Khởi tố vụ án 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242 bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Khởi tố vụ án 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242 bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Ngày 30.5, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Theo quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 30.5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242 bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Trưa hôm qua, Công an tỉnh Hoà Bình đã có cuộc họp khẩn với đoàn công tác của Bộ Công an. Trung tướng Trần Văn Vệ – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cũng có mặt tại Hòa Bình để chỉ đạo việc phối hợp điều tra.
Trước đó, sáng 30.5, UBND tỉnh Hoà Bình có cuộc họp với cơ quan chức năng ở T.Ư và tỉnh Hoà Bình nhằm thông tin, đánh giá về sự việc. Theo cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình, tính đến 23 giờ 30 ngày 29.5 có thêm 1 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 7 người. 11 người còn lại có 10 người đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, TP.Hà Nội và 1 người tại Khoa Hồi sức tích cực của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, đánh giá đây là một sự cố y khoa nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng tỉnh này đang khẩn trương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an làm rõ nguyên nhân. Theo ông Quang, ngay trong đêm 29.5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Hoà Bình để chỉ đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh Hoà Bình tập trung nhân lực, vật lực để cứu chữa những bệnh nhân còn lại, đồng thời ổn định tình hình ở địa phương.
Theo đại tá Phạm Văn Sử, Phó giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình, đến trưa hôm qua, lực lượng công an đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm 7 trường hợp bệnh nhân tử vong, đồng thời báo cáo vụ việc lên Bộ Công an. Các trường hợp tử vong đã hoàn tất thủ tục bàn giao cho gia đình để đưa về nhà mai táng.
Báo cáo tại cuộc họp, TS Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết vụ tai biến y khoa là đặc biệt hy hữu, khiến các y, bác sĩ bất ngờ: “BV đã thực hiện lọc máu chạy thận cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân nhưng chưa khi nào gặp tình huống này. Trong vụ việc 18 bệnh nhân cùng thực hiện việc chạy thận vào ngày 29.5 thì chỉ sau 45 phút chạy thận đã xuất hiện sự cố. Chúng tôi đã huy động toàn bộ người để cấp cứu người bệnh, đồng thời xin ý kiến các chuyên gia”, ông Dương nói.
Dù đến thời điểm này chưa xác định được nguyên nhân gây ra tử vong, song ông Dương đã thay mặt các y, bác sĩ của BV nhận trách nhiệm: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm sự cố y khoa này và chia buồn sâu sắc, xin gửi lời xin lỗi tới gia đình các bệnh nhân đã tử vong”.
Sự cố y khoa nghiêm trọng
Sáng 30.5, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đến BV Bạch Mai thăm và động viên, chia sẻ với người bệnh được chuyển về từ BV đa khoa Hoà Bình.
Thăm và tặng quà bệnh nhân Phạm Ngọc Chung (56 tuổi) đang nằm tại khoa hồi sức tích cực, Bộ trưởng Y tế động viên bệnh nhân Chung yên tâm điều trị. Ngoài ra, các bệnh nhân khác đang điều trị tại trung tâm chống độc của bệnh viện.
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, mỗi năm có hàng triệu ca lọc máu ở các tuyến và làm theo quy trình chặt chẽ, hầu như không có sự việc gì xảy ra. Với sự cố trên, các chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai tham gia vào hội đồng chuyên môn, cần có ý kiến đánh giá độc lập để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố.
“Hiện tại, ngành y tế cần dốc toàn lực cấp cứu 10 bệnh nhân tại BV Bạch Mai; tiếp tục hỗ trợ y tế cho Hòa Bình cứu chữa 1 bệnh nhân nặng do tai biến; hỗ trợ chuyên môn để hơn 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ không bị gián đoạn tại thời điểm Khoa Thận nhân tạo, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tạm ngưng hoạt động”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, viện phí của các bệnh nhân được BHYT thanh toán, BV Bạch Mai lo ăn ở miễn phí và sẽ hỗ trợ toàn bộ các chi phí ngoài Quỹ BHYT thanh toán. Khoa Thận nhân tạo của BV Bạch Mai sẽ cử cán bộ lên hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhanh chóng ổn định khoa thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, để hơn 100 bệnh nhân chạy thận chu kỳ sẽ không phải vất vả2 ngày/lần đi hàng chục ki lô mét xuống Hà Nội chạy thận.
