01/11/2024

Ai là người bảo vệ con tốt nhất?

“Ai là người bảo vệ con tốt nhất, ở bên con bất kỳ lúc nào?” – câu hỏi được nêu ra và tất cả các bé đều giơ thẳng tay xin trả lời. “Ba mẹ” – Có chắc không nhỉ?

 

Ai là người bảo vệ con tốt nhất? 

 “Ai là người bảo vệ con tốt nhất, ở bên con bất kỳ lúc nào?” – câu hỏi được nêu ra và tất cả các bé đều giơ thẳng tay xin trả lời. “Ba mẹ” – Có chắc không nhỉ? 

 

 

 

Ai là người bảo vệ con tốt nhất? 
Cô Nguyễn Thu Hà hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho các em học sinh Trường tiểu học Phú Thọ Hoà (Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

“Bạn bè” – Con tin như vậy không? Không tin lắm à. “Là chính con” – Đúng rồi, con phải biết tự bảo vệ mình…

Trong những ngày mà tin tức về các vụ ấu dâm xuất hiện liên tục, nóng bỏng sự phẫn nộ, đẫm nước mắt xót xa này, ngồi theo dõi một tiết học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em ở một lớp tiểu học là một cảm giác đặc biệt, dù đây đã là tiết học xếp số thứ tự trên 1.000 mà nhóm Đẹp do TS Lê Thị Linh Trang khởi xướng mang đến các trường tiểu học trong 
TP.HCM ba năm qua.

Xâm hại là gì?

“Ý thức được việc bản thân thầy cô hay cha mẹ cũng chưa chắc đã có thể bảo vệ tốt nhất cho con em mình, chúng tôi đã lồng ghép nội dung về các nguy cơ, cách phòng tránh, phản ứng vào các tiết học, buổi chào cờ để dạy các bé.

Nay nghe có nhóm thầy cô dạy kỹ năng này chuyên nghiệp nên mời về để các con được khắc sâu thêm thành phản xạ…” – cô Đỗ Ngọc Đào, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, giải thích khi ngồi dự khán tiết học.

Phía trên, các em bé 10 tuổi học lớp 4 cười giòn, xòe tay bịt mắt khi màn hình hiện lên bức ảnh hướng dẫn “những vùng riêng tư” trên thân thể. “Sao con bịt mắt?”. “Xấu lắm”, cô bé hồn nhiên trả lời.

“Không, không phải xấu, mà đây là vùng mà con phải tuyệt đối bảo vệ trên cơ thể mình, không ai được phép chạm vào. Ba mẹ, bác sĩ khi chăm sóc, khám bệnh cho con cũng phải giải thích và có sự đồng ý của con. Người khác chạm vào là không an toàn, các con nhớ nha” – thầy Võ Minh Thành căn dặn.

Cô bé lưỡng lự rồi gật đầu, bài học đơn giản này với các em vẫn dường như hơi khó.

“Các con có biết những nguy cơ nào đe doạ mình không?” – cô Nguyễn Trang Nhung đặt câu hỏi. “Dạ biết”. “Là gì?”. “Bị bắt cóc”. “Gì nữa?”. “Bị giật đồ”. “Còn gì nữa không?”. “Bị xâm hại”.

“Xâm hại là gì?”. Cô bé nói thầm vào tai cô giáo: “Là bị sờ mó vào vùng nhạy cảm”. Cô gật đầu: “Đúng rồi. Các con phải học cách tự bảo vệ mình nha. Bị xâm hại, các con sẽ bị đau, sẽ mất niềm vui, sẽ không muốn đi học, sẽ mất tương lai…”.

Tập biết nói “Không”

Bộ phim Bạn cần biết nói Không với hai nhân vật rối Bông và Bo làm dịu lại căng thẳng. Nói “Không” khi bị dụ dỗ, nói “Không” khi bị đụng chạm, nói “Không” khi bị đe dọa… Có lẽ cha mẹ nào cũng đã dạy con từ rất lâu, nhưng ai là người cần phải cảnh giác thì tất cả các bé đều khó tìm ra câu trả lời.

“Là người lạ, là người xấu”, bé nào cũng trả lời như vậy. Tự cô giáo phải đưa ra đáp án: “Ai cũng có thể là người xâm hại các con, kể cả những người thân, các con nhớ nha”. Các cô cậu bé gật gật đầu, nhưng trong những ánh mắt hồn nhiên lộ rõ sự băn khoăn.

