29/11/2024

Bỗng dưng con… chửi thề

Con gái tôi đang học lớp 12 nhưng dạo này thi thoảng cháu lại nhầm lẫn, nói năng lẩm cẩm, nhớ cái nọ, quên cái kia như người có tuổi…

 

Bỗng dưng con… chửi thề

Con gái tôi đang học lớp 12 nhưng dạo này thi thoảng cháu lại nhầm lẫn, nói năng lẩm cẩm, nhớ cái nọ, quên cái kia như người có tuổi…

 

 

 

Bỗng dưng con... chửi thề

Hôm qua đi học về, khi xưng hô, con nhầm lẫn giữa cha và mẹ. Con kêu mất bình tĩnh vì cuối cấp có quá nhiều việc để lo. Cô giáo dặn dò thế này, con lại nói thế khác. Ngay cả việc đã nộp tiền học chưa, con cũng không chắc chắn.

Nhớ có hôm, tôi nhắn tin hỏi con: “Con ăn cơm chưa?”, thì giật mình khi con trả lời: “Con không biết nữa”. Những điều tương tự như thế xảy ra khá nhiều, liên tục khiến người mẹ như tôi hốt hoảng thực sự.

Điều đáng nói là bỗng dưng con chửi thề. Đó là chuyện tôi không chấp nhận được. Con bảo có lúc không làm chủ được lời mình nói, hay cáu bẳn với bạn bè, thậm chí con còn cãi lại với cả cô giáo (điều này từ trước đến nay chưa từng xảy ra).

Con hiếm khi được vui chơi, giải trí thực sự. Bữa ăn tối của con luôn vội vã bằng ổ bánh mì quen thuộc để kịp đến các lớp học thêm buổi tối. Cuối tuần của con vẫn học hành mải miết. Tôi nghĩ con là hình ảnh, là mẫu số chung của bao nhiêu đứa trẻ đang phải vật lộn với chuyện học.

Kể ra cũng đúng, một người bạn nói với tôi rằng: “Nếu không có định hướng cho con đi du học nước ngoài thì phải chấp nhận chuyện học căng thẳng như vậy thôi, biết trách ai. Nếu vừa học vừa chơi thì còn lâu mới theo kịp bạn bè. Học ở trong nước là vậy, chấp nhận đi”.

Càng ngày tôi càng cảm thấy con như trở thành một người khác. Con hay càm ràm về chuyện học. Lớp 12 rồi nhưng con tỏ ra khủng hoảng khi nghĩ đến chuyện thi cử, chọn ngành. Những đổi mới, cải cách khiến cho con không bắt nhịp kịp.

Có lúc tôi cảm thấy con như đang bị trầm cảm thực sự, bi quan khi nghĩ đến chuyện thi cử trong nay mai.

Nói thật là lúc này con đang rất lúng túng, phụ huynh như tôi cũng hoang mang. Tôi không thể đem kinh nghiệm thi cử thời của mình ra để khuyên con. Nhưng tôi chẳng thể làm ngơ khi con đang phải một mình đánh vật với lựa chọn con đường đi của mình. Tương lai của con, tôi đâu thể làm ngơ?

Dạo này con không ăn được cơm, hay thở dài, thoáng chốc lại kêu chán. Số lần con chửi thề nhiều hơn khiến tôi rất lo lắng. Sau đó con chỉ biết xin lỗi qua quýt rồi đâu lại vào đấy. Biết áp lực của con, tôi không thể răn đe, nặng lời được.

Con bảo là không có ước mơ gì, không thích ngành gì. Tại sao sắp sửa bước vào ngưỡng cửa đại học rồi mà con lại khan hiếm ước mơ như vậy? Tôi khuyên con nên thư giãn, vừa học vừa chơi. Con bảo không còn thời gian để nghỉ ngơi nữa rồi.

Nghỉ lễ, nghỉ tết đối với con không có nhiều ý nghĩa là vì thế. Khi mà điều đơn giản như giấc ngủ thật ngon sau một ngày, ăn một bữa tối bình yên chứ không phải những lo toan bài vở, xem một bộ phim hay thay vì phải cặm cụi bên bàn học đến 11h đêm, có những ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ ý nghĩa trở nên khó khăn thì tôi biết làm sao để xây đắp lý tưởng sống cho con?

Những câu hỏi ấy cứ nhảy múa trong đầu tôi mỗi khi nghĩ đến chuyện học của con. Tôi trộm nghĩ, con lĩnh hội kiến thức phải đi đôi với hạnh phúc, nếu như phải đánh đổi thời gian vui chơi, những bữa cơm ấm áp bên người thân để rồi cuối cùng con không thiết tha với ngành học nào, không biết học để làm gì, có đáng không?

KIM THOA (Hà Nội)