25/12/2024

Lời tâm sự của những luật sư bào chữa cho sát nhân

Những vụ án giết người man rợ mà nhiều người nghe qua đều nghĩ hành vi phạm tội của bị cáo “không còn gì có thể bào chữa được”. Nhưng theo quy định pháp luật, luật sư vẫn phải đứng ra bảo vệ cho bị cáo.

 

Lời tâm sự của những luật sư bào chữa cho sát nhân

 Những vụ án giết người man rợ mà nhiều người nghe qua đều nghĩ hành vi phạm tội của bị cáo “không còn gì có thể bào chữa được”. Nhưng theo quy định pháp luật, luật sư vẫn phải đứng ra bảo vệ cho bị cáo.

 

 

 

minh hoa 13-5Bào chữa cho những kẻ đã gây nên tội ác khiến dư luận căm phẫn như Lê Văn Luyện (giết 3 người trong vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang), Nguyễn Đức Nghĩa (giết, chặt đầu phi tang bạn gái ở Hà Nội), thảm sát cả 6 người trong một gia đình ở Bình Phước… là lựa chọn khó khăn nhưng các luật sư vẫn phải làm.

Lựa chọn khó khăn

Tháng 7-2015, 6 thành viên trong một gia đình ở Bình Phước bị sát hại. Sau đó, Nguyễn Hải Dương – người được xác định là chủ mưu của vụ án – đã bị bắt.

Theo quy định, những bị can bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình đều phải có luật sư tham gia bảo vệ. Lúc ấy, cơ quan điều tra mời một luật sư có kinh nghiệm tham gia bào chữa cho Nguyễn Hải Dương. Tuy nhiên, vị luật sư này từ chối tham gia vụ án.

 

Sau đó, Công an tỉnh Bình Phước chỉ định luật sư Hoàng Kim Vinh (nguyên chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) bào chữa cho Nguyễn Hải Dương.

 

Sau nhiều ngày suy nghĩ trăn trở, luật sư Vinh mới nhận lời tham gia vụ án.

“Cái khó nhất khi tham gia vụ án này đó là áp lực quá lớn đến từ dư luận. Có nhiều người thân quen đã phản ứng khi biết tôi bảo vệ cho Nguyễn Hải Dương. Họ bảo tôi tại sao lại đi bênh vực cho kẻ giết người? Bản thân tôi cũng tự đặt câu hỏi: “Mình phải bào chữa cho bị cáo thế nào đây? Còn gì có thể bào chữa?”. Tôi cũng đắn đo vì sợ bị trả thù, sợ phản ứng của gia đình bị hại. Nhưng đó là trách nhiệm nghề nghiệp của mình, là quyền của bị cáo” – ông Vinh kể lại.

Bào chữa thế nào cho các bị cáo luôn là câu hỏi mà các luật sư đặt ra khi tham gia các vụ án giết người man rợ. Bởi trong các vụ án này, việc tìm ra các tình tiết giảm nhẹ là rất khó.

Khi tiếp xúc với Dương ở trại tạm giam, việc đầu tiên ông Vinh làm là động viên Dương hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án. Việc tiếp theo là phân tích hành vi phạm tội để Nguyễn Hải Dương dù có phải lãnh mức án thế nào thì vẫn tâm phục khẩu phục.

“Trong tình huống này, những tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo không còn quan trọng nữa vì có được giảm nhẹ đến đâu cũng khó thoát án tử hình. Dẫu không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng trong một phút giây mù quáng, bị cáo đã không kiềm chế được bản thân mình mà gây nên tội ác. Ở tòa, tôi chỉ có thể nói thay bị cáo được như thế. Đó là những tâm tư cũng như lời giãi bày cuối cùng của Nguyễn Hải Dương” – ông Vinh nhớ lại.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) thường được các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang chỉ định bào chữa cho các bị cáo trong các vụ án giết người gây kinh hoàng dư luận như Lê Văn Luyện, Đỗ Văn Năm giết cháu họ rồi phi tang xác…

“Có những vụ án hành vi phạm tội man rợ đến mức ngoài sức tưởng tượng. Khi tham gia những vụ án như thế mình phải bào chữa thế nào để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, lại không khiến dư luận và gia đình bị hại phẫn nộ.

