Nước mắt của bà…

Nghĩ lại cách đây hơn chục năm, tôi cũng chủ nhiệm một lớp có học sinh cá biệt. Khi được phân công chủ nhiệm lớp 9C, có đồng nghiệp đã cảnh báo với tôi rằng: “Đen rồi, cả năm sẽ chẳng bao giờ được khen thưởng, thi đua gì đâu”.

 

Nước mắt của bà…

 Nghĩ lại cách đây hơn chục năm, tôi cũng chủ nhiệm một lớp có học sinh cá biệt. Khi được phân công chủ nhiệm lớp 9C, có đồng nghiệp đã cảnh báo với tôi rằng: “Đen rồi, cả năm sẽ chẳng bao giờ được khen thưởng, thi đua gì đâu”.

 

 

 

Nước mắt của bà...
Thường thì giáo viên rất ngại đụng đến những học sinh cá biệt, thường cho mình cái quyền đẩy các em ra ngoài rìa vì muốn bảo vệ thành tích của lớp, của trường. Tôi cảm thấy mình nợ tương lai của em rất nhiều…

Trong mắt nhiều giáo viên, T. là học sinh cá biệt. Với bạn bè, T. là người phá bĩnh, làm ảnh hưởng đến thi đua với lớp. Một mình T. ngồi ở bàn cuối cùng của lớp và phần lớn số buổi em vắng nhiều hơn có mặt. Hôm nào có mặt, T. chỉ nằm dài ra ngủ hoặc trêu chọc bạn, cãi thầy cô. T. không có bạn thân. Tôi nhìn thấy sự cô đơn mà em đang phải chịu.

Nhìn T. thường xuyên đi học muộn, quấy phá lớp và không bao giờ chép bài, nằm ra ghế, tôi nhắc nhở nhưng T. thách thức: “Cô còn nói thêm là em sẽ nghỉ học”.

Có lẽ, với những người cầm phấn, việc học sinh nghỉ học là một điều đáng sợ nhất. Thế rồi, tôi đành phải nhường nhịn học trò. Tôi luôn lo lắng cho em, không phải vì muốn em ngoan để lớp “được nhờ”, để lớp được thi đua, khen thưởng. Mà tôi thực sự quan tâm em khi biết hoàn cảnh gia đình em. Cha mẹ T. ly hôn khi em học lớp 3. Ban đầu T. ở với cha nhưng vì người mẹ mới của cha không chấp nhận sự có mặt của em nên T. về ở với ông bà nội.

Như muốn bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho cháu, ông bà rất cưng chiều T.. Bất kể cháu muốn gì, ông bà đều đáp ứng. T. càng trở nên ương bướng, cứng đầu khi cha, rồi đến mẹ em lần lượt có gia đình mới, ít quan tâm đến cậu.

Thi thoảng bà nội T. lại tìm gặp tôi, kể cho tôi nghe về em. Bà bảo: “Lúc nào thằng T. cũng nghĩ mình là người thừa cô ạ”. Nhìn những giọt nước mắt của bà, tôi hiểu mình càng phải có trách nhiệm với em hơn, phải yêu thương em nhiều hơn và phải có trách nhiệm với tương lai của em hơn…

Nhưng để em nghe lời thật không phải dễ dàng. Tôi nhắc nhở em đi học đúng giờ, em nói: “Học để làm gì?”. Tôi cố gắng kiềm chế sự giận dữ trong lòng để uốn nắn em từng ngày.

Nhìn bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn lặn lội đến nhà cô giáo để tâm sự, để mong cô thông cảm với hoàn cảnh của cháu mà quan tâm đến cháu hơn, tôi rất xúc động. Trong câu chuyện với tôi, bà nội T. luôn đề cập đến chuyện vì muốn bù đắp cho cháu sớm thiếu hụt tình cảm của cha mẹ nên chiều chuộng T. hết lòng, muốn gì được nấy.

“Cháu nó ra nông nỗi này là do chúng tôi, cô ạ. Tôi ân hận vì đã chiều chuộng cháu. Nếu cháu cứ thế này, ông bà tôi không nhắm được mắt”. Cụ đã khóc rất nhiều. Ông bà không kiểm soát được T., không biết cháu chơi với những ai. Bà kể nhiều hôm T. đi đêm không về, đêm đó cả ông bà 
đều thức trắng.

Những lời trăn trở, những giọt nước mắt của bà nội T. khiến tôi day dứt. Tôi quan tâm em nhiều hơn. Tôi trò chuyện với em nhiều hơn và trước mặt cả lớp, tôi ít phê bình em hơn. Có lần T. nói rằng: “Đến lớp, em thấy mình như người thừa, các môn học cô giáo không để ý, xem như không có mặt, không bao giờ được gọi phát biểu bài… Vì thế em cũng chán”.

Tôi nhận ra cái lỗi này cũng thuộc về cả giáo viên. Thường thì giáo viên rất ngại đụng đến những học sinh cá biệt, thường cho mình cái quyền đẩy các em ra ngoài rìa vì muốn bảo vệ thành tích của lớp, của trường. Tôi cảm thấy mình nợ tương lai của em rất nhiều…

Giáo viên cũng luôn nhầm lẫn giữa việc giáo dục học trò càng nghiêm khắc càng tốt. Nhiều người cho rằng phải trừng phạt thì các em mới tiến bộ, mới đổi thay. Từ câu chuyện của cậu học trò cá biệt T., tôi nghĩ giáo dục con người nên được thực hiện trong sự yêu thương và tôn trọng. Nhưng vì những mục tiêu riêng, chính giáo viên đang đẩy học trò vào ngõ cụt. Nhiều em cho rằng mình vô dụng, vô giá trị và sự khó bảo của T. chính là 
sự phản kháng.

Ngẫm nghĩ lời bà nội T., một cách giáo dục mà nhiều bậc phụ huynh thường mắc phải, đó là giáo dục không đúng cách, đáp ứng vô điều kiện đòi hỏi của con cháu khiến đứa trẻ lớn lên nhưng còn “khuyết” mặt đạo đức. Nếu như giáo viên tiếp tục hững hờ, thờ ơ, bỏ mặc thì tương lai các em càng lún vào cái hố sâu.

… Giờ T. đã ra trường đi làm, tôi thấy nhẹ lòng vì đã đồng hành cùng với em thời gian khó khăn nhất. Cách đây mấy hôm, bà nội T. lặn lội đem biếu tôi chục trứng gà quê cùng ít gạo nếp. Bà nắm tay tôi nói: “Nhà tôi nợ cô, nếu không có cô thì tương lai của thằng T. xem như bỏ đi rồi”. Có lẽ trong đời làm giáo viên, T. trưởng thành là món quà lớn nhất của tôi.

PHI KHANH