02/11/2024

Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ngày càng nhiều

Trong luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1.6 tới đây, có một nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm là quy định về quyền riêng tư của trẻ.

 

Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ngày càng nhiều

Trong luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1.6 tới đây, có một nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm là quy định về quyền riêng tư của trẻ.



Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ngày càng nhiều

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn luật gia Lê Thế Nhân (ảnh), Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes), xung quanh vấn đề này.
Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ngày càng nhiều - ảnh 1

Ảnh: Thảo Vân

Thưa ông, vì sao lại cần thiết phải bảo hộ quyền riêng tư của trẻ em?

Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản và là quyền bất khả xâm phạm của con người nói chung và của trẻ em nói riêng. Mỗi người sở hữu những quyền riêng tư của mình về hình ảnh, thông tin cá nhân, gia đình, các mối quan hệ, bí mật cuộc sống riêng tư, cuộc sống gia đình. Thời gian qua, việc xâm phạm quyền riêng tư của trẻ đang phổ biến. Hậu quả của việc bị xâm phạm quyền riêng tư là nạn nhân bị xáo trộn cuộc sống cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín; phải rời khỏi quê hương để tránh khủng hoảng, có nhiều trường hợp dẫn đến tự tử. Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, bởi vì các em thiếu năng lực tự bảo vệ.
Vậy quyền riêng tư được hiểu như thế nào, thưa ông?
Có thể nhận diện quyền riêng tư của trẻ như sau: Quyền bí mật thông tin (hình ảnh, thông tin nhận diện cá nhân, gia đình; tình trạng sức khoẻ, cảm xúc, gia đình, học tập, các mối quan hệ, nơi ở; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức lưu trữ, trao đổi thông tin khác); quyền bảo vệ và được pháp luật bảo vệ chống lại các hành vi thu thập, khai thác, sử dụng, công bố thông tin, can thiệp vào đời sống riêng tư của trẻ. Việc khai thác, sử dụng các thông tin thuộc về quyền riêng tư của trẻ để phục vụ quá trình điều tra, tố tụng phải được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ được quy định bởi pháp luật và không được tiết lộ thông tin khiến người khác có thể nhận diện trẻ có liên quan. Tất cả những hành vi khai thác, thu thập, sử dụng, công bố thông tin khác đều phải được sự đồng ý của cha mẹ/người giám hộ và trẻ em.
Cũng cần lưu ý rằng, việc bên thứ 3 chỉ được phép khai thác, sử dụng thông tin của trẻ sau khi có sự cho phép của cha mẹ/người giám hộ là một thủ tục nhằm đảm bảo quyền của trẻ, vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Cha mẹ/người giám hộ tránh việc ngộ nhận rằng mình có quyền sử dụng, can thiệp vào những gì thuộc về quyền riêng tư của con cái, hay của trẻ em do mình giám hộ.
Hiện tại một số nước đã đưa ra khuyến cáo, thậm chí là xử phạt nếu cha mẹ đưa ảnh con trên mạng xã hội. Còn ở VN nhiều người vẫn chưa nhận biết được mối nguy hiểm đến với con cái từ mạng xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngày nay, với sự tiện ích của internet, mỗi người thường có tài khoản của mình. Mạng xã hội trở thành một phương tiện và khi thông tin được đăng lên (nếu không cài đặt chế độ riêng tư) thì bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những thông tin đó. Việc công bố các thông tin riêng tư của cá nhân, gia đình (như hình ảnh các thành viên, nơi ở, nơi học tập, làm việc, vui chơi; tình trạng tâm lý, tình cảm, sức khoẻ, công việc, học tập, các mối quan hệ, thói quen…) trên các trang mạng xã hội luôn hàm chứa các nguy cơ mất an toàn không chỉ cho trẻ mà của cả gia đình.
Ví dụ, qua mạng xã hội của người mẹ, người ta biết được người con đang học ở trường nào, bố của con đang làm ở đâu, gia đình có bao nhiêu thành viên, ở đâu, hoàn cảnh như thế nào. Bằng một vài thao tác tìm kiếm, người ta có thể biết thời điểm nào là thích hợp để gây hại. Và khi người mẹ vô tình đăng dòng trạng thái “chồng thì đi công tác, con thì đứng chờ cổng trường mà công việc của mình vẫn chưa xong, thiệt là áp lực”. Dòng trạng thái này có thể giúp người có ý đồ xấu có cơ hội để đột nhập nhà, hay bắt cóc người con hoặc giả vờ bắt cóc tống tiền…
Việc cha mẹ tùy tiện đăng ảnh của con cái là một vi phạm ngày càng nhiều. Bất kỳ ai cũng có quyền về hình ảnh của mình. Những hình ảnh trẻ không mặc quần áo khi đăng lên sẽ dễ bị sử dụng cho các mục đích khiêu dâm. Hay những bức ảnh chụp những khoảnh khắc mà sau này khi lớn lên, trẻ cảm thấy xấu hổ đều có thể gây tổn thương đến trẻ. Cho dù luật Trẻ em chưa quy định cụ thể, nhưng trẻ em vẫn có quyền về hình ảnh theo bộ luật Dân sự. Và không ai có quyền sử dụng hình ảnh người khác một cách tùy tiện (kể cả cha mẹ sử dụng hình ảnh của con cái). Họ có thể bị khởi kiện, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, bồi thường, khắc phục hậu quả do việc sử dụng hình ảnh tuỳ tiện gây ra. Sử dụng hình ảnh trẻ vào mục đích khiêu dâm cũng bị bộ luật Hình sự hiện hành xem là tội phạm. Ví dụ: dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ trình diễn khiêu dâm qua live stream trên các trang mạng xã hội hay ứng dụng internet; ép buộc trẻ em trực tiếp chứng kiến hình ảnh khiêu dâm qua mạng.
Nhưng có ý kiến cho rằng quy định quyền riêng tư của trẻ sẽ khó khả thi bởi tâm lý người VN ngại kiện tụng, chưa kể vấn đề này còn rất mới lạ ở VN?
Quyền riêng tư có ý nghĩa trực tiếp bảo vệ đời sống hằng ngày của chúng ta. Quyền này góp phần giúp chúng ta bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, những bí mật của cuộc sống riêng tư và gia đình. Chẳng ai muốn người khác soi mói vào đời tư, đem cuộc sống riêng tư của mình ra bêu giữa xã hội. Mỗi người sống với cái quyền của họ. Có thể một số người chưa sử dụng quyền của họ vì những lý do nào đó và không phải vì thế mà không đảm bảo quyền của người khác. Kiện tụng là một trong những cách thức để đòi quyền và quyền riêng tư là điều hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải tới lúc đòi thì nó mới có. Cho nên, tính khả thi không nằm ở chỗ tâm lý ngại kiện tụng hay không, mà nằm ở chỗ nó đang là quyền của tất cả mọi người trên thế giới này.
Xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ngày càng nhiều - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Có hay không hình mẫu lý tưởng để giáo dục trẻ?

