12/01/2025

Đừng để dân phải chịu oan ức

“Tôi chưa bao giờ quên bất cứ ngày nào trong hành trình 10 năm đi khiếu kiện của mình” – bà Thân Thị Giang mở đầu cuộc đối thoại với Tuổi Trẻ.

  

Đừng để dân phải chịu oan ức

“Tôi chưa bao giờ quên bất cứ ngày nào trong hành trình 10 năm đi khiếu kiện của mình” – bà Thân Thị Giang mở đầu cuộc đối thoại với Tuổi Trẻ.


 

 

 

Đừng để dân phải chịu oan ức
Sau 10 năm đi khiếu kiện, bà Thân Thị Giang mới được cấp lại nhà, đất – Ảnh: Nam Trần

Lần đầu tiên tôi gặp bà Thân Thị Giang (65 tuổi) vào năm 2014, tại vỉa hè trước cổng trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (Hà Đông, Hà Nội). Bà Giang đứng giữa trưa nắng gắt với xấp hồ sơ nhà đất dày cộp trên tay.

Giờ đây, tôi gặp lại bà Thân Thị Giang trong căn nhà mới của bà ở Bắc Giang. Làn da cháy nắng, mái tóc xơ rối và nét sương gió của 10 năm sống vỉa hè vẫn chưa phai, nhưng nụ cười của bà Giang đã rổn rảng hơn trước.

“Tôi chưa bao giờ quên bất cứ ngày nào trong hành trình 10 năm đi khiếu kiện của mình” – bà Giang mở đầu cuộc đối thoại với Tuổi Trẻ.

10 năm cơ cực

* Tại sao bà kiên trì chọn cách sống lang thang ở vườn hoa, vỉa hè Hà Nội suốt 10 năm? Hành trình ấy chắc hẳn rất gian nan?

– Tôi không có chồng con, sống cùng với mẹ ruột trên mảnh đất rộng hơn 170m² tại xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Mảnh đất ấy do mẹ tôi để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên tôi.

Thế nhưng năm 2000, UBND huyện Việt Yên bỗng dưng ra quyết định tịch thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao mảnh đất cho người khác.

Cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên tôi phải trả nhà, đất. Đến khi cấp giám đốc thẩm hủy án để giao hồ sơ cho toà sơ thẩm xét xử lại thì nhà đất của tôi đã bị tịch thu. Tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án.

Tôi từ một người có nhà cửa ổn định, sinh sống bằng nghề bán hàng nước bỗng trở thành một kẻ không nhà cửa, không tương lai. Năm 2005, sau khi khiếu nại ở Bắc Giang không được giải quyết, tôi xuống Hà Nội đòi quyền lợi.

Ở Hà Nội, tôi phát hiện vườn hoa Mai Xuân Thưởng (quận Ba Đình) có rất nhiều bà con đi khiếu kiện sinh sống vì nơi đây gần các cơ quan trung ương. Vậy là tôi vào dựng lều ở với họ.

* Tôi đã gặp bà với cuộc sống rất tằn tiện và cơ cực tại vỉa hè trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. 10 năm không nhà cửa, không việc làm mà chỉ đi khiếu kiện, bà đã sống như thế nào ở Hà Nội?

– Thời gian rảnh không phải đi gửi đơn thì tôi đi nhặt rác, rửa bát thuê, bán bún, bán bánh giò… Rửa bát thuê từ 5h chiều đến 11h đêm, tôi được trả công 30.000 đồng và một bát phở ăn tối.

Đêm về, chúng tôi dựng lều ở vườn hoa để ngủ. Có đêm đang ngủ trời đổ mưa, lều sập, chăn bông ướt sũng nước. Chúng tôi nhìn nhau vừa cười vừa khóc. Có đêm bị đám xã hội đen giật lều, ném mắm tôm, ném chuột chết vào lều không ngủ được. Rồi bị đánh, bị cướp hết đồ đạc, chúng tôi nấu cơm cũng bị hắt cả bếp đi…

Không sống được ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), tôi phải “dạt” sang phường Quán Thánh, nhưng bảo vệ phường Quán Thánh cũng không cho sống ở đó vì sợ… ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Sau đó, tôi buộc phải “dạt” về vỉa hè trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở quận Hà Đông. Từ khi về đây, mỗi ngày tôi mất 14.000 đồng tiền xe buýt ra quận Ba Đình gửi đơn. Mà nếu không phải đi xe buýt thì số tiền ấy tôi có thể ăn no hai ngày.

