29/11/2024

Bị con đánh, mẹ vẫn kêu cứu cho con

Câu chuyện hi hữu xảy ra trong vụ án cố ý gây thương tích mà bị cáo là Nguyễn Thiên Ân (37 tuổi) và bị hại là mẹ nuôi của Ân – bà Nguyễn Thị Thơm (73 tuổi).

 

Bị con đánh, mẹ vẫn kêu cứu cho con

 

Câu chuyện hi hữu xảy ra trong vụ án cố ý gây thương tích mà bị cáo là Nguyễn Thiên Ân (37 tuổi) và bị hại là mẹ nuôi của Ân – bà Nguyễn Thị Thơm (73 tuổi).

 

 

 

Bị con đánh, mẹ vẫn kêu cứu cho con
Bà Nguyễn Thị Thơm khóc khi kể về con – Ảnh: T.L.

Năm 1981, bà Thơm phát hiện Ân (6 tháng tuổi) bị bỏ rơi nên làm đơn xin ủy ban phường cho mình được nhận nuôi. Hai mẹ con sống với nhau tại căn nhà trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho đến nay.

Khoảng 1h sáng 17-2-2016, trong lúc Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy mở đèn đi vệ sinh. Ân bực tức nên đuổi theo đánh bà Thơm.

Bà chạy xuống đất mở được ổ khóa và để trên bàn. Lúc đó Ân lấy ổ khóa đánh nhiều cái vào đầu, vào mặt bà Thơm. Nghe tiếng kêu cứu, người dân xung quanh đã đến phá cửa đưa bà Thơm đi bệnh viện cấp cứu.

Gian nan xin giám định tâm thần

 

Trở về nhà sau hơn nửa tháng nằm viện, bà Thơm mới biết con mình đã bị bắt về hành vi đánh mẹ. Bà đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh xin bãi nại và bảo lãnh cho con về nhà chữa bệnh nhưng không được chấp thuận.

 

Bà Thơm bị thương tích 67%. Vì vậy, Ân bị truy tố về tội cố ý gây thương tích với khung hình phạt từ 5 – 15 năm tù.

Trước đó, Nguyễn Thiên Ân từng phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM với chẩn đoán bị rối loạn tâm thần, rối loạn chức năng não, bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký 
sinh trùng.

Tháng 7-2016, TAND Q.Bình Thạnh đã đưa vụ án ra xét xử nhưng bà Thơm đề nghị hoãn phiên tòa để giám định tâm thần cho bị cáo. TAND Q.Bình Thạnh quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung với nội dung giám định tâm thần đối với Ân.

Tuy nhiên, Viện KSND Q.Bình Thạnh cho rằng Ân được điều trị tâm thần ngoại trú vào tháng 2-2015, trong khi đó hành vi cố ý gây thương tích cho bà Thơm diễn ra sau thời điểm điều trị 1 năm. Vì vậy, việc giám định pháp y tâm thần đối với Ân là 
không cần thiết.

Viện KSND Q.Bình Thạnh giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển lại hồ sơ cho TAND Q.Bình Thạnh để xử lý theo thẩm quyền.

Bà Thơm lại tiếp tục đề nghị giám định tâm thần cho con trai. TAND Q.Bình Thạnh trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lần này, Viện KSND Q.Bình Thạnh mới chấp thuận trả hồ sơ để Công an Q.Bình Thạnh điều tra bổ sung.

Kết luận giám định vào tháng 2-2017 thể hiện Ân nghiện heroin từ năm 1995, nhiễm HIV, mắc bệnh lao và hàng loạt hội chứng như bị ảo thanh giả, suy giảm miễn dịch, lo âu, trầm cảm, ngủ kém, bi quan bệnh tật…

Trước, trong và sau ngày gây án, bị can bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy. Vào thời điểm gây án, bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị chi phối bởi ảo giác. Hiện nay vẫn bị hạn chế khả năng nhận thức.

Tâm thần, vẫn bị xét xử

Sau khi có kết quả giám định, Viện KSND Q.Bình Thạnh đã có văn bản gửi TAND Q.Bình Thạnh giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Ân.

Theo Viện KSND Q.Bình Thạnh, bị can Ân phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh (ma túy) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 14 
Bộ luật hình sự.

Trước đó, Ân đã phải lãnh án 3 năm tù vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Từ năm 2008 – 2012, Ân nhiều lần bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nhưng không thành công. Từ ngày nhận nuôi Ân, bà Thơm chịu nhiều đau khổ hơn hạnh phúc, rồi phải vướng vào vòng tố tụng với tư cách “bị hại”.

Bà lý giải cho những việc mình làm: “Nếu Ân là một kẻ côn đồ, không biết yêu thương mẹ, đánh đập mẹ lúc tỉnh táo thì dù có yêu thương con đến mấy, tôi sẽ không mù quáng mà bảo vệ con mình. Tôi biết con phạm tội trong trạng thái bị bệnh, không tỉnh táo. Gặp mẹ trong trại giam, Ân khóc xin lỗi tôi vì không nhớ gì cả, cũng không biết tại sao lại đánh mẹ…”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Vũ Ngọc Hoan (phó chánh án TAND Q.Bình Thạnh) cho biết: “Kết luận giám định cho thấy Ân bị rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích chứ không phải mắc bệnh tâm thần, vì vậy bị cáo vẫn bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng chất kích thích gây nên ảo giác không được xem là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét hành vi phạm tội của bị cáo”.

Ông Hoan cho biết bà Thơm bị thương tích 67%, trong trường hợp này việc khởi tố bị can không phụ thuộc vào yêu cầu của bị hại.

“Bà Thơm đã đến tòa nhiều lần để kêu cứu cho bị cáo. Chúng tôi hiểu tấm lòng của người mẹ nhưng vẫn phải xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bà Thơm có đơn xin bảo lãnh cho bị cáo về nhà chữa bệnh, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng để xem xét” – ông Hoan cho biết.

Phải đi chữa bệnh bắt buộc

Kết luận giám định pháp y tâm thần đối với Nguyễn Thiên Ân cho thấy hiện tại Ân bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tức là vẫn còn bệnh.

Căn cứ điều 13 Bộ luật hình sự, đối với người này phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Hiện tại hồ sơ vụ án đã chuyển qua tòa chờ ngày xét xử thì tòa án có thể tạm đình chỉ giải quyết vụ án và có quyết định đưa Nguyễn Thiên Ân đi chữa bệnh bắt buộc. Sau khi Ân khỏi bệnh sẽ giải quyết vụ án sau.

Hơn nữa trước khi bị tạm giam, Ân bị bệnh HIV đang điều trị thì cần phải được điều trị thường xuyên theo phác đồ, đây là vấn đề nhân đạo cần được xem xét thấu đáo hơn.

Luật sư LÊ PHƯỚC TRUNG

TÂM LỤA