Công ty bảo vệ có được còng người?
Vụ một chủ trường ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị còng tay giữa sân trường do có liên quan đến việc làm thủ tục phá sản đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về quyền hạn của quản tài viên và các công ty bảo vệ.
VỤ CHỦ TRƯỜNG HỌC BỊ TOÀ CHO PHÁ SẢN:
Công ty bảo vệ có được còng người?
Vụ một chủ trường ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị còng tay giữa sân trường do có liên quan đến việc làm thủ tục phá sản đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về quyền hạn của quản tài viên và các công ty bảo vệ.
Hình ảnh bà Đoàn Thị Dung bị còng tay – Ảnh trên Facebook |
Theo các hình ảnh, clip trên mạng xã hội, chiều 23-3 bà Đoàn Thị Dung, giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên và là chủ trường Trường mầm non và Trường tiểu học Thanh Nguyên (P.Xuân An, TP Phan Thiết), đã bị một số bảo vệ gí súng uy hiếp và còng tay.
Sự việc xảy ra khiến giáo viên và hàng trăm học sinh lo lắng, sợ hãi.
Thi hành án khi trường đang hoạt động
Ngày 18-1, TAND TP Phan Thiết ra quyết định tuyên bố phá sản đối với Công ty Thanh Nguyên do mất khả năng thanh toán các khoản nợ.
Đến ngày 9-2, Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết ra quyết định thi hành án chủ động cho quản tài viên thuộc Công ty luật Bảo Ngọc (Q.Ba Đình, Hà Nội) thực hiện việc thanh lý tài sản và phân chia giá trị tài sản cho các chủ nợ.
Đến ngày 16-2, Phòng GD-ĐT TP Phan Thiết gửi văn bản cho chủ nợ lớn nhất của Công ty Thanh Nguyên là ông N.Đ.Q. hướng dẫn ông Q. chuyển học sinh từ Trường Thanh Nguyên sang 2 trường Lê Quý Đôn.
“Họ ra các quyết định chuyển học sinh của trường tôi đi trường khác trong khi chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, không hay biết gì cả” – bà Dung bức xúc.
Ngày 9-3, bà Dung gửi đơn đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản vì cho rằng TAND TP Phan Thiết vi phạm thủ tục tố tụng, công ty không chấp nhận nợ của chủ nợ lớn nhất với số tiền trên 120 tỉ đồng.
Hơn nữa công ty đang chờ tòa án cấp trên giải quyết nên chưa thanh toán nợ chứ không phải do mất khả năng thanh toán.
Chiều 23-3, quản tài viên tổ chức lực lượng kiểm kê tài sản tại Trường Thanh Nguyên khi các học sinh vẫn đang học trong trường. Bà Dung đã có hành động phản đối nên bị bảo vệ thuộc lực lượng đi kiểm kê tài sản rút súng uy hiếp và còng tay.
Công an sau đó đã đến hiện trường vãn hồi trật tự và bà Dung được tháo còng ra.
Sử dụng súng, còng phải có giấy phép
Điều 16 Luật phá sản 2014 cho phép quản tài viên quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo đó, quản tài viên được quyền thuê cá nhân, tổ chức (trong trường hợp trên là một công ty bảo vệ) thực hiện công việc theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ cách xuất hiện và một số hành vi như đã nêu của các nhân viên bảo vệ, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng có một số nội dung liên quan cần được các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét thêm để có cách thức xử lý phù hợp.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến về thời gian, cách thức xử lý tài sản: “Do người có nghĩa vụ trả nợ rất dễ phản ứng nên việc niêm phong, thanh lý… tài sản cần được xử lý chặt chẽ để giảm thiểu xung đột.
Trong trường hợp này, lẽ ra không nên chọn thời điểm có các lớp học và sự xuất hiện hay cách hành xử của lực lượng bảo vệ cũng phải được tính toán, kiểm soát kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên, phụ huynh”.
Về việc bảo vệ sử dụng súng và còng để trấn áp bà Dung, luật sư Ly Tao đặt vấn đề: “Theo thông tư 45/2009 của Bộ Công an, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ là gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện.
Việc mua, sử dụng các công cụ hỗ trợ này phải có giấy phép mua, sử dụng của cơ quan công an có thẩm quyền. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ công cụ hỗ trợ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của doanh nghiệp mình.
Với hai công cụ hỗ trợ là súng và chiếc còng đã dùng, công ty bảo vệ trên phải có đủ các giấy phép mới được sử dụng”.
Có dấu hiệu lạm quyền
Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) lưu ý: “Cần phải xác định được trách nhiệm cụ thể của công ty bảo vệ và của quản tài viên trong vụ việc bằng cách xem lại hợp đồng thuê người của quản tài viên.
Theo hợp đồng đó thì công ty bảo vệ có nhiệm vụ cụ thể gì (bảo vệ người, tài sản hay cả hai) mà các nhân viên bảo vệ lại có những hành xử thiếu chuẩn mực với chủ trường”.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, việc sử dụng súng và còng của các nhân viên bảo vệ cũng phải được xác định rõ đúng, sai. Bởi lẽ, theo pháp lệnh 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thi hành công vụ thì công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng trong các trường hợp như người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; người bị giam giữ, bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn…
“Đối chiếu quy định này thì việc bảo vệ rút súng thị uy, còng tay… đã vượt giới hạn cho phép” – luật sư Hùng phân tích.
Về mức chế tài đối với hành vi này, luật sư Hùng cho biết theo điều 10 nghị định 167/2013, việc sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép có thể bị phạt từ 2-4 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước giấy phép về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ từ 9-12 tháng hoặc tịch thu phương tiện vi phạm.
Tạo điều kiện cho Trường Thanh Nguyên hoạt động đến hết năm học UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Công an tỉnh kiểm tra, xác minh sự việc diễn ra tại Trường mầm non Thanh Nguyên vào chiều 23-3, đánh giá mức độ đúng sai của sự việc để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết khi thực hiện thi hành án phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Đồng thời phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh Trường Thanh Nguyên, tạo điều kiện để nhà trường và học sinh hoàn thành nội dung chương trình năm học 2016-2017. |
Nhiệm vụ của quản tài viên Nghề quản tài viên được quy định trong Luật phá sản 2014. Để thủ tục phá sản được thực hiện nhanh gọn, quản tài viên được làm nhiệm vụ xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, tẩu tán tài sản… |
Chiều 23-3, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết cho biết do bà Dung đòi tự thiêu nên các bảo vệ tham gia lực lượng kiểm kê tài sản mới ngăn chặn để tránh sự việc xảy ra thiệt hại. Về quy trình xử lý nợ đối với Công ty Thanh Nguyên, hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cơ quan công an làm rõ, Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết chỉ thực hiện nhiệm vụ theo trình tự pháp luật. |