11/01/2025

Hàng ngàn người vi phạm trốn đóng phạt, bỏ luôn bằng lái

Việc cơ quan chức năng đang tạm giữ quá hạn hàng chục ngàn giấy phép lái xe do người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại cho thấy các biện pháp xử lý hiện hành cần sớm được thay đổi.

 

Hàng ngàn người vi phạm trốn đóng phạt, bỏ luôn bằng lái

 Việc cơ quan chức năng đang tạm giữ quá hạn hàng chục ngàn giấy phép lái xe do người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại cho thấy các biện pháp xử lý hiện hành cần sớm được thay đổi.

 

 

 

Hàng ngàn người vi phạm trốn đóng phạt, bỏ luôn bằng lái

Mỗi năm lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM phải bất đắc dĩ lưu giữ hàng chục ngàn giấy phép lái xe (GPLX) do người vi phạm không đóng phạt để nhận lại. Riêng tại TP.HCM, trong năm 2016 có đến 34.130 GPLX bị tạm giữ.

Có nhiều lý do mà người vi phạm bỏ luôn GPLX như: mức phạt cao hơn chi phí cấp lại GPLX, có một GPLX khác hoặc có GPLX giả, người vi phạm ở các tỉnh thành khác ngại quay lại đóng phạt nên họ về lại địa phương xin cấp lại GPLX mới…

Phạt cũng như không

Thông tin từ CSGT An Lạc, Phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM cho biết đội này đang lưu giữ 21.000 GPLX bị tạm giữ từ đầu năm 2017 đến nay.

 

CSGT Bình Triệu tạm giữ 10.000 GPLX, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm các lỗi có mức phạt tiền cao, nhiều nhất là các lỗi: đi vào đường cấm, đường ngược chiều, lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép…

 

Tương tự, tại các đơn vị CSGT thuộc PC67 Công an TP Hà Nội cũng đang “ôm” mỗi nơi hàng ngàn GPLX do người vi phạm bỏ lại.

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX, giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện cho đến khi cá nhân đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân bị xử phạt phải nộp tiền phạt. Nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Như vậy, ứng với số GPLX bị tạm giữ nói trên là có bấy nhiêu trường hợp vi phạm giao thông đã không đóng phạt và cũng không bị cưỡng chế đóng phạt.

Điều đáng nói là những trường hợp phạm luật như thế vẫn dễ dàng có GPLX khác để đối phó với lực lượng CSGT.

Trừ một số ít trường hợp làm giả thì có nhiều người đã đường hoàng làm thủ tục cấp mới. Hoặc họ báo mất GPLX để được cấp lại; hoặc khi bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này thì họ có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới.

Xem ra, tuy lực lượng CSGT bỏ công phát hiện vi phạm nhưng do các hạn chế trong việc phối hợp xử lý với các cơ quan cấp GPLX mà có rất nhiều trường hợp bị xử phạt cũng như không.

Hàng ngàn người vi phạm trốn đóng phạt, bỏ luôn bằng lái
Cảnh sát giao thông xử lý một trường hợp vi phạm giao thông tại Q.2, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Sớm kết nối thông tin

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, Bộ GTVT và Bộ Công an nên khẩn trương tạo lập hệ thống thông tin về cấp GPLX và xử lý vi phạm giao thông để lực lượng chức năng sử dụng chung cho công tác quản lý giao thông trên cả nước chứ không chỉ riêng một tỉnh thành.

Với việc kịp thời có đầy đủ thông tin về người vi phạm chưa đóng phạt, ngành giao thông vận tải sẽ từ chối cấp GPLX mới cho đến khi họ nộp phạt xong.

Như vậy sẽ không còn có chuyện cơ quan này thì tạm giữ GPLX, cơ quan nọ lại thản nhiên cấp cái khác hoặc cái mới. Từ đó, CSGT không phải tạm giữ quá nhiều GPLX như hiện nay để rồi phải lo bảo quản và tính thời hạn tiêu hủy.

Luật sư Trần Thị Miền cho rằng pháp luật đã có quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm về giao thông.

Đơn cử, lực lượng có thẩm quyền có thể khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá…

“Tuy nhiên, trước giờ các nơi đã không tổ chức được lực lượng làm các việc này. Tới đây, các cơ quan chức năng cần tính thêm những biện pháp hỗ trợ để người vi phạm vì ngại gặp những rắc rối pháp lý khác nên sẽ tự giác đóng phạt trong thời hạn quy định.

Chẳng hạn, có thể tham khảo cách làm của nước ngoài như người không đóng phạt sẽ bị tăng tiền bảo hiểm xe hoặc bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn…” – luật sư Miền đề xuất.

Các nước “xử” người không 
đóng phạt ra sao?

Ở Mỹ, bằng lái xe được cấp thông qua số an sinh xã hội được quản lý thống nhất trên cả nước nên không có chuyện người vi phạm bị địa phương này tạm giữ bằng lái thì đến địa phương khác để thi lại bằng lái khác.

Với những trường hợp không đóng tiền phạt vi phạm giao thông, nếu vi phạm nhẹ thì bị tăng thêm tiền phạt, treo bằng, tăng tiền phí để cấp lại bằng… Nếu nặng thì tuỳ trường hợp sẽ bị bắt, bỏ tù hoặc buộc lao động công ích theo lệnh của tòa án.

Ngoài ra, không trả tiền phạt đúng hạn còn bị cộng thêm “điểm” (nghĩa xấu) cho bằng lái, hậu quả là tăng thêm tiền bảo hiểm xe, tăng khả năng bị treo bằng lái hay tịch thu bằng lái.

Ở Úc, ngoài các hình thức tương tự nêu trên, người không đóng phạt còn có thể bị cảnh sát khoá bánh xe lại không cho chạy hoặc có thể bị tịch thu phương tiện (như bang Victoria sẽ tịch thu xe có giá trị tối đa 7.700 đôla Úc).

CSGT hiến kế

“Nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng nhiều GPLX là chưa có dữ liệu kết nối trong quá trình xử lý. Như trường hợp CSGT lập biên bản tạm giữ hoặc tước GPLX người vi phạm nhưng sau đó họ lại sang tỉnh khác để xin cấp GPLX mới.

Hơn nữa lệ phí thi GPLX không quá cao, trong khi đó nhiều lỗi vi phạm phạt tiền lớn hơn chi phí thi lấy GPLX mới nên họ sẵn sàng bỏ” – một cán bộ Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng người vi phạm bỏ phạt, bỏ GPLX, trung tá Trần Minh Thu – đội trưởng đội CSGT số 7, phòng 10, Cục CSGT (Bộ Công an) – cho biết:

“Theo quy định, sau khi tước GPLX thì CSGT thông báo đến nơi cấp GPLX cho người vi phạm biết. Tuy nhiên có trường hợp người vi phạm đã làm đơn xin cấp lại GPLX trước ngày nhận được thông báo.

Để xử lý vi phạm hiệu quả, các đơn vị cấp GPLX phải kết nối được với nhau, tránh trường hợp người vi phạm đến địa phương khác báo mất để được làm lại”.

Còn theo thiếu tá Nguyễn Văn Bình – đội trưởng đội CSGT Bình Triệu (PC67 Công an TP.HCM), phòng đã cho tiến hành nghiên cứu, triển khai nâng cấp phần mềm xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp người vi phạm bị tạm giữ GPLX quá thời gian quy định mà không đến thực hiện quyết định xử phạt, phần mềm xử phạt sẽ tự động nhắc và in thông báo đến các cơ quan cấp GPLX.

Q.THẾ – S.BÌNH

THÀNH NGUYÊN