNH: NGỌC THẮNG

Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch QH, nguyên Thủ tướng; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch QH, Phó thủ tướng.
Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Trịnh Ngọc Thuý (TP.HCM) đề nghị đưa Chánh án TAND tối cao vào đối tượng cảnh vệ và cho rằng việc này là hợp lý, vì toà án là cơ quan bảo vệ công dân, chánh án là người đứng đầu cơ quan này nên có một vị trí rất quan trọng. Hơn nữa, tại kỳ họp đầu tiên của QH khóa 14, Chánh án TAND tối cao cũng là một trong 4 người tuyên thệ trước QH và nhân dân cả nước.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), dù không là công chức ngành tòa án, nhưng từ các quy định của Đảng, các quy định của Hiến pháp, luật Tổ chức QH, luật Tổ chức TAND, ông đề nghị quy định chức danh Chánh án TAND tối cao là đối tượng cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu đặt ra. “Có một số cán bộ ngành tòa án gọi điện cho tôi nói rất băn khoăn vì Chánh án TAND tối cao là lãnh đạo cao nhất của cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng lại không được quy định trong đối tượng cảnh vệ”, ĐB Nhưỡng nêu ý kiến.
Khi giải trình rõ thêm quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho hay, riêng về đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo, khuynh hướng chung là giữ nguyên. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ vì không chỉ mỗi chánh án mà Tổng kiểm toán Nhà nước cũng gặp nhiều lợi ích nhóm khi chống tham nhũng, tiêu cực. “Thậm chí, sau khi có sự việc xảy ra ở một địa phương, nhiều tỉnh cũng đề nghị bí thư, chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”, ông Việt nói và cho biết qua tổng kết, các đối tượng cảnh vệ quy định như trong dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn nên xin được giữ nguyên như dự thảo.
* Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của QH Phan Xuân Dũng cho biết, Hội đồng thẩm tra dự án luật Thuỷ sản (sửa đổi) hiện chưa có quan điểm thống nhất về quy định thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương, theo đề nghị của Chính phủ.
Theo Chính phủ, kiểm ngư T.Ư đang thực hiện quản lý tại vùng biển khơi. Do đó, kiểm ngư tỉnh nếu có không chồng chéo về phạm vi hoạt động với kiểm ngư T.Ư. Chính phủ cho hay, việc thành lập lực lượng này dựa trên cơ sở bộ máy và phương tiện của thanh tra chuyên ngành nên về cơ bản không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện. Tuy nhiên, dự kiến sẽ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho lực lượng này khoảng 9 tỉ đồng/năm.

 

Anh Vũ – Trường Sơn