29/11/2024

Khốn khổ vì bị đòi nợ… nhầm

Dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp thu hồi nợ phải tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều trường hợp bị quấy rối đến đêm khuya dù họ không phải là người vay.

 

Khốn khổ vì bị đòi nợ… nhầm 

Dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp thu hồi nợ phải tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều trường hợp bị quấy rối đến đêm khuya dù họ không phải là người vay.

 

 

 

Khốn khổ vì bị đòi nợ... nhầm 
Minh hoạ: DAD17

Anh Phan Tuấn Khánh (ngụ TP.HCM) cho biết từ tháng 1-2017 anh liên tục bị quấy rối bằng điện thoại.

“Nhân viên bộ phận quản lý nợ của Công ty FE Credit liên tục gọi vào số điện thoại di động của tôi. Họ gọi hằng ngày, có ngày gọi hai lần vào buổi sáng và chiều hỏi rằng tôi có liên quan hay biết người nào có tên là Bùi Thị Minh hay không.

Theo suy đoán của tôi, bà Minh là khách hàng của Công ty FE Credit, không trả được nợ và đã bỏ trốn không liên lạc được.

Dù tôi đã nhiều lần giải thích với nhân viên của Công ty FE Credit là tôi không quen biết người nào hay bạn bè hay người thân nào có tên như vậy nhưng họ không buông tha” – anh Khánh cho biết.

 

Không vay vẫn bị đòi nợ

Theo anh Khánh, từ ngày 18 đến 27-2 anh lại liên tiếp nhận được các cuộc gọi đòi nợ từ các số điện thoại khác nhau. Đặc điểm chung của các số điện thoại này là có cùng đầu số 098167…, gọi bất kể giờ giấc, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Ngày 28-2, một nam nhân viên xưng là người của Công ty FE Credit gọi đến cho anh Khánh vào lúc 11h48 từ số điện thoại 098167…

Vì muốn chấm dứt sự quấy rầy anh đã yêu cầu nam nhân viên này cho anh gặp người có thẩm quyền thì được hướng dẫn liên hệ với số điện thoại đường dây nóng để giải quyết.

“Anh này cũng cung cấp cho tôi số hợp đồng của bà Bùi Thị Minh và dặn tôi khi gọi được người trực đường dây nóng của Công ty FE Credit thì cho họ số hợp đồng và yêu cầu loại bỏ số điện thoại di động của tôi ra khỏi hồ sơ của bà Bùi Thị Minh.

Tôi đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên Công ty FE Credit, và một lần nữa tôi tưởng sự việc đã êm xuôi, nhưng ngày 1 và 2-3 tôi lại tiếp tục bị “giội bom” điện thoại để đòi nợ. Tôi không biết làm thế nào để thoát khỏi cảnh này” – anh Khánh bức xúc.

Trường hợp trên không phải là cá biệt. Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, một khách hàng tên Ân cũng cho biết không phải là tham chiếu người thân cho một người tên Mai Hữu Đạo nhưng liên tục bị làm phiền bởi các số điện thoại đòi nợ từ Công ty FE Credit.

“Điều vô lý là tôi mới sử dụng số điện thoại vào ngày 8-12-2015 nhưng hợp đồng vay mà ngân hàng đòi nợ đã ký từ ngày 1-7-2015. Tôi đã chịu đựng hai tháng nay là đủ rồi, yêu cầu công ty tài chính gỡ bỏ ngay số điện thoại của tôi ra khỏi hệ thống” – vị khách hàng này nói.

Có nhiều trường hợp cho biết họ bị đòi nợ từ cấp độ nhẹ đến xúc phạm, phản ảnh hoài mà công ty không xử lý.

Anh Sáng (Q.Bình Tân) cho biết một người bạn của anh vay tiền tại Công ty FE Credit đã lấy số điện thoại của anh làm số tham chiếu để công ty liên hệ trong trường hợp không liên lạc được người vay mà không được sự cho phép của anh.

