Nhận diện những kiểu xâm hại tình dục trẻ em
Theo nghị định 56/2017, việc dùng trẻ vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức đều bị coi là xâm hại tình dục trẻ em.
Nhận diện những kiểu xâm hại tình dục trẻ em
Theo nghị định 56/2017, việc dùng trẻ vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức đều bị coi là xâm hại tình dục trẻ em.
Chính phủ vừa ban hành nghị định 56/2017 quy định một số điều của Luật trẻ em. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, thay thế nghị định 71/2011.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
5 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục
Điểm đáng lưu ý là nghị định quy định 5 trường hợp trẻ em được coi là bị xâm hại tình dục, cụ thể: trẻ em bị hiếp dâm; trẻ em bị cưỡng dâm; trẻ em bị giao cấu; trẻ em bị dâm ô; trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại nghị định này cũng tương ứng với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Bộ luật hình sự năm 2015.
Đó là các tội: hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điều 142), tội cưỡng dâm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (điều 147).
Việc quy định như vậy đảm bảo mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đặc biệt là phải xử lý hình sự.
Điều này tránh tình trạng một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chỉ đưa ra xử lý hành chính hoặc thoả thuận bồi thường giữa các bên một cách trái pháp luật.
Điều này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan chức năng và toàn xã hội về sự nguy hiểm của hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Đảm bảo bảo mật thông tin
Theo nghị định 56/2017, trẻ em bị xâm hại tình dục được bảo mật thông tin trong suốt quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác khi có hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Mọi thông tin được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và trẻ em có liên quan.
Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin giữa nơi tiếp nhận và cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo vệ trẻ em phải đảm bảo được bảo mật. Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em phải được xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin.
Khi phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ trẻ em bị xâm hại thì tổ chức, cá nhân phải báo ngay cho tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Tổng đài này sẽ hoạt động 24 giờ, phục vụ miễn phí dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung…
So với nghị định 71 năm 2011 thì nghị định 56 đã quy định rất cụ thể, rõ ràng các trường hợp trẻ em được coi là bị xâm hại tình dục, chứ không chung chung, thiếu cụ thể như trước đây. Đặc biệt, theo quy định mới, hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức đều bị coi là xâm hại tình dục trẻ em. |