Như vụ án Lê Văn Luyện, dù tôi có bào chữa hay không thì Luyện vẫn lãnh mức án 18 năm tù cho hành vi giết hại 3 người (phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi). Tuy nhiên, việc luật sư bảo vệ cho các bị cáo trong trường hợp này còn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật” – ông Ngọc chia sẻ.

Chiếc phao cuối cùng

Ông Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) là luật sư quen thuộc của những vụ án giết người với tình tiết man rợ, có khung hình phạt tử hình tại TAND TP.HCM như vụ án Nguyễn Hải Dương (bào chữa ở phiên phúc thẩm), mẹ giết con ruột, giết người cướp của rồi hiếp dâm, giết người đốt xác…

“Có ai đối diện với tội ác hằng ngày mà không cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, nhưng đó là công việc hằng ngày mà chúng tôi phải làm” – luật sư Bình nói.

Theo ông Bình, nhiều người khi phạm tội không chút đắn đo, nhưng trải qua những ngày ở trại tạm giam mới thấy hối hận, sợ chết. Khi đó, họ thường giả ốm đau, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, không hợp tác điều tra với mục đích kéo dài sự sống…

“Nhiệm vụ của luật sư lúc này là trấn an tinh thần cho họ. Sự có mặt của luật sư như chiếc phao cho bị cáo bấu víu vào. Có bị cáo khi được gặp luật sư thì tỏ ra mừng rỡ. Không phải vì họ nghĩ mình sẽ được cứu sống mà vì có người ngồi lắng nghe họ tâm sự, giãi bày hết những góc khuất cuộc đời khiến họ bị đẩy đến ngày hôm nay” – ông Bình chia sẻ.

Ở TAND TP.HCM, có bị cáo từng phải lãnh đến ba bản án tử hình về các tội danh và những vụ án khác nhau. Lần đầu tiên bị cáo nghe tuyên án tử hình trong trạng thái hoảng loạn.

Buổi làm việc sau đó trong vụ án khác, luật sư Đỗ Hải Bình đã mua cho bị cáo một gói thuốc và một tờ báo, kiên nhẫn chờ cho bị cáo hút hết vài điếu thuốc và đọc hết tờ báo mới bình tâm làm việc.

Có bị cáo cả buổi làm việc không đả động gì đến nội dung vụ án mà chỉ nói về cuộc đời, về nỗi sợ hãi với những gì phải trả giá. Với những bị cáo như thế, nhiệm vụ của luật sư không chỉ dừng lại ở việc nói mấy lời bào chữa tại tòa.

“Nếu thấy khả năng thoát án tử hình rất khó thì tôi sẽ giải thích cho bị cáo biết mà không né tránh. Tôi cũng dành thời gian giảng giải cho họ hiểu về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, để họ hiểu cái chết chẳng qua chỉ là tiêm một liều thuốc để có một giấc ngủ dài. Có người sau khi nghe tôi nói về luật nhân quả đã nhờ tôi hướng dẫn làm các thủ tục hiến xác cho y học sau khi thi hành án để được ra đi thanh thản…” – luật sư Bình kể.

Nhiệm vụ của các luật sư khi tham gia các vụ trọng án không chỉ dừng lại ở việc bào chữa mà còn phải giải thích thế nào để bị cáo thanh thản chấp nhận. Niềm vui của tôi khi tham gia các vụ này là mình đã “cảm hoá” được một tên giết người man rợ, giúp kẻ ấy hiểu và biết chấp nhận sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật một cách thanh thản”
Luật sư ĐỖ HẢI BÌNH
TÂM LỤA