Một thời gian sau người này không trả được nợ nên đã đổi số điện thoại. Từ đó trở đi nhân viên công ty liên tục khủng bố điện thoại của anh.

“Họ vừa gọi vừa nhắn tin với những lời lẽ tục tĩu rất khó nghe. Thậm chí còn nói tôi “giật tiền”. Bức xúc, tôi cho cả số điện thoại mới của người bạn đã vay công ty nhưng những nhân viên này buộc tôi có trách nhiệm phải liên hệ. Tôi không hiểu vì sao có chuyện như vậy” – anh Sáng bức xúc phản ảnh.

Tương tự, chị Phương (ngụ Q.Bình Tân) cũng bị nhân viên công ty này liên tục làm phiền, yêu cầu phải truy tìm ra người em bạn dâu vì cô này thiếu nợ công ty mà bỏ trốn không liên lạc được.

Đòi nợ sai người

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty FE Credit thừa nhận đã liên hệ đòi nợ sai người.

Theo đại diện công ty này, trong quá trình theo dõi khoản vay, các bộ phận thu nợ nội bộ của công ty bao gồm bộ phận nhắc nợ qua điện thoại đã không liên hệ được với người vay qua điện thoại.

Vì thế nhân viên công ty đã liên hệ các số điện thoại tham chiếu được ghi nhận trong hệ thống để tìm cách liên hệ, đôn đốc, nhắc nhở người vay thanh toán nợ theo đúng thoả thuận nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu.

“Tuy nhiên, trong quá trình liên hệ nhiều chủ số điện thoại cho biết không quen biết với người vay. Do vậy hiện chúng tôi đã cho loại bỏ hoàn toàn các số điện thoại tham chiếu trên ra khỏi hệ thống nhắc nợ và chấm dứt việc liên hệ nhắc nợ qua số điện thoại này.

Chúng tôi cũng sẽ liên hệ để xin lỗi khách hàng đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh các sai phạm liên quan và sẽ có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm.

Đồng thời công ty cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động thẩm định cũng như thu hồi nợ của mình trong thời gian tới” – vị đại diện này khẳng định.

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng xung quanh câu chuyện nhiều người phản ảnh bị đòi nợ sai này, có nhiều vấn đề cần đặt ra.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu qua xác minh cho thấy công ty tài chính liên hệ sai người thì cần xem lại công tác xác minh thông tin người vay như thế nào.

“Lẽ ra khi xét duyệt hồ sơ công ty tài chính phải liên hệ đến các số điện thoại tham chiếu xem có đúng là người thân của người vay hay không và họ có đồng ý cho phép công ty liên lạc trong trường hợp không liên hệ được người vay hay không” – ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng ở vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định rõ về vấn đề này vì thời gian qua số lượng người than phiền bị công ty tài chính khủng bố điện thoại để đòi nợ rất nhiều.

“Từ một người không đi vay bỗng dưng trong suốt thời gian dài họ phải chịu sự khủng bố về tinh thần, thậm chí bị đe doạ.

Do vậy Ngân hàng Nhà nước cần quy định phải có sự đồng ý của chủ số điện thoại bị lấy làm số tham chiếu và công ty tài chính phải có sự xác minh, tránh trường hợp người không liên quan bỗng chịu sự khủng bố tinh thần như thời gian qua.

Ngoài ra cơ quan chức năng nên cung cấp địa chỉ để người bị quấy rối điện thoại khiếu nại khi rơi vào những trường hợp trên” – ông Hiếu kiến nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư quy định cụ thể về vấn đề đòi nợ của công ty tài chính.

Trường hợp nào không vay mà bị quấy nhiễu điện thoại, thậm chí bị đe dọa như những trường hợp trên có thể phản ảnh về Ngân hàng Nhà nước TP để nơi này chấn chỉnh các công ty tài chính.

MINH THÀNH