10/01/2025

Bụt chùa nhà không thiêng

Có không ít cha mẹ ban ngày là giảng viên đứng lớp dạy sinh viên, nhưng tối về nhà lại thấy bất lực với con mình.

 

Bụt chùa nhà không thiêng

Có không ít cha mẹ ban ngày là giảng viên đứng lớp dạy sinh viên, nhưng tối về nhà lại thấy bất lực với con mình.

 

 

 

 

Bụt chùa nhà không thiêng

Vấn đề không phải tại cha mẹ không hiểu hay không dạy được, chỉ là vì “bụt chùa nhà không thiêng”, đa số con trẻ thường nghe và làm theo lời thầy cô mà thôi.

Cảm thấy bất lực

Vợ chồng bạn tôi đều là giảng viên ở một trường đại học tại Hà Nội nhưng suốt ngày than phiền và thấy bất lực trong việc dạy hai con, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi.

Dù bạn tôi dành rất nhiều thời gian chăm sóc con, cũng như thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin để dạy con sao cho hiệu quả, vậy mà hai đứa trẻ vẫn thường nói: “Mẹ dạy không giống cô. Cô giảng bài mới đúng, chứ bài mẹ bày chẳng đúng đâu!”. Với bọn trẻ, cô giáo ở trường là nhất.Đó là chưa kể các môn học kỹ năng. Mỗi tuần bạn tôi đưa con đến hồ bơi và dạy con bơi, nhưng ba tháng nay bé vẫn chưa bơi được.

Giải pháp cuối cùng là anh chị cho con đến trung tâm để huấn luyện viên môn bơi dạy kèm. Chỉ trong vòng 10 ngày, hai bé nhà anh chị đều biết 
bơi đúng kỹ thuật.

Rồi anh lại kể về chuyện dạy con biết chào hỏi và nói chuyện lễ phép với người lớn. Được hôm trước, hôm sau thì đâu lại vào đó. Nhưng chỉ cần nhờ cô giáo nhắc nhở khéo là về hai cu cậu chấp hành răm rắp.

Chuyện đánh răng và giữ gìn vệ sinh trước khi đi ngủ cũng thế. Ba mẹ dạy bảo hết hơi nhưng hai cu cậu chỉ đánh răng qua loa, đại khái. Rửa tay thì lúc nhớ lúc quên. Lau mặt thì qua quýt cho có…

Thế mà chỉ cần nhờ bác sĩ nha khoa nhắc mấy câu là về anh bảo em cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện. Cậu em còn khuyên mẹ: “Mẹ nhớ đánh răng cho kỹ kẻo sâu ăn hết là không có răng 
để ăn cơm đâu!”.

Sao cha mẹ lại khó
bảo con?

Thực tế nhiều cha mẹ có trình độ và trẻ tiếp thu tốt nhưng hiệu quả giáo dục ở gia đình nhiều lúc lại không như mong muốn. Nguyên nhân cho tình trạng này, một phần là do cha mẹ thiếu kỹ năng sư phạm.

Đây là nguyên nhân cơ bản mà không phải bậc cha mẹ nào cũng có. Không phải cứ là giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ thì sẽ dạy con tốt.

Quan trọng là cha mẹ cần nắm được đặc điểm tâm lý của từng đứa trẻ, biết lựa chọn phương pháp dạy phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi.

Phần lớn cha mẹ thường dạy trẻ kiểu truyền kinh nghiệm, người lớn biết thế nào thì dạy thế đó, miễn kết quả đúng là được.

Một lý do khác khiến cha mẹ gặp khó khăn khi dạy con là vì sức mạnh của sự ám thị. Đối với trẻ, trường học và thầy cô ở trường, bác sĩ ở phòng khám, huấn luyện viên ở trung tâm huấn luyện… là những hình mẫu đặc biệt, thường “luôn luôn đúng”. Đôi khi trẻ quan niệm việc học quan trọng nhất là ở trường, còn việc cha mẹ 
dạy vẫn là phụ.

Đối với trẻ, những người có chuyên môn sẽ làm cho trẻ tin tưởng và tự giác tuân theo. Vì thế, mới có chuyện khi tiếp thu trẻ thường nghiêng về thầy cô hơn là cha mẹ.

Đặc biệt, đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, các em dễ bị ám thị mạnh mẽ bởi thầy cô, mỗi bài giảng, mỗi lời nói của thầy cô đều có sức mạnh trong học tập và trong đời sống của trẻ.

Thậm chí, ngay cả với những chuẩn mực, nhiều trẻ nghiêng về nhà trường hơn là cha mẹ (chẳng hạn trẻ hay so sánh: ba mẹ dạy chưa đúng, cô giáo bảo con làm thế này, mẹ nói không giống cô…).

Hệ quả là dù cha mẹ có thuyết phục, có răn đe, trách phạt thì trẻ cũng khó được thuyết phục hơn so với thầy cô của trẻ ở trường.

“Nói phải củ cải
 cũng nghe”!

Muốn những lời dạy bảo của mình thật sự có trọng lượng, cha mẹ cần tôn trọng suy nghĩ và ý kiến của con trẻ.

Trong quá trình trưởng thành, ý thức tự chủ của trẻ ngày càng mạnh và sẽ dần dần hình thành chính kiến của mình. Vì thế, gia đình cần giảm dần sự quản lý, áp đặt dành cho trẻ.

Hằng ngày nên ít nói những lời chỉ trích trẻ, thay vào đó nên nói chuyện với trẻ bằng cách đưa ra ý kiến cùng trao đổi để trẻ thấy hợp lý mà làm theo, tạo bầu không khí bình đẳng, dân chủ trong gia đình. Khi được trao đổi thoải mái, trẻ sẽ tìm tòi, phát hiện và phát huy trí sáng tạo, 
độc lập của mình.

Cha mẹ cũng không nên dạy trước mà chỉ nên củng cố, hệ thống giúp trẻ nắm vững kiến thức, kỹ năng. Để là bạn đồng hành của trẻ, cha mẹ đừng quá ôm đồm. Xã hội đã có sự phân công lao động, cha mẹ cũng nên tin tưởng vào vai trò đảm trách của thầy cô, huấn luyện viên, bác sĩ.

Trong gia đình khi dạy trẻ cần có sự phân công thống nhất. Bởi một trong những lý do trẻ khó nghe theo cha mẹ là vì cách giáo dục của cha mẹ thiếu nhất quán, bất đồng khiến trẻ lúng túng không biết theo ai mới đúng.

Để “dạy” trẻ hiệu quả, phụ huynh cần chú ý một nguyên tắc rất quan trọng là hiểu trẻ: hiểu nhu cầu, tính cách, mức độ nhận thức, phương pháp dạy phù hợp với lứa tuổi…

Mỗi đứa trẻ khác nhau, có cách tác động giáo dục khác nhau. Trẻ nhỏ hiểu vấn đề đều rất cụ thể, cảm tính, không thích lý giải, thuyết phục dài dòng. “Nói phải” cho trẻ nghe và hành động theo là một nghệ thuật.

NGUYỄN VĂN CÔNG