29/11/2024

​Chuyện tình vượt biên giới của ‘chị – em’ lệch nhau 11 tuổi

Anh là người Campuchia, năm nay 29 tuổi. Chị hơn anh 11 tuổi, đã ly hôn chồng và có hai con gái. Vượt qua những định kiến xã hội, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, họ nên duyên vợ chồng.

 

​Chuyện tình vượt biên giới của ‘chị – em’ lệch nhau 11 tuổi

Anh là người Campuchia, năm nay 29 tuổi. Chị hơn anh 11 tuổi, đã ly hôn chồng và có hai con gái. Vượt qua những định kiến xã hội, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, họ nên duyên vợ chồng.

 

 

 

​Chuyện tình vượt biên giới của 'chị - em' lệch nhau 11 tuổi
Gia đình hạnh phúc của Mai và Tola ở Phnom Penh – Ảnh: M.T.

Lúc mới quen Bun Tola, chúng tôi ngạc nhiên khi nghe anh bảo năm nay anh 29 tuổi nhưng đã có 3 đứa con. Con gái lớn 18 tuổi, đang học lớp 12, con trai út mới gần 1 tuổi.

Khi đã quen thân, Tola mới kể cho chúng tôi nghe chuyện của anh – một người đàn ông Campuchia đã dành tình yêu trọn vẹn cho người phụ nữ Việt Nam và hai con riêng của vợ.

“Chị ơi, em yêu chị…”

Sau khi cuộc hôn nhân với người chồng ở Việt Nam tan vỡ, chị Thạch Thị Thu Mai gửi hai con gái cho mẹ ở quê Trà Vinh rồi sang Campuchia làm ăn. Khi việc làm ăn không thuận lợi, chị về Việt Nam làm ăn.

 

Năm 2013, Mai lại sang Campuchia làm nhân viên bán hàng tại siêu thị miễn thuế gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tại đây, chị gặp anh Bun Tola – chàng trai người Campuchia vừa tốt nghiệp đại học kinh tế.

Hơn nhau 11 tuổi nên Tola gọi Mai là chị. “Bố mẹ Tola ly hôn, ai cũng có gia đình riêng. Thấy hoàn cảnh Tola giống các con, tôi lại càng thương Tola hơn như thương em trai của mình.” – Mai kể.

Mai có chiếc xe máy mang từ Việt Nam sang. Khi Tola bệnh, chị dùng xe ấy chở Tola đi bệnh viện, cho Tola vay tiền mua thuốc, ghé qua phòng nấu cháo cho Tola ăn trước giờ đi làm.

Sự cảm mến của Tola đối với người con gái hiền lành, chịu thương chịu khó đã chuyển sang tình yêu từ bao giờ chẳng rõ.

Đến khi Tola nói với bạn bè: “Em yêu chị Mai”, Mai nghe nói lại vẫn không dám tin đó là sự thật.

Tola đẹp trai, lại giỏi tiếng Anh nên có rất nhiều cô gái theo đuổi. Nhưng hễ cô nào mời đi chơi, Tola lại rủ Mai đi cùng. Đến khi không còn giấu được tình cảm của mình, Tola bày tỏ: “Em có cảm giác thương chị…”.

Hiểu được tình cảm ấy nhưng vì mặc cảm, Mai bảo: “Em thương chị như vậy không thấy xấu hổ sao? Chị từng có chồng, có hai đứa con, lại hơn em 11 tuổi”. Lúc ấy, Tola chỉ bảo: “Hạnh phúc của em chứ đâu phải hạnh phúc của người khác”.

Biết chuyện Mai quen người Campuchia kém mình 11 tuổi, gia đình chị ở quê ngăn cản. Mai đã dang dở một lần, mẹ chị sợ chàng trai ít tuổi, yêu đương nhất thời sẽ làm cuộc đời chị lận đận lần thứ hai.

Riêng Mai vừa tự ti về bản thân, lại thương hai con gái ở quê nhà. Sau khi chị ly hôn, các con chị thường bảo: “Mẹ đi lấy chồng thì con không ở với mẹ, không ở với ngoại, chúng con đi bụi đời”. Chính vì vậy mà 10 năm sau ngày ly hôn, Mai vẫn ở vậy nuôi các con.

