23/01/2025

Nghỉ hưu non chưa chắc có lợi

Với sự thay đổi trong cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu, nhiều người lao động cho rằng nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-2018 sẽ có lợi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Cường, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) – Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng nghỉ hưu non chưa chắc có lợi.

 

Nghỉ hưu non chưa chắc có lợi

 Với sự thay đổi trong cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu, nhiều người lao động cho rằng nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-2018 sẽ có lợi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Cường, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) – Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng nghỉ hưu non chưa chắc có lợi.

 

 

 

Nghỉ hưu non chưa chắc có lợi
Người dân làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Duy Cường cho biết: “Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì những người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ có sự thay đổi trong cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt được tỉ lệ hưởng tối đa 75% từ 30 năm lên 35 năm đối với nam và từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ”.

* Cụ thể thay đổi này là như thế nào, thưa ông?

– Đối với lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì 16 năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Lao động nam nghỉ hưu ở các năm tiếp theo thì số năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng 45% của năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

* Với thay đổi này, người nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1-1-2018 sẽ có gì khác nhau? Liệu có người sẽ được lợi và sẽ có người bị thiệt thòi?

Nghỉ hưu non chưa chắc có lợi
Ông Nguyễn Duy Cường – Ảnh: V.D.

– Trước tiên phải khẳng định không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn và không phải cứ nghỉ hưu sau năm 2018 là thiệt hơn, tùy theo điều kiện thực tiễn của từng người lao động mà sẽ có sự lựa chọn khác nhau.

Với cách tính lương hưu nêu trên, đối với lao động nữ có thời gian đóng BHXH trên 30 năm sẽ không có sự khác nhau về tỉ lệ hưởng lương hưu của người nghỉ hưu năm 2017 hay 2018, đều được hưởng tối đa 75%, có chăng chỉ khác nhau về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương).

Đối với người có dưới 30 năm đóng BHXH, nghỉ hưu trước năm 2018 thì tỉ lệ hưởng lương hưu được tính cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 nếu có cùng thời gian đóng.

Tuy nhiên, mức lương hưu thực tế thì không chắc đã cao hơn vì nếu người lao động không nghỉ hưu sớm mà tiếp tục đóng BHXH thì khi nghỉ hưu sẽ có thời gian đóng BHXH dài hơn (tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn), cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng (mức lương cơ sở đối với khu vực nhà nước) và quy định tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2018 bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thì nền tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ cao hơn.

Tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn thì chắc chắn mức lương hưu của người lao động cũng sẽ cao hơn.

Mặt khác, đối với những người nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên) thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ phải trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu.

Nghỉ hưu non chưa chắc có lợi
Người dân làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Vụ BHXH cũng như cá nhân ông có lời khuyên gì đối với người lao động, khi hiện nay đang có một số người “chạy” làm hưu non?

– Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin người lao động “chạy” giám định y khoa để được nghỉ hưu sớm trước năm 2018.

Chúng tôi đề nghị người lao động cần cân nhắc thận trọng khi đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm vì không phải cứ nghỉ hưu trước năm 2018 là có lợi hơn và cũng không phải cứ nghỉ hưu sau năm 2018 là thiệt hơn như đã phân tích ở trên.

Người lao động nếu sức khoẻ thật sự yếu, không thể tiếp tục làm việc thì thực hiện khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để được về hưu trước tuổi quy định. Đây là quy định nhân văn áp dụng riêng cho những người lao động ốm đau, bệnh tật, sức khoẻ giảm sút không thể tiếp tục làm việc được.

Đối với người lao động còn đủ sức khoẻ tiếp tục làm việc, tham gia BHXH để tích luỹ thời gian đóng BHXH dài hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn, khi đủ điều kiện về tuổi đời thì sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Người lao động khi đi giám định mức suy giảm khả năng lao động liên hệ trực tiếp với hội đồng giám định y khoa; cần thận trọng, không thông qua các “cò mồi”, “môi giới” để tránh “tiền mất tật mang”.

Người lao động có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến chính sách BHXH, có thể liên hệ với cơ quan LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH nơi cư trú để được tư vấn, giải đáp kịp thời.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu rà soát việc “chạy giám định”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-4, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay theo quy định hiện hành, người lao động muốn nghỉ hưu sớm phải đến hội đồng giám định y khoa để đánh giá lại sức khoẻ, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì mới được nghỉ hưu sớm.

Những người có vấn đề về sức khỏe và có mong muốn được nghỉ hưu sớm có thể đến hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành để được xem xét đánh giá. Trường hợp người lao động chưa đồng thuận với kết quả giám định, có thể đi giám định lại tại hội đồng giám định y khoa trung ương.

Tuy nhiên, yêu cầu là người lao động làm việc ở tỉnh thành nào thì giám định ở tỉnh thành đó, các hồ sơ giám định ở địa phương khác nơi người lao động làm việc có thể không được xem xét.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về nghi ngờ “chạy giám định” để nghỉ hưu, vị này cho biết quy định hiện hành đã rõ ràng về các bệnh lý và tình trạng sức khoẻ khi xét giám định sức khoẻ. “Nếu ai làm sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm” – đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền – giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sáng 14-4 sở đã yêu cầu Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội khẩn trương rà soát, xem xét xem có tình trạng “chạy giám định” để nghỉ hưu sớm như phản ánh trên báo chí.

Ông Hiền cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện sai phạm.

L

ĐỨC BÌNH thực hiện