09/01/2025

Đại án Oceanbank: Chết do ‘đi đêm’ lãi suất

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của OceanBank thừa nhận bị cuốn theo “cơn lốc” trả thêm ngoài lãi suất quy định, từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền trả thêm cho khách hàng lên đến gần 1.600 tỉ đồng.

 

Đại án Oceanbank: Chết do ‘đi đêm’ lãi suất

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của OceanBank thừa nhận bị cuốn theo “cơn lốc” trả thêm ngoài lãi suất quy định, từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền trả thêm cho khách hàng lên đến gần 1.600 tỉ đồng.

 

 

 

Đại án Oceanbank: Chết do 'đi đêm' lãi suất
Bị cáo Hà Văn Thắm – Ảnh: TTXVN

Phiên toà xét xử đại án thất thoát gần 2.000 tỉ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) dành nguyên cả ngày 3-3 để thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan để làm rõ hành vi chi lãi ngoài quy định.

Ép cấp dưới 
“đi đêm” lãi suất

Theo hồ sơ vụ án, do cần huy động tiền vốn, nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn – nguyên tổng giám đốc – đề ra chủ trương trả thêm ngoài lãi suất quy định cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống OceanBank.

Cụ thể, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước – còn được gọi là “trần lãi suất”, các khách hàng khi gửi tiền tại OceanBank (từ 1 tỉ đồng trở lên) sẽ được nhận một khoản trả thêm ngoài trần lãi suất.

Khoản lãi suất này không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà được chuyển thẳng cho khách hàng. Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 
11-2014, tổng số tiền OceanBank chi cho chủ trương này là gần 1.600 tỉ đồng.

Đứng trước vành móng ngựa, nhiều bị cáo băn khoăn không biết vì sao mình bị khởi tố, bởi theo họ, việc chi lãi thêm giúp cho hoạt động của các phòng giao dịch “kinh doanh có lãi”.

Các bị cáo cũng cho biết họ bị cuốn theo cơn lốc chi thêm lãi suất là do “cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên”.

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam – cựu giám đốc khối nguồn vốn OceanBank – cho biết thời điểm tháng 9-2011, ông Thắm có chỉ đạo không trả thêm lãi suất. Khi đó, tình hình hoạt động của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

“Có thời điểm bị cáo rất đau lòng khi chứng kiến xe tiền của ngân hàng khác trực trước cửa ngân hàng mình để chở tiền của khách hàng rút từ OceanBank mang đi.

Lượng vốn huy động nhanh chóng sụt giảm từ 12.000 tỉ đồng thời điểm tháng 8-2011 giảm còn 5.000 tỉ đồng” – bị cáo Nam nói.

Theo bị cáo này, thời điểm đó nhiều ngân hàng khác cũng “chi lãi ngoài” nên ông Thắm phải quyết định “theo chân các ngân hàng khác để cứu OceanBank”.

“Bị cáo không có thẩm quyền quyết định trong việc chi lãi ngoài. Bị cáo làm theo chỉ đạo và là một mắt xích trong việc chi lãi ngoài ở thời điểm đó” – bị cáo Nam nói.

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, cựu giám đốc chi nhánh Vũng Tàu, cho biết do chỉ đạo của cấp trên gây sức ép nên giám đốc các chi nhánh buộc phải chi lãi ngoài để có thể giữ chân khách hàng.

“Lúc đó anh Thắm nói anh chị nào không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm. Và thực tế, nhiều người đã bị mất chức hoặc phải chuyển sang vị trí khác” – bà Liên trần tình.

Theo bị cáo Nguyễn Thị Loan – nguyên giám đốc OceanBank phòng giao dịch Trung Yên (Hà Nội), do thực hiện chi lãi ngoài quy định mà bị cáo “phải bán cả nhà, cả đất để có tiền nộp tiền khắc phục hậu quả”.

Tương tự, bị cáo Trần Anh Thiết – nguyên giám đốc chi nhánh Hà Nội – cũng thừa nhận do trả thêm 4,7 tỉ đồng ngoài lãi suất quy định để chăm sóc khách hàng, đến nay phải bán nhà để nộp lại tiền khắc phục hậu quả…

Đại án Oceanbank: Chết do 'đi đêm' lãi suất
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank, tại phiên toà xét xử Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN

Lấy đâu ngàn tỉ chi lãi ngoài quy định?

Sau khi xét hỏi các giám đốc chi nhánh, hội đồng xét xử trở lại thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm để làm rõ nguồn tiền và chủ trương chi thêm lãi suất.

Hà Văn Thắm khai nhận chủ trương chi thêm lãi suất được OceanBank thực hiện từ năm 2009, việc này bị cáo bàn bạc với Nguyễn Xuân Sơn.

“Sau khi anh Sơn chuyển sang PVN thì anh Sơn hướng dẫn cho Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) thực hiện” – bị cáo Hà Văn Thắm khai.

– Nguồn tiền chi lãi ngoài này được lấy từ đâu? – hội đồng xét xử hỏi.

– Hà Văn Thắm: Tiền này lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau. Từ tiền cá nhân bị cáo, của người thân, tiền từ Công ty BSC và tiền tạm ứng của OceanBank…

Sau khi trả lời về nguồn tiền chi thêm lãi suất, bị cáo Thắm xin toà cho thêm vài phút để trình bày về việc chỉ đạo các nhân viên “chăm sóc khách hàng”.

Hà Văn Thắm tỏ ra day dứt khi tiếp tục xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội cho các thuộc cấp.

Theo bị cáo, các nhân viên chủ yếu thực hiện chủ trương theo chỉ đạo của lãnh đạo OceanBank, không được hưởng lợi gì từ chủ trương này. “

Chính bị cáo Lê Thị Thu Thuỷ (nguyên phó tổng giám đốc) đã kịch liệt phản đối trong việc rút tiền để chi lãi ngoài rồi lại hoàn ứng. Lúc đó bị cáo phải hứa sẽ kiếm tiền hoàn ứng.

Thực ra việc huy động tiền gửi nếu không hoàn thành thì họ bị phạt chứ họ không được lợi lộc hay được ngân hàng thưởng gì. Họ là những người trung thực, những người năng lực, có đạo đức” – Hà Văn Thắm trình bày và xin tòa giảm tội cho 
cấp dưới.

Ngân hàng Xây dựng không có trách nhiệm với khoản vay 500 tỉ đồng

Khi được toà gọi để hỏi về khoản tiền Công ty Trung Dung vay OceanBank 500 tỉ đồng, bà Thảo – người đại diện Ngân hàng Xây dựng – cho rằng số tiền này thuộc trách nhiệm của Công ty Trung Dung với OceanBank, Ngân hàng Xây dựng không có trách nhiệm với số tiền trên.

Theo bà Thảo, số tiền này được ông Phạm Công Danh tất toán bằng 5 hợp đồng vay. Các hợp đồng đều được giải ngân theo quy định của pháp luật.

THÂN HOÀNG