Không xử lý tin báo tội phạm là phạm luật
Xử lý tin báo tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên thực tế nhiều nơi đã không làm hết trách nhiệm, dẫn đến vụ việc không được xử lý…
Không xử lý tin báo tội phạm là phạm luật
Xử lý tin báo tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên thực tế nhiều nơi đã không làm hết trách nhiệm, dẫn đến vụ việc không được xử lý…
Mới đây, trưởng Công an TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cùng nhiều cán bộ dưới quyền bị kiểm điểm, kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong xử lý tin tố giác tội phạm là câu chuyện điển hình về vấn đề này.
Quy trình xử lý tin báo tội phạm
Theo luật gia Phạm Văn Chung, điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận.
Nếu việc tố giác là gián tiếp (gửi qua bưu điện, điện thoại…) thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ tố giác cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc viện kiểm sát có thể gia hạn một lần (cũng không quá 2 tháng).
Quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác, các tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng được quy định tại thông tư 06/2013 và quyết định 1319/2015.
Theo đó, cơ quan điều tra và viện kiểm sát các cấp phải tổ chức tiếp nhận mọi tố giác về tội phạm, phân loại và chuyển ngay cho đơn vị có thẩm quyền.
Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan điều tra phải phân loại, xác minh sơ bộ. Nếu thuộc thẩm quyền cơ quan mình, thủ trưởng cơ quan phải ra quyết định giải quyết tố giác và gửi ngay một bản đến viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc giải quyết tố giác.
Đối với tố giác đã rõ về dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra không ra quyết định phân công giải quyết mà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự.
Nhiều hệ luỵ
Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm nhưng nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn chưa làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đã gây bức xúc, bất bình cho người dân.
Điều này khá nguy hiểm, gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo luật gia Phạm Văn Chung, trong vụ việc ở Bạc Liêu, cơ quan công an đã không thu thập được đầy đủ chứng cứ, không thẩm định tài sản bị thiệt hại dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân không được bảo vệ.
Đặc biệt, chính vì không thể thu thập được đầy đủ chứng cứ, xác định được mức độ thiệt hại nên cơ quan công an đã không thể khởi tố vụ án, đồng nghĩa đã bỏ lọt tội phạm.
Luật gia Chung cho rằng bên cạnh xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm thì cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ đằng sau hành vi vi phạm nguyên tắc về trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì những người liên quan có còn vì mục đích nào khác hay không.
“Điều này vừa có cơ sở để xử lý nghiêm các cá nhân liên quan về hành vi “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” (điều 294 Bộ luật hình sự), đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong phòng chống tội phạm. Có như thế mọi tố giác, tin báo tội phạm mới được tiếp nhận, giải quyết kịp thời” – luật gia Chung nói.
Nhiều công an TP Bạc Liêu bị kỷ luật Công an tỉnh Bạc Liêu vừa thông báo kết quả giải quyết tố cáo đến ông Dương Thanh Hoàng (ngụ Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi). Theo thông báo này, Công an tỉnh Bạc Liêu xác định đơn tố cáo của ông Hoàng là có cơ sở và giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã có hình thức kiểm điểm, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ Công an TP Bạc Liêu. Cụ thể: khiển trách ông Trần Văn Phương (phó trưởng Công an P.7) do không thực hiện đúng quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm đối với vụ “hủy hoại tài sản” xảy ra tại khóm 1, P.7. Các ông: Phạm Quang Chung (trưởng Công an TP Bạc Liêu), Võ Minh Trí (phó trưởng Công an TP Bạc Liêu), Võ Vũ Phùng (trưởng Công an P.7) bị kiểm điểm do thiếu trách nhiệm kiểm tra trong việc giải quyết tố giác tội phạm. Ông Trương Minh Đương (điều tra viên), Trần Chí Hùng (cảnh sát khu vực Công an P.7) bị kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết tố giác về tội phạm nêu trên. Trước đó, gia đình ông Hoàng có đơn tố giác một số đối tượng đã chặt dừa, chuối, ổi của gia đình ông. Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì xác định hành vi các đối tượng mà ông tố giác không cấu thành tội “huỷ hoại tài sản”. Tiếp đó, ông Hoàng có đơn tố cáo đối với một số cán bộ công an vì cho rằng có nhiều sai phạm trong quá trình xử lý vụ việc mà gia đình ông tố giác. |
Bộ luật hình sự không quy định về tội vi phạm về tiếp nhận, xử lý, tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, mà chỉ có tội “che giấu tội phạm”. Tuy nhiên rất ít khi bị xử lý về tội này vì rất khó xác định hành vi phạm tội, mà chỉ vi phạm điều lệ công tác nên xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức hoặc quy định của ngành đó. |