11/01/2025

Dạy con thời bận rộn

Không ít bậc cha mẹ bận bịu với công việc, nhiều khi 9 – 10 giờ đêm mới về nhà, vậy làm sao có thể nuôi dạy con tốt, giúp con tránh những cạm bẫy trong đời?

 

Dạy con thời bận rộn

Không ít bậc cha mẹ bận bịu với công việc, nhiều khi 9 – 10 giờ đêm mới về nhà, vậy làm sao có thể nuôi dạy con tốt, giúp con tránh những cạm bẫy trong đời?




Nuôi dạy con thành công là để cho con phát triển theo năng lực, nhu cầu và nguyện vọng của trẻ
 /// Ảnh: Shutterstock

 

Nuôi dạy con thành công là để cho con phát triển theo năng lực, nhu cầu và nguyện vọng của trẻẢNH: SHUTTERSTOCK

Vấn đề trên đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong buổi toạ đàm “Kỹ năng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức vào ngày 12.4.
Do đặc thù công việc, nhiều hôm chị Tô Thị Ngọc Thuỷ (Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.6, TP.HCM) thường trở về nhà khá muộn. Nhưng đã quen nếp, đứa con 6 tuổi của chị thường chờ mẹ về “kể chuyện nhau nghe” trước khi đi ngủ. Chị Thủy tâm tình: “Bận gì thì bận, hầu như hôm nào tôi cũng nói chuyện, hỏi han con đi học trên trường vui không, bạn bè thế nào… Khi con còn bé, mình tập thói quen như vậy để khi con lớn lên mới đồng hành cùng con được”.
Theo chị Thủy, không thể đổ thừa do hoàn cảnh này nọ mà giao hết việc dạy con cho nhà trường hay cho ai đó. Thay vào đó, cần uyển chuyển sắp xếp cân đối giữa công việc và gia đình đồng thời tranh thủ sự chia sẻ, hỗ trợ từ người thân. “Ăn thua là mình quan tâm, để ý sâu sát đến con, chứ không phải cho con vô trường để mong được nhẹ gánh. Mặt khác, vợ chồng cần thống nhất trong việc nuôi dạy con cái”, chị Thủy nói thêm.
Ban ngày làm công việc nhà nước, đêm về đi dạy yoga, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (Q.11) vẫn dành thời gian nhất định làm việc nhà và chăm sóc chồng con.
Chị kể: “Tranh thủ lúc nào có mặt trong gia đình, mình hỏi han, chia sẻ và làm bạn với con để định hướng cho con lối đi đúng. Đặc biệt, tôi luôn tập cho con ý thức là khi ra ngoài đời, con đại diện cho gia đình mình chứ không phải chỉ bản thân con nữa. Chính vì vậy, con tôi rất lễ phép và ứng xử tốt”.
Dạy con biết tự lập, biết chia sẻ việc nhà, tiết kiệm… là những kỹ năng được nhiều bà mẹ bận rộn chú ý, trong đó có chị Bảo Khanh (Ban Nữ Công đoàn ngành y tế TP.HCM).
Chị Khanh cho biết hằng ngày, con chị đã biết tự giác dọn cơm, ăn xong thì dọn chén bát, lau bàn, cũng như biết tự dọn dẹp phòng ở, thỉnh thoảng nấu ăn… Để mua các vật dụng ưng ý, cháu còn biết dành dụm và dùng sức lao động của mình để kiếm tiền một cách chính đáng trong gia đình.
Đúc kết kiến thức và kinh nghiệm làm mẹ, tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã mang đến cuộc toạ đàm những ý kiến thú vị về phương pháp giáo dục con ở lứa tuổi vị thành niên. Tiến sĩ Hạnh cho hay bà đã sớm tập cho con biết làm một số việc nhà và sau đó để cho con tự đến trường.
Theo bà, nuôi dạy con thành công là để cho con phát triển theo năng lực, nhu cầu và nguyện vọng của trẻ. Không tạo áp lực, không áp đặt ý kiến, tôn trọng trẻ và không nên so sánh con mình với con người khác. “Tôi không đòi hỏi con phải học trường chuyên, lớp chọn, mà để con học gần nhà, học theo đúng sở thích của nó. Cho nên dù thành tích của con không quá xuất sắc song con tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi nghĩ đó là thành công rồi”, tiến sĩ Hạnh khẳng định.
Nhiều chương trình chưa “chạm” đến lao động nữ ở trọ
Bà Đào Kim Yến, Trưởng ban Nữ công đoàn Tổng công ty thương mại Sài Gòn, nói: “Tôi thấy chúng ta tổ chức nhiều chương trình nhưng chưa chạm đến những lao động nữ ở trọ, xa gia đình.
Những người này phải gửi con về quê hoặc gửi con từ sáng đến chiều mới đưa con về và nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày đã cuốn hút họ. Do vậy, họ rất thiếu kiến thức, thông tin về nhiều vấn đề như kỹ năng bảo vệ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, vệ sinh an toàn thực phẩm… Tôi kiến nghị Liên đoàn Lao động TP cần có giải pháp tiếp cận, truyền đạt thông tin thực sự hiệu quả đến với những người này”.

 

Nguyễn Như