Xử sao để không còn người tự tử vì vay lãi nặng?
Cho vay lãi nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ vi phạm như gây rối, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… làm mất an ninh, trật tự xã hội cần xử lý mạnh tay.
Xử sao để không còn người tự tử vì vay lãi nặng?
Cho vay lãi nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ vi phạm như gây rối, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… làm mất an ninh, trật tự xã hội cần xử lý mạnh tay.
Tờ quảng cáo cho vay trả góp dán ở quận Phú Nhuận TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Tiếp theo câu chuyện Tự tử vì tiền lãi vay ‘nóng’ chất chồng mà Tuổi Trẻ đã thông tin, các chuyên gia pháp lý đưa ra những cảnh báo bổ ích cho người dân, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể để xử lý loại tội phạm trên.
Nên ký hợp đồng rõ ràng
Thẩm phán Lê Thành Văn (TAND cấp cao tại TP.HCM) cảnh báo nhiều trường hợp để nắm chắc phần thắng, chủ nợ buộc con nợ ra phòng công chứng để ký hợp đồng mua bán nhà đất của con nợ, sau đó mới cho vay tiền.
Nhiều trường hợp người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách, cần tiền nên đã làm hợp đồng bán nhà cho chủ nợ để bảo đảm khoản vay. Sau một thời gian con nợ chậm trả, mất khả năng chi trả thì chủ nợ sẽ chuyển sang thực hiện hợp đồng và lấy nhà của con nợ.
Thực tế xét xử đã có nhiều vụ hợp đồng giả từ hoạt động tín dụng đen “cướp” nhà đất của con nợ. Theo ông Văn, người dân cần lưu ý đã làm hợp đồng liên quan đến việc định đoạt tài sản lớn là nhà đất cần suy nghĩ kỹ.
Khi ra tòa, phải chứng minh mình bị lừa dối, ép buộc… để ký hợp đồng giả cách mua bán nhà đất thì tòa sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu và con nợ sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo lãi suất hợp pháp.
Còn ông Lương Quang Tuấn (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) đưa ra cảnh báo: “Theo điều 163 Bộ luật hình sự, tội cho vay lãi nặng có khung hình phạt cao nhất chỉ 3 năm tù, vì vậy tín dụng đen vẫn hoạt động công khai.
Khi người dân cần vốn để sản xuất, kinh doanh mà không có nên phải vay tiền với lãi suất rất cao và sau đó có rất nhiều hệ lụy. Trong khi để truy cứu trách nhiệm hình sự tội cho vay lãi nặng là rất khó khăn.
Vì vậy để bảo vệ mình khi vay tiền, người dân cần lưu ý nên có hợp đồng ghi rõ số lượng tiền vay, thời hạn vay, thời hạn trả, lãi suất… và khi xảy ra tranh chấp hai bên sẽ giải quyết như thế nào.
Thứ hai, người dân tuyệt đối không nên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất để đảm bảo cho khoản tiền vay. Nếu cần tài sản đảm bảo cho khoản vay thì chỉ cần cho chủ nợ biết mình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đủ.
Thứ ba, khi viết giấy vay tiền nên có người làm chứng và lựa chọn vay nơi tử tế, không vay tiền của dân xã hội đen, “đầu gấu”… để tránh những hậu quả đáng tiếc”.
Xử lý mạnh tay
Ông Hà Tiến Triển (nguyên thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội) cho biết sở dĩ tội cho vay lãi nặng khó xử lý bởi các đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường rất am hiểu quy định của pháp luật, biết cách “né” và cho vay kín kẽ.
Khi các bên tranh chấp ra tòa dân sự, hợp đồng vay tài sản chỉ thể hiện số tiền vay, lãi suất vượt quá quy định thường không thể hiện trên giấy tờ. Ở tòa, người vay cho biết đã phải trả lãi nhiều lần với lãi suất rất cao, một bên không thừa nhận nên không có căn cứ để xử lý.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường hợp chủ nợ đòi lãi cao không được thường thuê các đối tượng côn đồ bắt giữ người, dùng vũ lực… để đòi nợ.
Tuy nhiên cơ quan tố tụng chỉ xử lý được các đối tượng nêu trên về hành vi cố ý gây thương tích hoặc bắt giữ người trái pháp luật, còn hành vi cho vay lãi nặng lại không đủ căn cứ để xử lý.
Đơn cử như vụ việc Đỗ Đức Khoa (26 tuổi) cùng 7 người khác đến nhà Huỳnh Khắc Vũ (xã Bình Hoà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) để đòi nợ lãi suất cao. Cả nhóm đã đe doạ, ép buộc Vũ phải trả nợ dẫn đến xô xát.
Vũ đã dùng mã tấu gây thương tích cho Đỗ Đức Khoa 15% nên bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Nhóm đi đòi nợ lại trở thành bị hại.
Hiện nay luật sư của Huỳnh Khắc Vũ đã yêu cầu Công an huyện Vĩnh Cửu điều tra bổ sung để xử lý hành vi cho vay nặng lãi, đe dọa, hành hung người của Đỗ Đức Khoa và 7 người còn lại.
Thẩm phán Lê Thành Văn cho rằng trong các vụ án nêu trên, việc chỉ xử lý hành vi cố ý gây thương tích là không đạt hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Bởi lẽ theo ông Văn, về phía nhóm cho vay tiền có dấu hiệu của hành vi cho vay lãi nặng.
Vấn đề này hiện nay đang gây bức xúc lớn cho xã hội, thiệt thòi cho những người khó khăn, cần tiền.
Cho vay lãi nặng cũng là nguyên nhân kéo theo nhiều vi phạm pháp luật khác như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… gây mất an ninh, trật tự xã hội nên cần phải xử lý mạnh tay.
Người dân cần hết sức cân nhắc khi vay lãi nặng để đầu tư làm ăn. Bởi việc đầu tư rất rủi ro, có khi khoản lãi từ việc đầu tư không đủ để trả lãi nặng của nguồn vốn vay. Hoặc việc làm ăn thua lỗ dẫn đến khả năng người vay phải ôm số nợ gốc và lãi rất lớn. Lãi không trả được lại bị cộng dồn vào tiền gốc khiến người vay tiền phải chịu cảnh lãi chồng lãi. Khi bị chủ nợ cho đàn em đến đe doạ, uy hiếp phải trả nợ, bán nhà với giá rẻ mạt, người dân cần trình báo cơ quan chức năng để được bảo vệ. |
Khó chứng minh tội phạm Hiện nay Bộ luật hình sự quy định những yếu tố cấu thành của tội danh cho vay lãi nặng rất khắt khe, vì vậy rất khó để xử lý. Cụ thể, để chứng minh đối tượng phạm tội cho vay lãi nặng thì phải chứng minh được hai dấu hiệu cơ bản. Thứ nhất là lãi suất cho vay cao, vượt quá quy định pháp luật. Thứ hai là có tính chất chuyên bóc lột, được hiểu là việc người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, bóc lột người đi vay. Để chứng minh đầy đủ các dấu hiệu trên là việc không hề dễ dàng. |