10/01/2025

Giáo dục con theo phương pháp nào?

Có lẽ chưa bao giờ các bậc cha mẹ lại phải nuôi con, dạy con khó khăn và gặp nhiều nỗi hoang mang như hiện nay. Có quá nhiều phương pháp giáo dục, nhưng nhiều người luôn băn khoăn nên cho con theo phương pháp nào?

 

Giáo dục con theo phương pháp nào?

Có lẽ chưa bao giờ các bậc cha mẹ lại phải nuôi con, dạy con khó khăn và gặp nhiều nỗi hoang mang như hiện nay. Có quá nhiều phương pháp giáo dục, nhưng nhiều người luôn băn khoăn nên cho con theo phương pháp nào?

 

 

 

Giáo dục con theo phương pháp nào?
Minh hoạ: NOP

Hiện nay, nhiều phương pháp dạy trẻ của người Do Thái, người Nhật tràn lan trên mạng. Rồi vô số diễn đàn làm mẹ mọc ra như nấm sau mưa, phổ biến nhiều kiểu dạy con khiến các bậc phụ huynh như đang bị “bủa vây” bởi hằng hà sa số kinh nghiệm dạy dỗ của những bậc phụ huynh trên khắp thế giới. Và chúng ta đặt câu hỏi cho chính mình: Biết theo phương pháp nào đây?

Những người mẹ hoang mang

Người mẹ như tôi cũng không nằm ngoài số đó. Có lúc tôi rất hoang mang vì phương pháp nào cũng hay, cũng đúng. Nhưng nói cho cùng thì đứng trước một “rừng lý thuyết” như vậy, tôi cũng non nớt như một đứa trẻ vậy. Tôi cứ băn khoăn nên “o bế” con vì xã hội hiện nay quá phức tạp, thả con ra là hư ngay; hay tôi sẽ để con được tự đi trên đôi chân mình với sự lo lắng không bao giờ ngớt trong lòng?

Tôi có nên áp dụng các hình phạt mỗi khi con mắc lỗi, làm sai? Sẽ để con lớn lên, trưởng thành từng ngày một cách tự nhiên, đúng tuổi thơ hay sẽ giám sát từng bước đi, từng quãng đường phát triển của con? Tôi sẽ cố gắng dạy con những kiến thức để con có thể trở thành một người giỏi giang trong tương lai, hay sẽ để con tự lĩnh hội những kỹ năng trong cuộc sống, những va vấp để trưởng thành hơn?

Trước sức ép của xã hội, có lẽ không có nhiều bậc cha mẹ mạnh dạn, tự tin thả con ra. Thử nghiệm nhiều phương pháp dạy con, nhưng không phải ai cũng may mắn tìm ra được con đường thực sự phù hợp với con mình. Để rồi đứa trẻ vô tình trở thành nạn nhân của những cuộc thử nghiệm từ người lớn mang tên phương pháp giáo dục.

Mong muốn con giỏi giang, sẽ vào được những trường danh tiếng, kỳ vọng con sẽ trở thành một người thành đạt là nhu cầu hiển nhiên của bất kỳ bậc phụ huynh nào. Tuy nhiên, có khi nào chúng ta đang ép con trở thành người khác để phục vụ cho mong muốn, kỳ vọng của chính mình?

Trong khi một đứa trẻ cần được phát triển tự nhiên, đúng tuổi, được hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng thì nhiều trẻ lại đang phải chạy theo chương trình học quá nặng nề. Nhiều bà mẹ vẫn hồn nhiên khoe con, khoe thành tích cũng như lịch học dày đặc của con mà không biết rằng mình đang từng ngày, từng ngày một đánh cắp tuổi thơ trong sáng của con.

Và chúng ta được gì? Thành tích? Đứa con chơi được đàn piano, vẽ được tranh tức là giỏi giang hơn trẻ khác? Hay đứa con của chúng ta mang những cặp kính dày cộp, mệt mỏi lê những thân hình béo phì vì ăn vội, ngủ thiếu, làm bạn với đồ ăn nhanh… vật vờ trên đường cho kịp giờ học thêm chiều?

