Tư cách bị can, mỗi nơi áp dụng một kiểu
Nhiều bị can cho rằng dù họ đã hết tư cách bị can nhưng vẫn bị làm khó bởi các quyết định có tính chất hành chính, chứ không phải là quyết định tố tụng.
Tư cách bị can, mỗi nơi áp dụng một kiểu
Nhiều bị can cho rằng dù họ đã hết tư cách bị can nhưng vẫn bị làm khó bởi các quyết định có tính chất hành chính, chứ không phải là quyết định tố tụng.
BLTTHS quy định rất rõ về tư cách, quyền và nghĩa vụ của bị can. Theo TAND tối cao, việc BLTTHS cũ và mới đều được áp dụng (nếu những quy định nào của luật mới có lợi cho người phạm tội) dẫn đến tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định bị can là người bị khởi tố về hình sự. Đối với các vụ án bị tạm đình chỉ điều tra thì người đã bị khởi tố về hình sự không còn là bị can nữa, mà họ chỉ có thể là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang.
Bao giờ chấm dứt thân phận bị can?
Trong trường hợp này, họ có quyền nhờ luật sư và những người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Nếu là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cơ quan điều tra phải yêu cầu luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đây được coi là quy định có lợi cho người phạm tội (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016).
Tuy nhiên, nhiều bị can cho rằng các cơ quan tố tụng ở nhiều địa phương viện lý do BLTTHS chưa có hiệu lực nên từ chối, không đồng ý cho luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Đây là việc làm trái quy định của pháp luật, luật sư hoặc người bị kiến nghị khởi tố có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật để được bảo vệ.
Ở một số địa phương, khi vụ án bị toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc bị tòa án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại thì có nơi chỉ thụ lý lại, nhưng cũng có nơi “làm mới” hoàn toàn.
Trong khi đó, theo BLTTHS, bị can và tư cách bị can tồn tại từ khi bị khởi tố đến khi tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp bản án bị hủy để điều tra lại, người bị khởi tố hình sự lại mang thân phận là bị can trong giai đoạn tố tụng thứ hai.
Thực tế có người mang thân phận bị can không chỉ có một, hai mà thậm chí có thể ba, bốn, năm… vòng tố tụng. Tuy nhiên, dù là mấy vòng tố tụng thì người bị coi là bị can phải là người đang bị khởi tố về hình sự.
Nếu họ không phải là người đang bị khởi tố thì không phải là bị can, mà có thể họ chỉ là người “bị tố giác, người bị giữ, bị bắt hoặc bị tạm giữ trước khi họ có quyết định khởi tố bị can”. Nếu một người đã bị kết án và bản án đã có hiệu lực thì họ được gọi là người bị kết án.
Không nên tùy tiện cấm xuất cảnh
Một số bị can cho rằng mặc dù họ đã hết tư cách bị can nhưng vẫn bị làm khó bởi các quyết định có tính chất hành chính, chứ không phải là quyết định tố tụng.
Như trường hợp của anh T.M.H. (quê Bình Phước) đã hết tư cách bị can vẫn bị cơ quan điều tra ra quyết định “cấm đi khỏi nơi cư trú”, “cấm xuất cảnh”, trong khi BLTTHS năm 2003 chưa có quy định này.
Theo điều 124 BLTTHS năm 2015, cơ quan điều tra có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người khi có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Việc tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn. Nếu căn cứ vào nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 30-6-2016 của Quốc hội thì quy định này chưa được thi hành, vì đó là quy định không có lợi cho người phạm tội.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua tại một số địa phương, cơ quan điều tra lại áp dụng quy định “tạm hoãn xuất cảnh” hoặc “cấm xuất cảnh” như là một biện pháp ngăn chặn là không đúng pháp luật, mà lẽ ra nếu cần thì áp dụng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” theo BLTTHS năm 2003, chứ không được áp dụng điều 124 BLTTHS năm 2015.
Việc áp dụng biện pháp “tạm hoãn xuất cảnh” cũng chỉ đối với những người khi có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ. Đối với những người bị đề nghị khởi tố về tội phạm do vô ý hoặc họ là doanh nhân thường làm ăn với các đối tác nước ngoài, nếu không cho họ xuất cảnh thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của đông đảo người lao động. |