Cô Nguyễn Thu Hà cố gắng khắc sâu hơn bài học này bằng một hoạt cảnh. Mời hai em lên phía trước, cô cố gắng chiêu dụ em trai về nhà mình bằng bữa ăn gà rán, hứa hẹn cho chơi game với con trai mình, hứa chở đi công viên, cậu bé vẫn lắc đầu.

Cô bé lớp trưởng được bảo lên cô đưa về nhà lấy sổ chủ nhiệm cho cô giáo, cô bé cũng lắc đầu. Nhưng cuối cùng hai cô cậu bé “sụp bẫy” khi nghe bảo: “Các con có thích lấy quà không, con chọn đi”.

Mỗi em một món quà vui vẻ mang về và cả lớp được cô nhắc lại: “Lẽ ra con chỉ nên nhận quà khi nghe nói: “Con đã trả lời đúng, con được thưởng quà”. Còn nhận khi được hỏi “có thích không” tức là con đã bị dụ dỗ”.

“Tự bảo vệ”, “Nguyên tắc đồ lót”, “Nguyên tắc năm ngón tay”, “Kêu thật to và chạy thật nhanh”… – những thông điệp được nhắc lại một lần nữa trước khi các cô cậu bé về lớp, tung tăng trong sân trường giờ ra chơi.

“Con nhớ những gì mới được học chưa?”, tôi hỏi một em học sinh. “Dạ nhớ”, cô bé trả lời. “Con sẽ thực hiện như vậy chứ?”. “Dạ có”, em ngoan ngoãn đáp rồi quay lại trò chơi của mình với nhóm bạn, ánh mắt trong veo niềm tin tưởng vào một người lạ…

Ai là người bảo vệ con tốt nhất? 
Cô Nguyễn Trang Nhung hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho các em học sinh Trường tiểu học Phú Thọ Hoà (Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Còn những cách nào nữa?

Trở lại phòng giáo viên, các cô giáo lại đang xoay quanh những bản “tin tức ngực” mới được cập nhật. Hành trình đòi công bằng cho con của bà mẹ ở Thủ Đức, ở Cà Mau vẫn còn đẫm nước mắt bế tắc. “Mới phát hiện thêm một em bé 4 tuổi bị sàm sỡ…”, 
một người đọc lên.

Cô Thu Hà đã phải nhăn mặt đau xót: “4 tuổi, làm sao bé có thể tự bảo vệ kia chứ, người lớn chúng ta phải đề cao cảnh giác trước cho con mình”.

Cô kể chuyện mình: là giảng viên môn kinh tế, từ ngày sinh con gái, cô bắt đầu quan tâm đến những bản tin, con số thống kê về nạn dâm ô trẻ em không kém gì các biến động thị trường hay chính sách với môi 
trường kinh doanh.

“Quan tâm sinh ra lo lắng, và tôi theo cô Linh Trang trong các buổi tập huấn trước hết là học cho mình và con mình. Rồi nghĩ bao nhiêu đứa trẻ khác cũng như con mình, chưa thể biết được những nguy cơ rình rập chúng, bao nhiêu phụ huynh khác cũng như mình, không thể nghĩ được có chuyện gì xấu có thể đến với con, thế là tôi tham gia đội Đẹp, đến các trường dạy cho các con… Bé nào nhìn cũng như con mình” – cô Thu Hà tâm sự.

Phải thành phản xạ

Buổi tập huấn gói gọn trong một tiết học, được thiết kế với phim hoạt hình, hỗ trợ bởi những câu hỏi gợi mở, những quà thưởng, những trận cười, những tràng vỗ tay nhưng chắc chắn vẫn là quá sức với các cô cậu bé tiểu học.

“Phải lặp lại hằng ngày để hình thành phản xạ”, cô Hà nhấn mạnh. Cô đã lặp đi lặp lại những bài học đơn giản cho con gái bé bỏng của mình. “Chúng tôi đang nghĩ đến việc mời các vị phụ huynh đến dự lớp”, cô Đào trầm ngâm.

Những video phổ biến kiến thức về các hình thức báo động: Nhìn, Nói, Chạm, Ôm, Bắt cóc cho trẻ em, người lớn của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đang được lan truyền trên mạng xã hội những ngày này là một nỗ lực. Lớp học này là một nỗ lực.