* Có ngày nào bà bị đói không?

– Có chứ. Những người dân đi khiếu kiện chung với tôi phần lớn rất khổ. Dù mưa hay nắng, chúng tôi đều ăn ngủ, sinh hoạt vạ vật trên vỉa hè.

Hôm nào người dân quanh đó hoặc nhóm từ thiện nào cho vài ký gạo thì chúng tôi hái rau (bây giờ vẫn không biết rau gì) ở công viên làm canh. Trời mưa không đi nhặt rác được, hay không có người thuê làm thì tôi phải ăn cầm chừng 
hoặc nhịn đói.

Năm 2014, tôi đi phụ bán bánh giò, hễ ai ăn thừa một góc chiếc bánh là tôi chia bánh riêng, giò riêng rồi trút vào túi đem về chia cho mọi người ở vườn hoa. Hôm nào tôi về muộn là lũ trẻ (con của dân khiếu kiện) lại bảo: “Bà Giang về muộn làm chúng con đói quá!”.

Luôn vững niềm tin vào chính quyền

* Cuộc sống vất vả như vậy, có bao giờ bà có ý định không đi khiếu kiện nữa, về quê sống?

– Không, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc dẫu phải chịu đói khổ thế nào. Tôi không nhà cửa, không gia đình, về quê lại trở thành gánh nặng cho các em.

Và bởi vì trong thâm tâm tôi luôn dành sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và chính quyền. Tôi tin tôi đúng và khiếu kiện ôn hoà sẽ được trả lại nhà đất.

Cũng có nhiều tổ chức, đoàn thể động viên tôi nên về quê. Cứ mỗi dịp tết, cán bộ xã Hoàng Ninh và huyện Việt Yên lại đưa xe xuống Hà Nội đón tôi về. Họ bảo tôi sao cứ ở Hà Nội mãi “gây mất trật tự, làm hoen ố hình ảnh thủ đô”.

Tôi cũng muốn về lắm chứ, đâu ai muốn bỏ nhà cửa, bỏ quê hương sống lang thang để chịu đựng đói khổ, tủi nhục. Nhưng tôi không nhà cửa, không tương lai thì biết về đâu?

* Được biết các cơ quan trung ương đã phải chỉ đạo rất nhiều lần, sau đó chính quyền tỉnh Bắc Giang mới giải quyết dứt điểm vụ việc và khôi phục quyền lợi cho bà?

– Đầu năm 2007, chúng tôi đang đứng ngoài đường thì may mắn gặp được ông Trương Vĩnh Trọng (lúc đó là phó thủ tướng).

Thấy tôi vẫy xe, ông Trọng hỏi: “Đơn đâu, các bà đưa đây tôi xem sao mà bức xúc thế?”. Có người mừng quá, vừa đưa đơn cho ông Trọng vừa khóc.

Tháng 10-2007, ông Trọng ra văn bản đề nghị các cơ quan tỉnh Bắc Giang phải xem xét lại vụ việc, nhưng rồi vụ việc của tôi vẫn không được giải quyết.

Tôi tiếp tục đi kêu cứu nhiều năm thì tỉnh Bắc Giang mới cấp cho tôi một mảnh đất khác. Điều oái oăm là mảnh đất này lại nằm dưới hồ nước mênh mông.

Được gọi về nhận đất, tôi chỉ biết ngửa cổ kêu trời. Khi đo mốc giới để cấp đất cho tôi, cán bộ phải bơi thuyền thúng. Tôi đề nghị được lấp hồ, xây nhà thì huyện nói tỉnh không cấp kinh phí nên 
không có tiền làm.

Tôi tiếp tục sống vỉa hè đi khiếu nại. Mãi đến cuối năm 2014, sau khi báo Tuổi Trẻ có bài viết đăng chuyện của tôi, bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi làm việc với chính quyền tỉnh Bắc Giang về việc của tôi.

Ông Nên đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang phải xây nhà cho tôi trước Tết Ất Mùi. Khi ấy dù rất xúc động, nhưng tôi vẫn chưa tin vào lời hứa của chính quyền. Vì tôi đã mất niềm tin quá 
nhiều lần rồi mà.

* Bây giờ sau hơn 10 năm đi khiếu kiện, bà đã đòi lại được nhà, đất. Bà có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình không?

