28/11/2024

Khuyết tật không là món nợ kiếp trước

Thi đậu ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ba năm làm phát thanh viên chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông, nay cô gái khiếm thị Lê Hương Giang tiếp tục thử thách làm MC truyền hình.

 

Khuyết tật không là món nợ kiếp trước

Thi đậu ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ba năm làm phát thanh viên chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông, nay cô gái khiếm thị Lê Hương Giang tiếp tục thử thách làm MC truyền hình.

 

 

 

Khuyết tật không là món nợ kiếp trước
Lê Hương Giang trò chuyện với một em bé tại lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Người mù Hà Nội – Ảnh: Huyền Phạm

Tháng 5-2014, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết “Ngọn nến cong” toả sáng về một cô gái khiếm thị luôn nỗ lực hoà nhập với cộng đồng. Ba năm sau, “ngọn nến cong” ấy đã thực sự toả sáng. Lê Hương Giang đối thoại cùng Tuổi Trẻ về hành trình nỗ lực không mệt mỏi và ước mơ cô gái 22 tuổi này đang theo đuổi.

Đom đóm khuyết

* Chúc mừng Giang vừa cho ra đời chương trình “Cửa không cánh” – sản phẩm truyền hình đầu tiên phát trên kênh YouTube của nhóm Đom Đóm Studio do chính bạn sáng lập. Cảm xúc của bạn thế nào?

– Một mình tôi chuẩn bị kịch bản, các em cộng tác đang là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, đến quay phim chúng tôi cũng… đi nhờ. Mọi thứ bị rối nên tôi chưa hài lòng lắm với số đầu tiên. Nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm rồi.

 

* Mất bao lâu để lên ý tưởng đến khi ra đời?

– Đúng một tháng. Một tháng đổi từ phát thanh sang truyền hình, quá kinh khủng!

* “Quá kinh khủng” nhưng các bạn đã làm được…

– Từ tháng 12-2016, Đom Đóm Studio ra đời là cộng đồng của người khuyết tật và người bình thường. Ở Việt Nam chưa có một kênh truyền thông nào cho người khuyết tật và nhóm yếu thế. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là giúp họ tự nói lên tiếng nói của mình.

Nếu tinh ý, các bạn sẽ thấy avatar chú đom đóm của Đom Đóm Studio bị khuyết một góc trên cơ thể. Cá nhân tôi nghĩ mỗi người đều có ánh sáng của mình. Ánh sáng ấy có thể mạnh, có thể yếu, người khác có thể nhìn thấy ánh sáng đó hoặc không, nhưng bạn sẽ toả sáng theo cách riêng của mình.

Không chỉ là thị giác

* Đã có nhiều dự án, sáng kiến của sinh viên lập ra rất hay ho, song đều bị “chết yểu” vì gặp các vấn đề về nguồn lực, không hiệu quả. Bạn có lo sợ điều đó?

– Đom Đóm Studio đã hoạt động được 5 tháng, tôi rất vui vì có những người bạn ở khắp các miền cũng gọi đến chia sẻ dù bản thân không biết họ… Bạn biết không, có những vùng vẫn còn quan niệm đứa con sinh ra bị khuyết tật là món nợ từ kiếp trước, họ sẵn sàng bỏ rơi con mình, không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Không đâu xa, ở ngoại thành Hà Nội cũng có.

Ngoài câu chuyện về những người khuyết tật, về sau nhóm hướng đến tư vấn chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Tôi muốn giúp phụ huynh nhận thức về bệnh của các em, chăm sóc các em đúng cách. Kể cả các em tự kỷ, nếu được chăm sóc đúng sẽ phát triển được tài năng.

Đặc biệt với chương trình “Cửa không cánh”, nhóm muốn thay đổi từ phát thanh sang truyền hình. Tham vọng của chúng tôi là lập ra kênh truyền thông của người khuyết tật, tạo ra môi trường hoà nhập, cách nhìn đa chiều và sản phẩm đa chiều.

“Cửa không cánh” vừa quay xong 3 số, số đầu tiên đã phát câu chuyện về diễn giả Nguyễn Sơn Lâm. Tới đây sẽ phát định kỳ 1 số/tháng. Hai số tiếp theo là câu chuyện về stylist Thành Nguyễn và nhà phối khí Nguyễn Thanh Bình. Họ là người khuyết tật nhưng rất thành công.

* Mọi người thường quen với giọng đọc của Hương Giang trong chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV Giao thông. Lần đầu tiên làm MC đứng trước ống kính máy quay, bạn làm thế nào để tương tác với khách mời dù không nhìn thấy họ?

– Điều tôi không có được là đôi mắt, nhưng cảm xúc không chỉ bộc lộ qua thị giác mà còn cảm nhận được qua thính giác, xúc giác và nhiều thứ khác nữa. Tôi thấy cảm nhận được cảm xúc của nhân vật không quá khó khăn, nó thuộc về sự nhạy cảm của mỗi người.

* Năm 2014 học THPT, chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn từng nói điểm giống nhau giữa một ngọn nến cong và ngọn nến thẳng là đều có thể toả sáng. Bạn có thể chia sẻ về chặng đường ba năm qua?

– Trước đây tôi không biết Trường ĐH KHXH&NV có nhận tôi hay không, nhưng tôi cứ đi thôi. Tất nhiên có những khó khăn nhưng cuối cùng tôi vẫn làm được. Khi bước ra ngoài mọi người nói rất nhiều thứ, chẳng hạn: là khiếm thị không thể làm chuyên gia tâm lý vì không nhìn thấy người đối diện, không làm báo được vì không đi lại được… Rất nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng tôi nghĩ mình có con đường đi riêng. Hiện tại tôi muốn làm người đứng sau để đưa các bạn khuyết tật đến gần hơn với ước mơ.

