Vợ làm mắt, chồng làm tay, cùng bước qua cơn dông
Số phận khiến ông Tăng Văn Miền ở Long Mỹ, Hậu Giang, rơi vào cảnh mù loà, nhà chỉ vỏn vẹn 2 công đất. Nhưng tình yêu thương vợ con đã cho ông nghị lực bỏ lại những ngày buồn bã sau lưng.
Vợ làm mắt, chồng làm tay, cùng bước qua cơn dông
Số phận khiến ông Tăng Văn Miền ở Long Mỹ, Hậu Giang, rơi vào cảnh mù loà, nhà chỉ vỏn vẹn 2 công đất. Nhưng tình yêu thương vợ con đã cho ông nghị lực bỏ lại những ngày buồn bã sau lưng.
Hai vợ chồng ông Miền luôn song hành bên nhau – Ảnh: Minh Tâm |
Hơn 6h sáng, hai vợ chồng ông Miền và bà Nguyễn Thị Phượng lui cui xúc phân vô thau để đi bón ruộng. Mỗi người bưng một thau xuống sông.
Bà đi trước, ông theo sau, có lẽ do quen đường nên tuy đôi mắt bị mù nhưng ông không vấp. Khi xuống đến mé sông, vợ bước xuống trước, ngồi yên vị phía trước mũi xong bà quay xuồng sát bờ để chồng dễ dàng bước lên ngồi phía sau lái.
Rồi vợ trước, chồng sau nhẹ tay dầm, hoà nhịp khua trên sông nước khoảng 1km thì đến ruộng…
Cơn dông giữa đời
Hết việc ở ruộng, họ chèo xuồng quay về, vợ trước mũi, còn chồng ngồi phía sau lái… Trên đường, hai vợ chồng bàn nhau về mực nước, màu sắc lá lúa, nghe vợ nói ruộng nhà lá xanh tươi tốt, ông hân hoan tủm tỉm cười.
Nhìn ông lạc quan, vui tươi, không ai ngờ rằng ông từng trải qua biến cố tăm tối của cuộc đời đến nỗi muốn tự tử.
Năm 1984, ông tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Năm 1986, trong lúc cắt lá về lợp trại, do bất cẩn nên ông bị vật liệu đâm trúng mắt phải gây đau nhức. Ông được đưa đi chữa trị và mắt hết đau nhức, trở lại bình thường.
Năm 1987, ông xuất ngũ về quê và gặp bà Phượng. Nết chăm chỉ, dịu hiền của bà khiến ông xao động. Phần bà rất phục ông ở tính lạc quan, nghị lực, giỏi giang chuyện đồng áng để rồi tình yêu lớn dần theo con nước đã khiến họ nên vợ thành chồng.
Ngày ra riêng, vợ chồng ông được cha mẹ chia 2 công ruộng làm kế sinh nhai. Ông lo chuyện cày cuốc, làm thuê, còn bà lo bếp núc, dạy dỗ con cái. Cuộc sống tuy cực nhọc nhưng yên ả.
Nhưng một ngày định mệnh năm 2004, trong lúc đang làm đồng, đột nhiên mắt phải ông đau nhức dữ dội. Dù bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng do bệnh tình quá nặng khiến mắt phải bị hoại tử đành phải múc bỏ.
Một năm sau, tới mắt trái triệu chứng y như mắt phải. Gia đình hoảng hốt đưa ông đến bệnh viện chữa trị. Bảy tháng ròng chồng nằm viện, bà Phượng túc trực bên chồng, chăm sóc ông từng li từng tí.
Bao nhiêu tiền bạc hai vợ chồng chắt chiu đều đổ vào chữa trị cho ông. Không đủ, bà phải vay mượn người thân, cầm cố ruộng đất nhưng cơn bệnh quái ác khiến con mắt còn lại của ông bị mù vĩnh viễn.
Ông Miền nhớ lại: “Đó là quãng thời gian khổ sở nhất của tôi. Từ một người trụ cột gia đình, nay phải sống cảnh mù loà, tăm tối, đi đứng phải có người dìu, ăn cơm cũng phải nhờ vợ con gắp thức ăn.
Nhiều lúc tủi thân, nước mắt tôi cứ chảy ròng. Rồi nghĩ cảnh ruộng đất bị cầm cố, khoản nợ vay mượn từ việc chữa bệnh cho tôi, tôi càng thấy bế tắc và không thiết sống”.