– Năm 2015, tôi được đón tết trong căn nhà của mình sau 9 năm đón tết ở vỉa hè Hà Nội. Nhưng có lẽ vì căn nhà được xây với tiến độ nhanh nên bây giờ đã bị sụt lún khá nhiều.

Điều đáng buồn là tại biên bản giao nhà, huyện Việt Yên thể hiện là xây nhà xã hội. Tức là chính quyền sửa sai nửa vời mà không thừa nhận sai, tôi bị tịch thu hơn 170m2 nhà đất, bây giờ “được cấp nhà xã hội” 90m2.

Tôi đã làm đơn gửi chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị nếu chính quyền giao nhà xã hội thì cần trả lại nhà đất trước đây cho tôi.

Còn nếu giao nhà để sửa cái sai của chính quyền thì cần có khoản bồi thường, hỗ trợ cho 10 năm qua để tôi trang trải cuộc sống. Hiện nay, đơn của tôi vẫn chưa được giải quyết.

Hiện giờ tôi đã mở hàng nước bán kiếm sống qua ngày, tôi cũng trồng vườn cây thuốc nam quanh nhà để bà con sử dụng như mơ ước lâu nay. Dù còn khá chật vật, nhưng tôi đã có được cuộc sống yên ổn sau 10 năm sống cảnh màn trời chiếu đất.

* Sau bao nhiêu năm khổ cực màn trời chiếu đất, nghĩ lại trường hợp của mình và của mọi người, bà có muốn chia sẻ điều gì không?

– Nào tôi có muốn điều gì ngoài việc cán bộ địa phương phải giải quyết thấu đáo cho chúng tôi đâu. Tôi chỉ là dân nghèo, không hiểu nhiều về các chính sách của Nhà nước. Nhưng tôi chỉ mong đã là cán bộ thì phải biết thương dân, phải làm đúng luật để dân không phải chịu oan ức.

Từ bài báo của Tuổi Trẻ

Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Bỗng dưng bị đẩy ra đường” (25-11-2014), ngày 25-12-2014 bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Ban Tiếp công dân trung ương đã về Bắc Giang chủ trì buổi làm việc với chính quyền tỉnh Bắc Giang 
về vụ việc của bà Giang.

Ông Nên nói rằng ông rất đau lòng vì tại sao một vụ việc đơn giản như vậy, chính quyền tỉnh Bắc Giang lại để bà Giang vất vả đi khiếu kiện nhiều năm. Với sự chỉ đạo ráo riết của ông Nên, căn nhà mới cho bà Giang đã được xây dựng.

Ông Nguyễn Hồng Điệp (trưởng Ban Tiếp công dân trung ương – Thanh tra Chính phủ):

Đừng để dân phải chịu oan ức
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Ảnh: T.L.

Được giải quyết, bà Giang rất vui vẻ

Bà Thân Thị Giang là người sống lang thang để khiếu kiện trong nhiều năm. Chúng tôi nhận đơn của bà từ khi trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước còn ở quận Cầu Giấy.

Sau này trụ sở chuyển về Hà Đông, bà Giang cũng chuyển về đó ở hẳn. Đi khiếu kiện lâu năm nhưng thái độ bà Giang rất ôn hòa.

Khi nhận đơn khiếu nại của bà Giang, chúng tôi đã báo cáo tổng Thanh tra Chính phủ, đồng thời gửi văn bản đến các cơ quan tỉnh Bắc Giang đề nghị phải giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng công dân đi khiếu kiện kéo dài.

Hôm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên về Bắc Giang giải quyết vụ việc của bà Giang, bà Giang rất vui vẻ. Từ sau hôm ấy, tôi không còn thấy bà Giang đến trụ sở tiếp công dân gửi đơn nữa.

Có cán bộ 
nhận đơn rồi vứt

* 10 năm qua, những cán bộ tiếp dân ở cơ quan nhà nước mà bà đã gặp đối xử với bà thế nào?

– Có cán bộ nhận đơn, nhưng khi tôi vừa quay lưng đã vứt đơn không thèm xem. Cũng có người rất nhiệt tình hướng dẫn và còn động viên chúng tôi: “Các bà khổ 1 thì chúng tôi khổ 10, chúng tôi cũng muốn giúp các bà nhưng lực bất tòng tâm vì quy định thế”.

Bên cạnh những cán bộ không tốt vẫn còn nhiều cán bộ tốt và biết thương dân. Nếu không có những cán bộ tốt thì tôi không thể nào sống được ở Hà Nội suốt 10 năm qua.

TÂM LỤA thực hiện