11/01/2025

Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư?

Trong giáo dục con cái, nhiều cha mẹ lấy “quyền làm cha, mẹ” để khước từ cơ hội giải thích, tranh luận đúng – chưa đúng những việc con trẻ đã và đang làm. Kỳ thực, cha mẹ đâu phải lúc nào cũng đúng!

 

Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư?

Trong giáo dục con cái, nhiều cha mẹ lấy “quyền làm cha, mẹ” để khước từ cơ hội giải thích, tranh luận đúng – chưa đúng những việc con trẻ đã và đang làm. Kỳ thực, cha mẹ đâu phải lúc nào cũng đúng!

 

 

 

Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư?
Minh hoạ: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Chính vì áp đặt suy nghĩ của mình hoặc không tin vào lời con trẻ nên trong những tình huống cụ thể, cha mẹ đã khiến con trẻ nhận lấy va vấp…

Thông điệp đằng sau câu chuyện nhỏ

Đang cùng với mấy anh em lai rai trò chuyện trong bữa cơm thân mật chia tay bà ngoại cu Cò về quê thì chúng tôi thấy cu Bi (2 tuổi) bị trượt chân té. Anh H. (ba cu Bi, ở quận 12, TP.HCM) vừa đỡ Bi dậy, vừa la cu Cò (5 tuổi, anh của Bi): “Sao cứ đuổi em để em té? Nói không nghe ba đánh bây giờ”.

Cò có vẻ ấm ức, giải thích rằng: “Không phải con đuổi em mà em tự chạy trong nhà ra bị té”. Lời giải thích của Cò bị ba phản bác: “Không cãi nữa, con không trêu đuổi thì em không té”. Trước tình cảnh đó, Cò ôm lấy mẹ, tỏ vẻ ấm ức vì mình bị oan.

Tôi và vài người nữa ngồi gần, chứng kiến cảnh cu Bi từ phòng ngủ bước ra, giẫm vào chỗ có nước nên bị trượt và té xuống, còn cu Cò đi từ phía trong bếp ra. Sau khi tôi và mọi người lên tiếng nhằm “giải oan” cho Cò thì bé òa khóc.

Vừa khóc, Cò vừa kể lể: “Ba lúc nào cũng vậy, em bị cái gì ba cũng la con trong khi con có làm em té đâu”. Bị con “tố” như vậy nhưng anh H. vẫn chống chế: “Ai biểu con suốt ngày trêu em để em nó chạy, nó té” và anh bắt Cò đi vào trong.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh một đứa trẻ không được phép nói lên ý nghĩ của mình trước ba mẹ mình. Tôi cũng từng nhiều lần góp ý với vợ chồng chị T. (quận 9, TP.HCM) về vấn đề dạy con cái.

Việc là, anh chị T. có quy định nếu con làm việc gì đó, đại loại như: làm gì có lỗi, hoặc bị giáo viên la mắng, hàng xóm trách móc… thì phải chấp nhận chịu phạt mà không được ý kiến gì.

Đã có lần bé A. (con anh chị T., đang học cấp II) ấm ức với tôi: “Có lúc do trao đổi bài với bạn, lại tắc đường nên đi học về trễ, khi về đến nhà là mẹ nói ngay: Không lo mà học, cứ lo đàn đúm với nhau đến giờ mới về hoặc lại vào tiệm net chứ gì”.

A. còn cho biết: “Nếu anh em chúng con có làm gì mà không đúng với ý ba mẹ thì dù có giải thích đến mấy ba mẹ cũng không nghe, bởi ba mẹ luôn cho rằng chúng con luôn có lý do cho cái sai của mình”.

Phải khẳng định rằng những câu chuyện tương tự như trên không hiếm ở Việt Nam bởi chúng ta vốn quen với văn hoá, truyền thống, thuần phong mỹ tục của người phương Đông từ xưa để lại.

Có phụ huynh sẵn sàng áp dụng nguyên tắc “con cái không được cãi lại cha mẹ” trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có cha mẹ luôn tin rằng những ý kiến, nhận định của mình là đúng, là chuẩn nên con cái “miễn giải thích, miễn tranh luận”.

Thậm chí, có trường hợp cha mẹ “chụp” cho con cái “mác” hỗn láo hoặc trách phạt con nếu con dám “cãi”, dám lý luận… với mình.

Bình đẳng, lắng nghe để hiểu con

Trường hợp cha mẹ không cho con ý kiến hoặc tranh luận với mình không phải là chuyện hiếm trong xã hội Việt Nam, và khi cha mẹ – con cái không tìm được tiếng nói chung thì việc “đối – đáp” thường thấy tương tự như hai câu chuyện ở trên là: con cái muốn được bày tỏ những cảm nghĩ, hoặc chứng minh mình không liên quan đến sự việc… thì cha mẹ lại cấm cản, không nghe hoặc dùng “quyền làm cha mẹ” để áp đặt, lấn lướt, thậm chí là tước mất cơ hội được “bào chữa” của con.

Chẳng hạn, trong hai tình huống trên, trong khi cu Cò (dù còn bé) và bé A. muốn được thanh minh, nói lên suy nghĩ của mình, thậm chí là muốn được cha mẹ lắng nghe thì anh H., chị T. lại gạt đi, không chịu nghe con nói, không tin các con.

Đặc biệt, ở tình huống của anh H., khi được người khác chứng minh là mình sai, anh H. vẫn không thừa nhận mà lại lấy uy quyền của người cha để áp đặt con.

Còn đối với vợ chồng chị T., một “khuôn mẫu” đã được anh chị định sẵn để áp dụng cho con cái, không suy xét một cách khách quan, không cho con cơ hội giải thích mỗi khi trẻ mắc lỗi.

Trên thực tế, các nhà sư phạm đang nỗ lực rèn kỹ năng cho trẻ thông qua những tình huống cụ thể. Việc cha mẹ trao cho con cơ hội để “lý luận” lại với mình vừa thể hiện sự bình đẳng trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái, làm cho không khí gia đình trở nên ấm áp, thoải mái hơn, vừa tạo điều kiện để con cái gần gũi với cha mẹ hơn.

Bình đẳng, lắng nghe con cái không những làm tăng khả năng thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái mà còn nhằm phát hiện, tiếp cận và giải quyết sớm những tình huống phát sinh trong đời sống gia đình.

Đâu phải lúc nào cha mẹ cũng đúng và dẫu có đúng (trong một trường hợp cụ thể) thì con trẻ cũng cần được bày tỏ ý kiến.

Thật sai lầm trong giáo dục con cái, đặc biệt ở một số bậc cha mẹ mang nặng tư tưởng gia trưởng thường có quan niệm rằng điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, trưởng thành của trẻ là việc cha mẹ lo cho con cái đầy đủ về vật chất, được học tập trong ngôi trường tốt…

Chính vì vậy, một mặt họ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái với những tiêu chuẩn như học giỏi, biết vâng lời cha mẹ. Mặt khác, họ lại cho rằng “chúng nó còn nhỏ nên chưa biết cái gì” nên mình bao giờ cũng đúng và con cái phải nghe lời, không được “lý luận” với cha mẹ.

* Bạn đọc có ý kiến và kinh nghiệm gì về vấn đề trên, xin vui lòng viết ở phần Bình luận bên dưới

NGUYỄN QUẾ DIỆU