Tại buổi tọa đàm ’Cả làng cùng nuôi một đứa trẻ’ diễn ra sáng 11.3, nhiều chuyên gia giáo dục đã xoáy vào câu chuyện như thế nào là một hình mẫu lý tưởng, và có hình mẫu lý tưởng hay không trong việc giáo dục trẻ?
Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để luật Trẻ em đi vào cuộc sống và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng?
Bên cạnh việc xây dựng các chuẩn mực pháp lý phù hợp thì cần tăng cường vai trò của các bên liên quan. Trong đó, vai trò tự bảo vệ là rất quan trọng. Hơn ai hết, phụ huynh/người giám hộ/người lớn nên trang bị cho mình kiến thức bảo vệ trẻ; có quan điểm bảo vệ là lên tiếng vì lợi ích tốt nhất của trẻ và khi lên tiếng cần đúng cách, đúng chỗ và không đồng nghĩa công khai thông tin của trẻ.
Bản thân trẻ em cần trang bị các kiến thức về quyền của mình cũng như cách thức để đánh giá các rủi ro, tự bảo vệ, tìm kiếm các trợ giúp khi cần thiết. Một điều mà trẻ em và phụ huynh có thể làm ngay để bảo vệ bản thân và gia đình là: không cung cấp thông tin cá nhân, đời sống riêng tư và gia đình cho người lạ; hãy cân nhắc và thiết lập chế độ riêng tư khi đăng các thông tin này lên mạng xã hội.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần hành động tích cực hơn và phản hồi nhanh hơn cho các tình huống báo cáo vi phạm và xây dựng chuẩn mực cộng đồng của mình phù hợp với các giá trị nhân quyền phổ quát.

Thu Hằng (thực hiện)