Cầu nối của người khuyết tật

* Bạn tin là “người đứng sau” sẽ giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng?

– Có chứ. Các bạn mắt sáng hay hỏi tôi nên đăng ký thi vào trường nào, còn các bạn khiếm thị chỉ hỏi: Trường nào sẽ nhận em? Đó là câu hỏi rất khó trả lời. Các bạn không dám chọn trường theo ước mơ mà chọn trường theo xã hội cho phép. Tôi muốn các bạn đi trên con đường mình mong ước. Là người đứng sau, tôi có thể hỗ trợ các em về mặt thông tin, kết nối các nguồn lực, các tổ chức cho từng dạng tật.

Là người đứng sau, tôi có thể hỗ trợ về mặt truyền thông, tìm tài liệu học tập mà các bạn đang thiếu để tiếp cận gần hơn với ước mơ của mình.

* Giang đang học ngành tâm lý học và đăng ký thêm ngành báo chí. Học hai ngành song song có khó khăn gì không?

– Tôi học tâm lý học để giúp các bạn khuyết tật và phụ huynh gạt bỏ rào cản, bước ra với thế giới bên ngoài. Song tôi nhận ra chỉ hỗ trợ được một vài người trong một thời điểm. Nhưng nếu làm truyền thông thì sức mạnh sẽ lan tỏa rất nhiều nơi. Lúc đó tôi đặt mục tiêu là cầu nối giữa người khuyết tật với xã hội, giúp họ sống hoà nhập với cộng đồng.

Ngoài việc phải ngồi trên ghế giảng đường khá nhiều thì tôi không gặp khó khăn gì khi học song song hai ngành.

* Là người khuyết tật nhưng bạn quyết tâm theo đuổi nghề báo. Theo bạn, cần có điều kiện gì để làm tốt?

– Tôi nghĩ cần sự chủ động và cởi mở. Chủ động về mặt công nghệ, phương tiện. Với người khuyết tật gặp khó trong khi di chuyển, nhưng ngày trước chúng tôi có câu: Nơi nào xe buýt đến được thì nơi đó không xa. Nay thì: Nơi nào Grab đến được thì nơi đó không xa (cười).

Bên cạnh đó là cơ hội. Và cái tôi đang thiếu bây giờ là cơ hội, cũng như những người khuyết tật khác đang cần cơ hội.

* Chặng đường đi chắc chắn gặp nhiều khó khăn?

– Không nhiều lắm, nhưng khó nhất là khi làm MC dẫn thực tế. Tôi đang luyện cách nhìn đối diện với mọi người, tương tác với máy quay, học ngôn ngữ cơ thể. Những thứ như trang điểm, trang phục cho MC cũng cần phải học. Bây giờ thì tôi có thể dùng son phấn rồi.

● Huy chương đồng cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Hàn Quốc năm 2012.

● Giải ba “Hội thi khoa học kỹ thuật Intel” với sáng tạo chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói.

● Năm 2016, đăng quang The Next MC Hà Nội.

● Từng được hoàng hậu Thuỵ Điển mời sang thăm cung điện và giao lưu với các bạn khuyết tật.

May mắn không tự rơi trúng đầu

* Bạn có thấy mình may mắn hơn nhiều người khác?

– May mắn nhiều chứ. Nhưng không phải cứ ngồi một chỗ mà may mắn rơi trúng vào đầu mình. Phải đi tìm may mắn, và nó chỉ đến khi đi tìm kiếm nó thôi. May mắn đầu tiên là tôi được sinh ra ở Hà Nội, là nơi tốt nhất để người khuyết tật được đi học. Tôi muốn sau này các bạn được đi học giống tôi, và truyền thông là cách tốt nhất để đưa các bạn đến với mọi người.

Đặng Thùy Linh 
(18 tuổi, sinh viên năm 1 Trường ĐH Luật, khuyết tật vận động):

Khuyết tật không là món nợ kiếp trước

Ngày mới lớn nhận thức được về khuyết tật của bản thân, tôi thấy cuộc sống khác biệt vì bị bạn bè trêu chọc. Giờ thì cuộc sống hạnh phúc hơn khi tôi hoà nhập được với mọi người, không thấy khác biệt so với cộng đồng. Đó là điều mà tôi được chị Giang khuyên bảo cũng như nhìn vào chị Giang để phấn đấu. Tôi đang theo đuổi ngành luật và ước mong sau này sẽ cải thiện về các quyền khuyết tật, nhân quyền và các điều luật cho người khuyết tật.

Tôi vừa nộp đơn đăng ký vào Đom Đóm Studio, dù không học truyền thông nhưng tôi mong góp phần nhỏ của mình giúp tạo ra cộng đồng người khuyết tật hòa nhập.

Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm (khách mời trong “Cửa không cánh”, nạn nhân chất độc da cam):

Khuyết tật không là món nợ kiếp trước

“Cửa không cánh” rất ý nghĩa, êkip nghị lực nên tôi đồng ý làm khách mời để phần nào đó hỗ trợ chương trình thú vị hơn. Mục đích của chương trình nhằm tạo ra cộng đồng người khuyết tật hoà nhập với xã hội là rất nhân văn, tốt đẹp. Dù xã hội đã có cái nhìn thân thiện hơn với người khuyết tật nhưng các bạn vẫn thiếu sân chơi để phát huy khả năng của mình, cũng như sân chơi tạo cơ hội hoà nhập với cộng đồng.

Qua đây tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp đến các bạn khuyết tật: đằng nào cũng sinh ra thế rồi, cứ đau khổ sẽ không giải quyết được gì mà hãy nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan hơn thì điều tốt đẹp sẽ đến.

HÀ THANH – HUYỀN PHẠM thực hiện