10/01/2025

Thầy ơi, em phải theo ai?

Trong tiết học giáo dục công dân, môn học gắn liền với đời sống, có những câu hỏi của học trò làm cho giáo viên đứng lớp phải trăn trở, suy nghĩ để tìm ra câu trả lời. Nhưng đôi khi câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…

 

Thầy ơi, em phải theo ai?

Trong tiết học giáo dục công dân, môn học gắn liền với đời sống, có những câu hỏi của học trò làm cho giáo viên đứng lớp phải trăn trở, suy nghĩ để tìm ra câu trả lời. Nhưng đôi khi câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…

 

 

 

Thầy ơi, em phải theo ai?
Những bữa cơm gia đình là sợi dây thắt chặt tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình – Ảnh minh hoạ: CHÂU ANH

Bài học hôm ấy là chuyên đề đạo đức “Biết ơn cha mẹ”.

Một em học sinh lớp 8 gửi cho tôi bài thu hoạch có những đoạn sau: “Thầy ơi, hằng ngày em ăn cơm ngon lắm do người giúp việc nấu, em có quần áo đắt tiền, đồ trang sức… Nhưng em muốn đánh đổi những thứ đó để có được bữa cơm đạm bạc tràn ngập tiếng cười mà sao khó quá thầy ơi. Cha mẹ em đã chia tay…”, “Thầy ơi, tuần sau cha mẹ em ra tòa ly dị, em phải theo ai? Nhà em bây giờ buồn lắm, em không tập trung vào việc học được, thầy giúp em với…”.

Tôi lặng người trước câu hỏi của học trò, và câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ với sự suy tư đeo đẳng…

Vẫn biết “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng hằng năm phải đối diện với những tình huống trớ trêu như thế này, thật sự tôi quá xót xa cho các em. Và mang tâm trạng trăn trở đó, tôi như gửi gắm vào các em học sinh lớp 9 bài giảng “Quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân gia đình”.

Sau này, các em lớn lên, dù bận rộn đến mấy cũng phải cố gắng lo bữa cơm gia đình với những người thương yêu nhất của mình. Nếu thiếu vắng thường xuyên bữa cơm gắn kết ấy, chính là dấu hiệu rạn nứt mái ấm.

Bữa cơm gia đình có thể đạm bạc, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mọi thành viên. Khi đi chợ, người mẹ sẽ suy nghĩ hôm nay nhà sẽ dùng món gì, mẹ sẽ lựa thịt cá tươi ngon, rau quả sạch sẽ, rồi nấu vừa khẩu vị cả nhà, mẹ đặt trọn tấm lòng của mình khi chế biến…

Còn người cha, những đứa con sẽ cố gắng thu xếp công việc, chuyện học hành để về nhà sớm, thưởng thức bữa cơm nóng hổi bên nhau.

Cảm giác hạnh phúc, sự ấm áp, tình yêu thương… những điều này chúng ta chỉ có thể cảm nhận được khi quây quần bên mâm cơm gia đình, rồi vợ chồng con cái chia sẻ thức ăn cho nhau, trò chuyện vui vẻ cùng tiếng cười sảng khoái…

Bữa cơm ấy đã trở thành sợi dây thắt chặt tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Ca dao nước ta có câu rất thấm thía: “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Chỉ là những món ăn đơn sơ, giản dị thôi, nhưng chất chứa trong đó là tình thương của cha, tấm lòng của mẹ, làm chúng ta khắc khoải nhớ mong mỗi khi đi xa. Tình thương gia đình sẽ được nuôi dưỡng hòa chung với dòng chảy của tình quê hương đất nước khi con lớn khôn là như vậy…

Mong lắm thay những bữa cơm gia đình Việt luôn tràn ngập tiếng cười, để vơi đi những câu hỏi nặng lòng của con trẻ: “Thầy ơi, em phải theo ai…?”.

Thật sự, tôi rất muốn trả lời cho em học sinh của mình: “Em ơi, em là người trong cuộc, em cảm nhận được nỗi đau nó như thế nào khi thiếu cha vắng mẹ thì thầy khuyên em nên nhớ thật kỹ những điều đã trải qua. Nhớ không phải để hờn cha giận mẹ, vì có những chuyện của người lớn mà chúng ta chưa hiểu được hết.

Vậy nhớ để làm gì? Để học tốt, sống tốt, để mai này lớn lên em có mái ấm gia đình riêng thì hãy cố gắng gìn giữ cho nó trọn vẹn. Đừng để con của mình phải đau buồn giống như mình ngày xưa…”.

TRẦN TUẤN ANH (Trường THCS Bạch Đằng, tp.hcm)