Hiểu được những lo lắng ấy của Mai, Tola bảo: “Em không biết cuộc đời trước của chị ra sao, nhưng từ giờ em sẽ cùng chị nuôi các con”.

Tola làm được đồng nào đều đưa cho Mai giữ làm vốn và lo cho hai con ăn học. Các con Mai bây giờ đã lớn và hiểu chuyện hơn nên nói mẹ: “Người nào biết lo cho mẹ, biết thương mẹ thì mẹ cứ đồng ý…”.

Mai chấp nhận tình cảm của Tola khi chị hiểu anh không nhất thời, không bồng bột. Sau hai năm, hai người thuê một gian hàng ở chợ tại thủ đô Phnom Penh bán quần áo.

Lúc đầu, Tola sợ cha mẹ ngăn cản nên đã giấu chuyện tình cảm của mình với Mai.

Nhưng sau đó họ quyết định phải nói cho cha mẹ hiểu. Trái với lo lắng của hai người, cha mẹ thấy từ khi quen Mai, Tola đã biết tu chí làm ăn nên vun vào.

Hạnh phúc mới…

Ba năm sau ngày cưới, con trai Tola và Mai đã gần 1 tuổi. Từ một sạp hàng ngoài chợ, họ thuê sạp thứ hai. Những năm tháng vất vả ngược xuôi khiến ánh mắt của Mai rất buồn nhưng giờ đây nụ cười của chị luôn rạng rỡ.

Vợ chồng chị dành dụm tiền mua được căn hộ rộng rãi. Tola chờ con gái lớn của Mai hè này thi đại học xong, hai con sang Campuchia chơi mới tổ chức tân gia.

Anh nói với chúng tôi bằng vốn tiếng Việt ít ỏi: “Đợi các con của tôi sang mới tổ chức tiệc. Có con sang mới vui, con chưa sang thì không vui”.

Tola không thích vợ nhắc nhiều về quá khứ, anh bảo “chuyện xưa buồn quá”. Anh dặn vợ: “Hai con sang đây em cứ nói là con của anh, đừng nói với mọi người là con riêng của em”.

Anh bảo với chúng tôi: “Cả ba đứa con tôi đều thương như nhau”. Đó không phải là lời nói đầu môi khi Tola cùng vợ cố gắng dành dụm tiền gửi cho hai con ở Việt Nam ăn học.

Mỗi sáng, Tola chở vợ con ra chợ. Mai giữ con và trông cửa hàng. Mọi việc sắp xếp hàng, bán hàng, nhập hàng hoá, cơm nước cho vợ con… đều do một tay Tola lo liệu.

Những người phụ nữ Việt bán hàng ở chợ Olympic biết chuyện đều bảo sao Mai tốt số. Đối với Tola, vợ con được no đủ, vợ con vui là được, những chuyện khác chỉ là thứ yếu.

Suốt câu chuyện của mình, chị Mai nhiều lần bảo: “Tôi có phước lắm mới gặp được người chồng như Tola”.

Nhưng chúng tôi biết, “phước” ấy không phải tự dưng mà đến. Tola bảo anh yêu Mai vì trong những ngày khốn khó nhất, Mai luôn tìm được lối đi cho mình và biết nghĩ cho người khác.

Và người đàn ông ấy đã minh chứng một điều tình yêu của anh chẳng cần lý do, chỉ cần anh yêu và sống cho người phụ nữ của mình là đủ.

Sống với nhau rồi, chị càng yên tâm bởi mọi chuyện anh đều suy nghĩ thấu đáo, chuyện gì cũng nghĩ cho vợ con trước tiên.

Tola già trước tuổi, Mai thì nhỏ nhắn, trẻ trung so với tuổi 40 của mình. Nhìn vợ chồng họ hạnh phúc bên nhau, không ai có thể nghĩ được rằng họ cách xa nhau về tuổi tác!

TÂM LỤA