Nguy cơ nào xảy ra khi chạy thận nhân tạo ?
Tại cuộc họp với lãnh đạo và các bác sĩ của BV Bạch Mai sáng 30.5, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Theo báo cáo của các BV có khoa thận nhân tạo và đơn vị chạy thận nhân tạo trên cả nước, các ca chạy đều an toàn. Thậm chí tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) còn chạy thận tại trạm y tế xã vẫn đảm bảo yêu cầu”.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết có khoảng 20 tai biến có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Các tai biến khá nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý chính xác, kịp thời rất có thể tử vong. Tai biến thường ghi nhận trong quá trình lọc máu là tụt huyết áp. Nếu không phát hiện xử lý kịp thời trong tầm vài phút, bệnh nhân sẽ tử vong. Hoặc trong quá trình lọc máu, nếu do sai sót khâu kỹ thuật, chỉ 10 ml khí vào máu bệnh nhân là có thể gây biến chứng tắc mạch khó cứu. Chuyên ngành thận nhân tạo 45 năm từ khi thành lập khoa thận đến nay chưa từng xảy ra tai biến nghiêm trọng như sự việc tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. Y văn thế giới đã có ghi nhận nhưng xảy ra từ lâu. Đây là tai biến y rất hiếm xảy ra.
Đánh giá về nguyên nhân gây ra sự việc, GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết phải chờ thời gian, nhưng xảy ra cùng lúc với 18 bệnh nhân thì liên quan đến cả hệ thống. Sẽ phải kiểm tra xét nghiệm việc tuân thủ về quy trình chuyên môn, chất lượng nước, vệ sinh quả lọc, chất lượng dịch truyền…
Nhiều nghi vấn về chất lượng nguồn nước
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, nhiều chuyên gia y tế nhận định sự cố y khoa tại BV đa khoa Hoà Bình có thể bắt nguồn từ chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo. Trong các ngày trước khi xảy ra tai biến, các bệnh nhân chạy thận bình thường. Ngày nghỉ cuối tuần, Khoa Thận nhân tạo BV đa khoa tỉnh Hoà Bình có tiến hành vệ sinh nguồn nước. Đến sáng thứ hai thực hiện chạy thận thì xảy ra sự cố. Mặt khác, cơ chế sốc phản vệ chỉ có thể xảy ra theo từng cá thể, không phải xảy ra đồng loạt. Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Công an tỉnh Hoà Bình cho biết việc xem xét chất lượng nguồn nước cũng là một hướng điều tra, hiện cơ quan công an đã lấy mẫu trưng cầu Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Vị này cũng khẳng định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình với sự trợ giúp của Bộ Công an sẽ điều tra toàn diện các yếu tố có thể xảy ra sự cố; ngoài nguồn nước, sẽ xem xét việc tuân thủ quy trình chạy thận, nguồn gốc chất lượng hoá chất, tình trạng thiết bị…
|
Cả nước hiện có khoảng 20.000 bệnh nhân suy thận mạn tính đang chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ), lọc ngoài màng bụng, ghép thận, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại các khoa, đơn vị thận nhân tạo. Hằng năm có hàng triệu lượt lọc máu chu kỳ trên cả nước.
Hiện 63 tỉnh thành cả nước đã có đơn vị thận nhân tạo, riêng tại Hà Nội có 25 cơ sở có thực hiện chạy thận nhân tạo (cả công lập và tư nhân).
Liên Châu
|
Thái Sơn – Liên Châu