Lớp học được các thầy cô ghi vào sổ: “Tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”, bộ phim được chiếu mang tên Bạn cần biết nói Không, nhưng mấy cô bé mà tôi hỏi chỉ trả lời đơn giản: “Thầy cô dạy con cách tự bảo vệ mình”.

Tất nhiên, người lớn càng phải tìm ra nhiều hơn nữa những cách bảo vệ các em.

7 luật, 12 thông tư bảo vệ trẻ, nhưng tội phạm vẫn bị bỏ sót

Theo thống kê tại cuộc họp được Bộ Lao động – thương binh và xã hội tổ chức ngày 18-3 về bàn các giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em, hiện có tới 7 đạo luật gồm Hiến pháp 2013, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, và đặc biệt có Luật trẻ em năm 2016, cùng 12 quyết định, thông tư, chỉ thị để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực và xâm hại.

Tuy nhiên quy định trong gần 20 luật và quyết định, thông tư này chưa rõ thế nào là xâm hại, là dâm ô trẻ em, nên vẫn có nhiều tội phạm bị bỏ sót, nhiều vụ 
xâm hại trẻ bị chậm xử lý.

Theo thông tin từ C45 Bộ Công an, thống kê trong 3 năm gần đây nạn xâm hại tình dục trẻ em có giảm về số vụ, năm 2014 là 1.544 vụ, 2015 là 1.360 vụ, 2016 là 1.248 vụ, nhưng lại tăng về tính phức tạp và số nạn nhân là trẻ dưới 6 tuổi.

Đại diện C45 cho hay 6-7 vụ xâm hại trẻ em đang nóng gần đây như vụ xảy ra tại Phú Thọ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ Đức (TP.HCM), Hoàng Mai (Hà Nội), Cà Mau… cơ quan công an đều đã vào cuộc, đều đã và sẽ khởi tố vụ án.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng (Toà án nhân dân tối cao) cho rằng nếu so sánh việc xử lý những vụ như vụ Minh Béo ở Mỹ và các vụ xâm hại trẻ em gần đây ở VN cho thấy việc xử lý chậm, nhiều vụ việc trái nguyên tắc của luật (gia đình nạn nhân không muốn là không xử lý).

“Số vụ xâm hại trẻ em trên thực tế nhiều hơn so với số vụ được xử lý. Trong nhiều vụ dâm ô trẻ em đòi hỏi chứng cứ là tinh trùng nghi phạm là hoàn toàn không thể” – ông Tùng nói.

Theo thống kê mới nhất năm 2016, trong tổng số 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em, có 415 vụ hiếp dâm trẻ em, 9 vụ cưỡng dâm, 599 vụ giao cấu với trẻ em, 188 vụ dâm ô trẻ em. Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em như An Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Tây Ninh…

LAN ANH

Không thể chỉ giải quyết một trường hợp rồi thôi

Trong cuộc kiểm tra xử lý thông tin đường dây nóng của Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 17-3, ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP.HCM, nhắc: “Sở GD-ĐT cần lưu ý vụ phụ huynh phản ảnh việc con họ bị xâm hại tại Thủ Đức. Đây là vấn đề bức xúc gây hoang mang lớn trong người dân.

Không thể chỉ giải quyết một trường hợp rồi thôi, như dập một đốm lửa trong đám cháy. Ngành giáo dục cần phối hợp nhanh, chặt chẽ với các đơn vị liên quan để có biện pháp phòng chống học sinh bị xâm hại tình dục.

Cần phải phối hợp cả với ngành công an để tư vấn cho học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo cách phòng chống tệ nạn này…”.

Hàng ngàn tiết học

Đội Đẹp do TS tâm lý Lê Thị Linh Trang khởi xướng, tập hợp các giảng viên tình nguyện để huấn luyện cho trẻ em kỹ năng nhận biết và phòng chống xâm hại tình dục.

Đã hoạt động được ba năm, đội đã tập huấn hàng ngàn tiết học cho học sinh tại các lớp, hội trường có nhu cầu, theo đó, hàng chục ngàn em học sinh đã được khắc sâu bài học này.

Tuy nhiên, điều đó vẫn còn là quá ít, quá thiếu so với bài toán “trung bình cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại tại Việt Nam”, so với con số: 8.218 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân từ năm 2011 đến tháng 6-2015, mà đó chỉ là những vụ việc được phát lộ và báo cáo.

PHẠM VŨ