10/01/2025

Ngăn cản thăm con sau ly hôn: Vi phạm luật, xâm phạm quyền trẻ em!

Trong đơn gửi Báo Thanh Niên, bạn đọc H.T.D (Q.4, TP.HCM) viết: “Tôi và chồng đã ly hôn. Hai con tôi để lại cho chồng nuôi theo bản án của toà. Nhưng tôi rất khổ tâm vì chồng ngăn cấm không cho tôi thăm con”…

 

Ngăn cản thăm con sau ly hôn: Vi phạm luật, xâm phạm quyền trẻ em!

 

Trong đơn gửi Báo Thanh Niên, bạn đọc H.T.D (Q.4, TP.HCM) viết: “Tôi và chồng đã ly hôn. Hai con tôi để lại cho chồng nuôi theo bản án của toà. Nhưng tôi rất khổ tâm vì chồng ngăn cấm không cho tôi thăm con”…




Minh họa: DAD

Minh hoạ: DAD

Cấm tiệt!
Chị H.T.D kể: “Vợ chồng cưới nhau và sinh được hai con, con trai sinh năm 2010, con gái năm 2011, gia đình tưởng như rất hạnh phúc. Thế rồi mọi chuyện đổ vỡ nên tôi ly hôn. Mấy chị chồng cũng khuyên tôi nên rời xa anh ấy, hai con để lại mấy chị sẽ nuôi giúp bởi tôi không nghề nghiệp, nuôi một trong hai con sẽ rất khó khăn. Sau đó, tôi trở về nhà cha mẹ ruột sinh sống, lòng lúc nào cũng nhớ con. 
Vậy mà mỗi khi thăm, chăm sóc con tôi lại gặp vô vàn khó khăn bởi anh ấy ngăn cấm. Mỗi lần như vậy, tôi phải lén lút như kẻ trộm, vì nếu anh ấy biết được sẽ về đánh các con. Anh ấy tìm đủ cách để nói xấu tôi với con khiến tình cảm mẹ con ngày càng xa cách”.
Còn anh N.H.Đ, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, luôn rơi vào tâm trạng u uất, buồn rầu. Anh Đ. kể: “Cưới nhau được 6 năm, hai vợ chồng sinh được hai con trai. Do công việc bấp bênh nên vợ chồng hay cãi nhau. Vợ tôi vốn là con gái cưng nên ba mẹ vợ ẵm hai cháu về nhà chăm sóc rồi xúi vợ tôi ly hôn. Từ đó, ba mẹ vợ cấm cửa, không cho tôi thăm con. Dù đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng cũng chỉ vận động, hòa giải, ba mẹ vợ có hứa sẽ cho tôi thăm con nhưng rồi vẫn thế, tôi không bao giờ được gặp con, nếu có cũng chỉ đứng nhìn từ xa”.
 
 
Khi có đủ chứng cứ về hành vi cản trở thăm con của cha mẹ hay ông bà…,người bị cản trở có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án hoặc công an nhờ can thiệp. Tùy vào mức độ, cơ quan công an có thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người cố tình cản trở. Trong trường hợp có đủ chứng cứ về việc cha hoặc mẹ nói xấu, xúc phạm mẹ hoặc cha trước mặt con sau khi cha mẹ ly hôn thì người bị xúc phạm có thể khởi kiện, yêu cầu chấm dứt hành vi, buộc xin lỗi công khai hoặc bồi thường. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị ngăn cản thăm nom chăm sóc giáo dục con chung và có đủ chứng cứ chứng minh sự ngăn cản này ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con chung thì có quyền gửi đơn đến tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. (Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh - Đoàn luật sư TP.HCM)

 

Những trường hợp như anh Đ., chị D. không phải hiếm trong xã hội hiện nay. Có rất nhiều lý do mà cha hoặc mẹ đang nuôi con ngăn cản việc thăm con. Rốt cuộc, do người lớn không ưa nhau mà tước đi quyền được gặp cha mẹ của đứa trẻ.

Con là nạn nhân
Ở khía cạnh pháp lý, theo luật sư Ngô Thái Tùng Thư, Đoàn luật sư TP.HCM, luật Hôn nhân gia đình, luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều có các quy định bảo vệ quyền được chăm sóc của cha mẹ đối với trẻ, quyền được thăm nuôi con của cha hoặc mẹ sau khi ly hôn.
Trong bản án ly hôn của tòa cũng luôn có câu: “Không ai được ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung”. Vì vậy, hành vi cản trở quyền thăm con là vi phạm pháp luật và luật cũng quy định các chế tài đối với hành vi này. Nhưng trên thực tế rất khó để xác định và xử lý hành vi cản trở quyền thăm nuôi.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, Uỷ viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, chia sẻ: “Thông thường, ly hôn luôn đi liền với mâu thuẫn vợ chồng đã lên đến cao trào. Do đó, vì sự ích kỷ cá nhân mà nhiều người đã “tẩy chay” vợ hoặc chồng, cấm tiệt chuyện đến thăm con cái. Điều này chỉ thỏa mãn cái tôi ích kỷ, nhưng hậu quả thì con trẻ phải nhận lãnh. Ở khía cạnh tâm lý, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên mà thiếu sự chăm sóc của cha hoặc mẹ sẽ dễ bị khiếm khuyết trong phát triển nhân cách. Sự hoàn hảo nhất dành cho trẻ vẫn là việc chăm sóc của cả cha lẫn mẹ dù họ đã ly hôn”.
“Vì mục đích chung là sự phát triển nhân cách của trẻ, cha hoặc mẹ đang nuôi dưỡng con hãy học cách giảm nhiệt độ mâu thuẫn để con được gặp gỡ, tiếp xúc cha hoặc mẹ sau khi cha mẹ ly hôn”, thạc sĩ Đào Lê Hoà An khuyên nhủ.

Thanh Đông