09/01/2025

Xâm hại tình dục trẻ em: Thương con, xin đừng che giấu!

Buổi trò chuyện An toàn cho con yêu: Im lặng hay lên tiếng? sáng 26-3 tại Đường sách TP.HCM thu hút đông đảo sự quan tâm của người nghe.

 

Xâm hại tình dục trẻ em: Thương con, xin đừng che giấu! 

Buổi trò chuyện An toàn cho con yêu: Im lặng hay lên tiếng? sáng 26-3 tại Đường sách TP.HCM thu hút đông đảo sự quan tâm của người nghe.

 

 

 

Xâm hại tình dục trẻ em: Thương con, xin đừng che giấu! 
Chị Uyên Bùi (trái) và TS Phạm Thị Thuý (giữa) – hai diễn giả của buổi giao lưu An toàn cho con yêu… – Ảnh: M.TRANG

Rất đông độc giả đưa con nhỏ đến, thậm chí có độc giả ở xa đã đón chuyến tàu đêm vào Sài Gòn để có mặt trong chương trình.

Chỉ trong thời gian ngắn, một số vụ việc xâm hại trẻ được phơi bày trên các phương tiện truyền thông đã khiến buổi trò chuyện nhận được sự quan tâm của phần lớn độc giả là phụ huynh đang có con nhỏ.

Theo TS Phạm Thị Thuý – người có thâm niên trong việc giáo dục tâm lý cho trẻ, câu chuyện còn đáng lo ngại hơn khi “đến 93% trường hợp trẻ bị xâm hại là do người thân, quen biết gây ra”.

“Mới 3 tuổi biết gì mà dạy!” là suy nghĩ quen thuộc của các bậc cha mẹ Việt khi nói đến việc dạy giới tính cho con. Câu chuyện chị Th mang ra để dẫn chứng vẫn còn nóng hổi khi mới được phát hiện gần đây.

Đó là việc camera ghi hình phòng ngủ của một lớp học mẫu giáo cho thấy một bé trai liên tục có những hành vi sờ soạng bạn gái cùng lớp trong khi bé gái đang ngủ. Chị nói mình “điếng người” bởi “cậu bé không chỉ làm một lần, mà lặp đi lặp lại tới 6-7 lần”.

Thế nên đối diện với những câu hỏi: “Sao bạn B (là con trai) có cái ấy mà con không có?”, chị Uyên Bùi (đồng tác giả quyển Để con được ốm với bác sĩ Trí Đoàn) – mẹ của cô bé Mật Ong, 5 tuổi – đã chọn cách nói chuyện giới tính với con hằng ngày theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

“Bạn nên nhớ những gì bạn né tránh, không dạy cho con thì người khác sẽ dạy con bạn. Và lúc ấy họ “dạy” chúng theo chiều hướng tốt hay xấu không còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn nữa” – chị Uyên Bùi nói.

“Dạy” ở đây, theo hai diễn giả, không có nghĩa là khi xã hội đang sôi sục lên án việc xâm hại trẻ em thì cha mẹ mới vào cuộc bằng những cấm đoán áp đặt, mà cần bắt đầu từ những bài học bé xíu khi tắm cho con.

Chị Uyên Bùi tâm sự: “Tôi dạy Mật Ong những vị trí trên cơ thể con tuyệt đối không được để người khác chạm vào. Với bé gái, bố chính là người khác giới đầu tiên và thân thiết để minh hoạ sự khác biệt giới tính, ngược lại con trai và mẹ cũng vậy”.

Một trong những điều khiến nguy cơ xâm hại tình dục ở trẻ em tại Việt Nam ngày càng nhiều là do nếp văn hóa từ giao tiếp với trẻ trong xã hội Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong khi cha mẹ nỗ lực dạy con cái cần biết tự vệ, nói không với những động chạm cơ thể mà con không thích, kể cả với những người ruột thịt thì văn hóa phải “phục tùng” người lớn của người Việt Nam vô tình chống lại điều này.

Đứa trẻ sẽ bị rầy la là không ngoan, thậm chí bị phạt khi không “cho chú ôm một cái, cho cô hôn một cái” hoặc được giải thích bằng những lý do “vì chú/cô/anh/chị yêu con, quý con nên mới làm thế” sẽ vô tình khiến trẻ mang tâm lý cam chịu, không dám chống cự.

Quay lại chủ đề chính của chương trình là nên im lặng hay lên tiếng khi con bị xâm hại, cả TS Thuý và chị Uyên Bùi đều cổ vũ cha mẹ hãy bỏ qua tâm lý che giấu, xấu hổ mà im lặng hay nói chuyện qua loa với con.

Cuối cùng, sau những phẫn nộ, oán giận, việc đòi lại lý lẽ công bằng cho con bằng luật pháp, bằng sự trừng trị đích đáng dành cho kẻ xấu là cần thiết.

Nhưng không quan trọng bằng việc gia đình hãy làm chỗ dựa, là gối êm vỗ về con sau những sang chấn tâm lý. Bởi nói như TS Phạm Thị Thuý, “những đau đớn ấy là không thể mô tả, không thể đo lường được và sẽ ám ảnh, đeo bám đứa trẻ”.

Chị Thuý nhấn mạnh: “Những nạn nhân phổ biến của nạn xâm hại ngoài các bé tự kỷ, thiểu năng, phần rất lớn là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương của gia đình. Vì vậy, cần dành cho con tình thương đi cùng với sự hiểu biết”.

Một trong những gợi ý nhỏ dành cho các bậc phụ huynh tham khảo thêm về cách trò chuyện, dạy con về tính dục là bộ sách 7 cuốn An toàn cho con yêu của tác giả Jayneen Sanders (do NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam phát hành). Theo chính các chuyên gia, việc đọc một vài cuốn sách về giới tính cho trẻ không bảo đảm cha mẹ sẽ có tất tật kiến thức để trẻ “miễn nhiễm” với vấn nạn xâm hại. Nhưng đọc để trang bị, để làm bạn, để hiểu con và 
thật sự lắng nghe cơ thể nhỏ bé của con chẳng bao giờ thừa.

MINH TRANG