10/01/2025

Hạnh phúc vô thanh

Ở căn nhà ấy, không tiếng nói rộn rã. Hạnh phúc của họ được nâng niu bằng ánh mắt, động tác của đôi tay.

 

Hạnh phúc vô thanh

Ở căn nhà ấy, không tiếng nói rộn rã. Hạnh phúc của họ được nâng niu bằng ánh mắt, động tác của đôi tay.

 

 

 

Hạnh phúc vô thanh
Hạnh phúc của Tâm và Phương ngọt ngào như chiếc bánh họ làm ra – Ảnh: TRẦN MAI

Người ta gọi hạnh phúc của đôi vợ chồng câm điếc Trần Văn Tâm và Trần Thị Thanh Phương (cùng 23 tuổi, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là hạnh phúc vô thanh. Giữa những ồn ào náo nhiệt của chợ Mới (xã Tịnh Hà), tiệm bánh ngọt của Tâm và Phương thật yên tĩnh khi cả hai vợ chồng nói với nhau bằng đôi tay và ánh mắt để cùng hoàn thiện một chiếc bánh kem.

Lời thương 
không âm sắc

Trong cuộc trò chuyện được viết trên giấy, cả hai bảo rằng: Không phải Tâm và Phương gá ghép cuộc đời nhau tạm bợ mà do thật sự yêu thương nhau, muốn cùng nhau viết tiếp cuộc sống của mình hạnh phúc như bao người không khuyết tật khác.

Câu chuyện yêu của Tâm và Phương khiến nhiều người xúc động. Khi đôi bạn trẻ tuổi chịu nhiều khiếm khuyết cùng học tại Trường Giáo dục khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, những ánh nhìn đồng cảm đưa họ lại gần với nhau. “Hồi đó chúng tôi là đôi bạn thân cùng giúp đỡ nhau trong học tập”, Tâm viết.

 

Rồi những biến cố trong cuộc đời Phương đã làm cầu nối duyên số. Đó là khoảng thời gian Phương ngã quỵ khi người mẹ tần tảo đi phụ hồ kiếm tiền nuôi con đã qua đời trong một tai nạn lao động. Những ngày đó, Tâm luôn ở bên cạnh, động viên Phương vượt qua nỗi thương tổn quá lớn. Đôi tay Tâm gần như hoạt động hết công năng để có thể truyền được tinh thần cho Phương đứng dậy. “Nếu người bình thường nói với nhau một lời sẽ khiến người nghe hiểu thì chúng tôi phải khua tay liên tục. Tôi cố gắng để Phương hiểu rằng tôi cũng đau đớn khi hay tin ấy. Cô ấy không đơn độc mà luôn có tôi”, Tâm viết.

 

Thời gian trôi đi và nỗi đau vơi đi nhiều, Phương cảm nhận được người bạn bên cạnh mình bấy lâu nay có thể làm chỗ dựa cho mình dù họ không có bất kỳ một âm sắc nào gửi trao. Ngày họ rời mái trường, những rung động được tiếp thêm sức mạnh để đôi bạn trẻ đến với nhau khi thầy cô, bạn bè và người thân của cả hai chúc phúc. Một đám cưới diễn ra lặng lẽ. Khách đến chúc mừng phần đông cũng là những người không nói được. “Tôi thấy rất hạnh phúc khi ở cùng Tâm. Hai đứa có thể sống ổn định mà không phải nhờ vả vào người thân”, Phương viết.

Tiệm bánh ngọt tình yêu

Tổ ấm của cả hai là một tiệm bánh ngọt nho nhỏ. Ở tiệm bánh ấy cũng có biết bao cặp trai gái đến với nhau nhờ Tâm, Phương làm một chiếc bánh kem bé xinh trong ngày trọng đại của họ. Bà Hoa, hàng xóm, chia sẻ: “Hai đứa tuy khuyết tật nhưng rất có chí. Số phận cả hai bị khuyết nhưng cuộc sống lại tròn đầy yêu thương”.

Nhưng với Tâm và Phương, để tổ ấm nho nhỏ của mình yên bình, họ đã trải qua thời gian dài nỗ lực, cùng nhau mày mò học hỏi phương pháp làm bánh ngọt và trang trí trầu cau phục vụ tiệc cưới. Nhớ lại thời gian học nghề, Tâm chia sẻ đã gặp rất nhiều khó khăn, vì nhiều tiệm bánh không chịu nhận người khuyết tật. Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp từ một nghề mà mình yêu thích, Tâm kiên trì đi hỏi khắp các tiệm bánh ngọt và đã được một giáo viên trường nghề đồng ý tiếp nhận.

Tâm học nghề bằng cách quan sát thật tỉ mỉ và thực hành liên tục. Phần nào chưa hiểu, Tâm ghi chú lại, rồi lên YouTube xem hướng dẫn. Sau hơn một năm học nghề, được sự giúp đỡ của gia đình và tiền vay mượn, hai vợ chồng trẻ đã thực hiện được ước mơ mở tiệm bánh ngọt và phụ liệu trang trí hoa quả tiệc cưới.

Có được cái nghề trong tay, con dốc đầu tiên của cuộc sống hôn nhân đã qua, Tâm – Phương lại vượt tiếp một con dốc lớn hơn là làm sao có thể kinh doanh được. Khó khăn của người câm điếc nhiều khi đẩy cả hai vào ngõ cụt. Nhưng rồi đôi tay và ánh mắt họ truyền cho nhau giúp cả hai cố gắng vượt qua. Mỗi lần tiếp khách, cả hai phải viết vào giấy cho khách hiểu. Khi làm bánh xong cả hai đọc cẩn thận những góp ý, cả khen lẫn chê của khách qua giấy, tin nhắn để tự rút kinh nghiệm. Khách hàng thêm yêu quý đôi vợ chồng. Cả hai cũng không phụ lòng những người đã tin tưởng mình cho ngày trọng đại, tự tìm tòi công thức pha chế, chọn nguyên liệu để làm những chiếc bánh ngon, đẹp mắt.

Chia tay họ, chúng tôi thầm mong cả hai tiếp tục thực hiện được ước mơ của mình. Hạnh phúc đâu có xa vời khi trong đời chúng ta gặp được những tổ ấm đơn sơ như vậy.

Tiệm bánh yên lặng ở khu chợ ồn ào ấy thật bình yên như chính cuộc đời họ. Ở đó, cả hai viết ước mơ và dự định sắp tới trên trang giấy trắng rằng: Tiệm sẽ đông khách hơn để có thể nhận những bạn bè cùng hoàn cảnh như Tâm và Phương về cùng làm việc. Tâm bảo: “Mình mong tổ ấm này sẽ chắp cánh cho những người như tụi mình. Khi tiệm bánh ổn định hơn mình sẽ mời các bạn về cùng làm và học nghề làm bánh ngọt”.

TRẦN MAI