05/11/2024

Chậm bồi thường: Nỗi đau kéo dài cho người bị oan

Từ vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén bị chậm bồi thường do bị oan sai, nhiều chuyên gia pháp lý đề nghị phải nâng tính chuyên nghiệp và quy định rạch ròi về vấn đề này.

 

Chậm bồi thường: Nỗi đau kéo dài cho người bị oan

Từ vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén bị chậm bồi thường do bị oan sai, nhiều chuyên gia pháp lý đề nghị phải nâng tính chuyên nghiệp và quy định rạch ròi về vấn đề này.

 

 

 

Chậm bồi thường: Nỗi đau kéo dài cho người bị oan

Theo các chuyên gia pháp lý, cần quy định thời hạn cụ thể để các cơ quan khẩn trương thanh toán tiền bồi thường cho người bị oan. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng nên chủ động xin lỗi, bồi thường cho người bị oan.

Phải quy định cụ thể về thời gian

Một cựu chánh án TAND TP.HCM cho rằng một số trường hợp đã có quyết định bồi thường nhưng người bị oan vẫn chậm được nhận tiền.

Đơn cử trong vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, mặc dù TAND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định về việc bồi thường cho ông Nén (ký ngày 16-1) nhưng đến nay ông Nén vẫn chưa nhận được tiền.

 

“Vậy là không được. Bộ Tư pháp có thể xem xét thêm việc này để quy định rõ thời hạn chi trả, như trong vòng 15 ngày kể từ ngày có quyết định bồi thường” – cựu chánh án nêu trên nói.

 

Tương tự, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng đề nghị phải có quy định về thời gian chi trả tiền bồi thường.

“Không gì có thể bù đắp được những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà người bị tù oan và gia đình phải nhận lãnh trong nhiều năm trời. Cho nên các cơ quan hữu quan đừng quá tính toán, cò kè với họ.

Theo đó, thời gian chi trả càng sớm càng tốt, tuyệt đối không được kéo dài. Trường hợp chậm chi trả thì phải trả lãi sòng phẳng” – luật sư Ly Tao lưu ý.

Nên chủ động bồi thường

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định người bị oan phải có yêu cầu mới được các cơ quan chức năng xem xét bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM), với các quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc với bản án, quyết định xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội… thì có nghĩa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã chính thức thừa nhận việc làm oan và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đồng tình quan điểm trên, một cựu thẩm phán TAND TP.HCM đặt vấn đề: “Tại sao các cơ quan này không chủ động xin lỗi, bồi thường mà phải đợi người bị oan nộp đơn yêu cầu?

Chưa kể các cơ quan này còn bắt người bị oan sai muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, mà cụ thể là phải có hoá đơn, chứng từ chứng minh bị thiệt hại một cách hợp lý mới được xem xét để bồi thường.

Khi người bị oan sai phải ngồi tù khiến gia đình, người thân của họ lâm vào cảnh khốn đốn thì lấy đâu ra điều kiện để chứng minh?”.

Cũng theo quy định hiện hành về bồi thường, người bị oan phải nộp đơn đề đạt nguyện vọng mới được cơ quan tố tụng giải quyết.

“Để thể hiện đúng nguyên tắc có sai có sửa nhằm góp phần hạn chế số trường hợp vì tắc trách, nóng vội, có hạn chế về năng lực mà gây oan sai, dự luật nên được xây dựng theo hướng các cơ quan tố tụng chủ động khắc phục thiệt hại với các thủ tục hành chính thật đơn giản.

Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ phải có thiện chí thương lượng bồi thường sớm, chấm dứt tình trạng người bị oan nhọc nhằn, mòn mỏi đi đòi quyền lợi hợp pháp của mình khiến uy tín của chính quyền bị ảnh hưởng theo” – luật sư Miền đề xuất.

TAND tỉnh Bình Thuận đang… chờ tiền

Ngày 27-4, TAND tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ Tài chính đã có văn bản bổ sung dự toán năm 2017 trên 10 tỉ đồng từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách trung ương năm 2017, đã được Quốc hội phê duyệt để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho người bị oan là ông Huỳnh Văn Nén.

TAND tỉnh Bình Thuận đã thông báo để ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thận (người được ông Nén uỷ quyền) được biết, khi có tiền trong tài khoản của TAND tỉnh Bình Thuận, cơ quan này sẽ chuyển vào tài khoản của người bị thiệt hại.

THÀNH NGUYÊN