09/01/2025

Luật tránh mù mờ, hạn chế ra thông tư

Việc Thủ tướng yêu cầu thu hồi 516 biển số 80A, 80B đã cấp cho xe của các doanh nghiệp, khẩn trương sửa thông tư 15 của Bộ Công an là một ví dụ cho thấy những kẽ hở trong xây dựng thể chế.

 

Luật tránh mù mờ, hạn chế ra thông tư

 Việc Thủ tướng yêu cầu thu hồi 516 biển số 80A, 80B đã cấp cho xe của các doanh nghiệp, khẩn trương sửa thông tư 15 của Bộ Công an là một ví dụ cho thấy những kẽ hở trong xây dựng thể chế.

 

 

Luật tránh mù mờ, hạn chế ra thông tư
Luật sư Lưu Bình Nhưỡng

“Phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nếu thông tư anh ký ban hành mà để xảy ra những hậu quả xấu cho đất nước thì anh phải chịu trách nhiệm, chứ không chỉ sửa là xong

TS Lưu Bình Nhưỡng

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trò chuyện với đại biểu Quốc hội, TS luật Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này.

Ông Nhưỡng nói: “Trước hết phải thấy rằng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là việc làm kịp thời, hợp lòng dân, giải quyết được bức xúc của dư luận, báo chí trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ việc Trịnh Xuân Thanh “mượn” xe tư nhân và gắn “biển xanh” vào để chạy.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Quốc phòng rà soát, báo cáo về việc cấp xe “biển đỏ” trong quân đội. Đây là một việc chứng tỏ Thủ tướng rất quyết tâm thực hiện lời hứa hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ liêm chính”.

* Nhìn ở khía cạnh lập pháp, ông có bình luận gì?

– Qua câu chuyện này, nhìn ở khía cạnh lập pháp thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Đây là một thông tư hướng dẫn một lĩnh vực quản lý nhà nước rất bình thường, nhưng khi thực hiện lại nảy sinh vấn đề phức tạp khiến dư luận hoài nghi, đồn đoán, thực tế gây bức xúc.

Rõ ràng việc cấp tới hơn nửa ngàn biển số 80A, 80B cho xe của DN thì đây là chuyện không hề nhỏ.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao một lĩnh vực hoàn toàn có thể quy định hết sức rõ ràng, cụ thể như vậy mà trong thông tư vẫn còn quy định “các trường hợp khác” và trao quyền cho lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt cấp loại biển số này?

Trước khi ban hành thông tư thì vai trò của cơ quan tham mưu của Bộ Công an như thế nào, vai trò “gác cổng” của Bộ Tư pháp ra sao và việc góp ý kiến của các bộ, ngành có liên quan nữa? Tại sao lại để “lọt lưới” một quy định tùy nghi như vậy?

Dư luận có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi: liệu có tiêu cực, chạy chọt hay không mà cấp cho DN số lượng lớn biển số khiến người ta nhầm lẫn là xe của cơ quan trung ương nhiều như vậy?

Sự hoài nghi, bức xúc cũng hoàn toàn có cơ sở khi không khó để nhận ra những siêu xe đắt tiền của DN thường đeo các biển số đẹp.

Phải chăng lấp ló đằng sau tình trạng này là một thứ quyền lực để những người thực thi công vụ đều ngại ngùng và phải “tạo điều kiện” cho những người ngồi trên những chiếc xe đó?

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần lưu ý các bộ, ngành khi xây dựng, đề xuất ban hành văn bản pháp luật không được “cài cắm” lợi ích cục bộ vào đó. Quốc hội cũng nhiều lần nhắc nhở chuyện bộ, ngành “đưa lợi ích riêng” vào các văn bản quy phạm pháp luật. Phải làm gì để chấm dứt tình trạng này?

– Tôi nghĩ việc bộ, ngành, cơ quan nào đó khi soạn thảo, đề xuất xây dựng thể chế mà muốn “cài cắm”, thậm chí lobby chính sách, giành cho lợi ích riêng của họ thì đây là chuyện rất bình thường.

Chưa nói đến tiêu cực thì trong quản lý, trong cuộc sống ai chẳng muốn giành thuận lợi, lợi ích tốt nhất về mình. Vấn đề đặt ra là cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát lợi ích thông qua quy trình, thủ tục ban hành văn bản đó như thế nào và được thực hiện ra sao.

Một khi xảy ra tình trạng nể nang, dễ bề cho qua hoặc nặng hơn là thông đồng, móc ngoặc trong việc ban hành chính sách thì hậu quả sẽ rất đáng sợ.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ, bộ, ngành có thẩm quyền ban hành thì vai trò “gác cổng”, thẩm định của Bộ Tư pháp là hết sức quan trọng.

Thời gian gần đây, tôi thấy các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét các dự thảo luật đều rất quan tâm tới vấn đề này, trên cơ sở yêu cầu tuân thủ theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong nhiều trường hợp, Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo luật (phần lớn các dự án luật do Chính phủ trình) khi trình dự án luật phải kèm theo các nghị định, văn bản hướng dẫn luật đó để Quốc hội xem xét, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của luật để “cài cắm” lợi ích riêng.

* Thưa ông, lập pháp là chức năng của Quốc hội, việc để Chính phủ, bộ, ngành phải ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật bằng các hình thức nghị định, thông tư… tức là Quốc hội đã ủy quyền lập pháp.

Ví dụ, Luật giao thông đường bộ trao quyền cho bộ trưởng Bộ Công an tổ chức đăng ký xe cơ giới, tức là Quốc hội đã ủy quyền cho cá nhân. Vậy Quốc hội có trách nhiệm gì trước tình trạng nêu trên?

– Việc này đúng là Quốc hội có trách nhiệm. Chính vì vậy, như tôi đã nói là gần đây Quốc hội rất quyết liệt, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có chỉ đạo cụ thể khi xem xét từng đạo luật phải hạn chế thấp nhất việc giao Chính phủ quy định, hướng dẫn.

Khi xem xét các nghị định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ là không nên để nhiều vấn đề cho các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn bởi làm vậy rất nguy hiểm.

Quốc hội là cơ quan quyền lực bởi nắm quyền lập pháp, nên muốn thực quyền thì Quốc hội phải ban hành các đạo luật thật tốt và không nên giao quyền lực của mình cho các chủ thể khác.

Cách tốt nhất là Quốc hội phải hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các “luật khung, luật ống” quy định chung chung, mà phải hướng đến ban hành các đạo luật với quy định cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng trực tiếp chứ không cần nghị định, thông tư hướng dẫn.

* Khi Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ hẳn hình thức thông tư bởi rất khó kiểm soát việc ban hành chúng, văn bản dưới luật chỉ nên có nghị định của Chính phủ, ông nghĩ sao?

– Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ chúng ta khó bỏ hẳn hình thức thông tư nhưng phải hạn chế đến mức tối đa việc ban hành thông tư.

Đồng thời yêu cầu các bộ khi ban hành thông tư chỉ được hướng dẫn các nội dung luật, nghị định cho phép và không được quy định thêm bất cứ chính sách, thủ tục nào, cũng như không được “đẻ” thêm quy định về quyền hạn của bộ, bộ trưởng.

Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường quyền tư pháp trong việc xem xét các văn bản pháp luật. Tòa án hoàn toàn có thể bác bỏ một thông tư, nghị định nếu chứng minh nó chứa các quy định trái luật, vi hiến.

LÊ KIÊN – V.V.TUÂN thực hiện