Có bao giờ phụ huynh chúng ta suy nghĩ nghiêm túc mỗi khi chạy theo một phương pháp giáo dục trẻ nào đó? Hay trong cuộc đua đó, các bậc cha mẹ là những vận động viên chính?

Vì sao con luôn buồn bã, chán nản?

Trẻ em được nhồi nhét kiến thức đến mức quá tải thì đã rõ, được “tôi luyện” qua nhiều lớp học kỹ năng sống. Nhưng thực tế chúng vẫn thiếu tự tin, thậm chí nhiều cháu cảm thấy chán ghét cuộc sống của mình vì có quá nhiều áp lực. Phần lớn chúng ta đều cho rằng cho con đi học nhiều như vậy là muốn con có một tương lai tốt nhất. Nhưng đã đúng chưa? Có phải chúng ta đang bị mộng mị rồi không?

Có khi nào chúng ta tự đặt câu hỏi vì sao con thường xuyên buồn bã, chán nản? Các con phải học ở trường, học thêm ở ngoài, học cả những thứ mà ngay bản thân con không thích và chẳng bao giờ được làm theo ý mình, chẳng bao giờ có khoảng thời gian tự do…

Không phủ nhận trẻ con bây giờ có điều kiện sống đầy đủ về vật chất. Nhưng các con đang thiếu thốn rất nhiều thứ, mà hành trang cha mẹ đang gây dựng lại không phải điều chúng cần. Nhiều người cho rằng muốn cho con học giỏi ngay từ cấp tiểu học để sau này vào trường chuyên, lớp chọn hay đi du học. Nhiều người mẹ hãnh diện khi con vào được trường “đỉnh”. Nhưng thực tế sứ mệnh của giáo dục không phải để tạo ra những bác sĩ, những kỹ sư.

Tôi cho rằng giáo dục chính là giúp con người nhận ra mình là ai, biết yêu thương, biết trân trọng cuộc sống, trân trọng người khác và trân trọng chính bản thân mình. Và vì thế trẻ không cần phải học quá nhiều như thế.

Tại sao người lớn có thể hồn nhiên nghỉ ngơi vào cuối tuần, vào các dịp lễ tết, nhưng luôn đắn đo có nên cho con đi du lịch cùng hay để con ở lại học ôn vì kỳ thi sắp đến? Điểm 9, điểm 10 có bù đắp được nỗi mất mát trong tâm hồn con vì không có thời gian nghỉ ngơi, không có cơ hội được cảm nhận cuộc sống?

Trẻ có cần đi học kỹ năng sống vào ngày hè?

Mấy hôm nay, chị em cơ quan tôi lại xôn xao bàn tán tìm các khóa học kỹ năng cấp tốc cho con trong hè. Phần lớn mọi người đều cho rằng cả năm học kiến thức rồi, nghỉ hè là phải học kỹ năng sống. Nhưng học mải miết như vậy thì trẻ sẽ chơi vào lúc nào, sẽ nghỉ ngơi vào lúc nào?

Có khi nào chúng ta nhìn thấy sự cô đơn ở trẻ dù chúng mang về nhà không ít danh hiệu?

Đồng ý rằng kiến thức rất quan trọng, kỹ năng cũng quan trọng. Nhưng trong những ngày hè ít ỏi này, có cần thiết trẻ phải đi học hay không? Những kỹ năng sống mà trẻ học vội vàng trong một, hai tháng hè liệu có thể giúp chúng trưởng thành, giúp chúng tự tin như phụ huynh vẫn tưởng? Hay trẻ sẽ tù túng, bất lực trước đòi hỏi của cha mẹ?

Chúng ta có nên đổ đống tiền cho con đi học thêm, học kỹ năng sống khi mà ngay bản thân các con không thích thú, không chờ đợi, không mong muốn?

Tôi rất mong nhận được những lời khuyên của độc giả về chuyện này.

“Có khi nào chúng ta tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Mình có can thiệp quá nhiều vào quá trình phát triển tự nhiên của con?” và “Con cần gì để trưởng thành và phát triển?”

 
NGUYỄN PHI KHANH