Lúc này, bà cũng suy sụp tinh thần, nhưng nghĩ nếu mình buông xuôi, cảnh nhà càng rơi xuống thảm kịch. Vậy là, một mặt bà vắt sức ra, sáng đi làm thuê, tối cùng con gái 12 tuổi giăng lưới.
Mặt khác, bà động viên chồng, bởi sợ ông nghĩ quẩn rồi làm chuyện dại. Những khi vắng nhà, bà dặn các con phải trông chừng, chăm sóc cha cẩn thận.
Có lần nhà chỉ có 2 cha con, ông nói với con gái lớn 14 tuổi rằng “cha muốn đi chơi xa, đừng đi tìm cha”. Đứa con khóc ròng: “Cha đừng bỏ tụi con đi đâu hết, tụi con cần cha dạy dỗ. Lớn lên tụi con làm nuôi cha, cha đừng đi đâu hết…”
Giọt nước mắt con thơ, rồi cảnh vợ thân cò vật lộn mưu sinh, ông cảm thấy mình vô trách nhiệm khi toan bỏ lại mọi thứ, trút gánh nặng cho vợ.
Bấy giờ, một hàng xóm tốt bụng cho ông mượn vàng để chuộc lại ruộng đã cầm cố. Tình gia đình, nghĩa chòm xóm là liều thuốc để ông đứng dậy. Ông mò mẫm, tập luyện để có thể tự đi đứng một mình.
Cánh đồng của nghị lực
Ông nói với vợ sẽ cùng vợ đi thả lưới. Lúc đầu bà và con không chịu, bởi đi xuống nước sẽ khó khăn, nguy hiểm cho ông, chứ chưa nói đến chuyện giăng lưới. Nhưng ông thuyết phục rằng, tuy không thấy đường nhưng ông có sức, còn bà và con tuy thạo việc nhưng sức đàn bà, con trẻ, lại ngâm mình dưới nước không tốt cho sức khoẻ về sau.
Ông dí dỏm: “Thôi thì hai vợ chồng cùng làm. Bà là mắt cho tôi. Tôi là tay cho bà”.
Thấy ông cương quyết, hai mẹ con đành phải nghe lời. Rồi ông nghĩ cách, vợ một đầu lưới ngồi trên xuồng, còn chồng một đầu lưới lội dưới nước. Và để vợ là “mắt” định hướng đi cho mình, ông đặt radio cassette trên xuồng vợ, chỉ cần bắt radio cassette lên là ông có thể đi song song theo xuồng của vợ để thả những mẻ lưới.
Những ngày đầu rất khó khăn, hết vướng nhánh cây này đến mé đất khác, té lên té xuống, nhưng ông nghĩ nếu mình buông xuôi thì vĩnh viễn sẽ trở thành tàn phế.
Khi quen với tay lưới, hai vợ chồng chuyển sang đặt dớn. Mùa nước nổi, bóng họ lung linh in trên ruộng; mùa nước cạn, họ đặt dớn trên kênh.
Thấy chồng quá vất vả, bà khuyên chồng mướn người làm tiếp, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo mỗi thứ mỗi mướn trừ đi không còn lời bao nhiêu.
Vậy rồi năm nào cũng như năm nấy, ruộng nhà ông đạt năng suất cao, mấy mùa vụ lúa sau ông trả dứt các khoản nợ. Sự lạc quan, vui vẻ dần trở lại trên môi ông.
Cuộc sống dần ổn định khi các con ông dần khôn lớn rồi đi làm xa, có nghề nghiệp ổn định. Ở quê nhà, chỉ còn hai vợ chồng ông.
Nhắc đến những ngày tăm tối đã qua, người đàn ông 51 tuổi này xúc động: “Nếu không có những lời động viên, chia sẻ của vợ con, có lẽ tôi không còn trên cõi đời này. Cảm ơn cuộc đời đã ban cho tôi người vợ hiền hiếu hạnh”.
Biết bà vất vả mần 2 công ruộng nhưng do sức phụ nữ rải phân, xịt thuốc không đều… khiến năng suất lúa thấp nên ông bàn với vợ cách “hợp tác” trồng lúa cho hiệu quả. Ông làm hết các công đoạn từ đào mương, gieo mạ, rải thuốc, bón phân… Còn bà làm “đôi mắt” chỉ dẫn chồng khoảng cách, vị trí… bằng cách như khi rải phân, ông buộc một đầu dây ngang eo, phần bà giữ đầu còn lại để khi chồng di chuyển về phía trước, nếu sai lệch vị trí bà sẽ báo cho chồng biết để điều chỉnh hướng đi. |