29/11/2024

Ngăn chặn nạn tự sát trực tuyến ở giới trẻ

Các chuyên gia lo ngại giới trẻ có xu hướng bắt chước những vụ phát video trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội.

 

Ngăn chặn nạn tự sát trực tuyến ở giới trẻ

Các chuyên gia lo ngại giới trẻ có xu hướng bắt chước những vụ phát video trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội.



Tự sát trực tuyến đang trở thành vấn nạn đáng lo ngại  /// Reuters

Tự sát trực tuyến đang trở thành vấn nạn đáng lo ngạiREUTERS

Dư luận Mỹ không khỏi bàng hoàng khi có đến ba vụ phát video trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội chỉ trong vòng một tháng và những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra ở các quốc gia khác. Các chuyên gia cho biết mặc dù tự tử không phải là vấn đề mới, nhưng hiện tượng “tự sát trực tuyến” có nguy cơ bị bắt chước mù quáng.
Vào ngày 30.12.2016, Katelyn Davis (12 tuổi) phát video trực tiếp cảnh cô bé này treo cổ tự sát ở bang Georgia (Mỹ). Vài tuần sau, Naika Tenant (14 tuổi) ở bang Florida (Mỹ) làm điều tương tự. Chỉ vài ngày sau, nam diễn viên người Mỹ Frederick Jay Bowdy (33 tuổi) dùng súng tự sát và phát video trực tiếp trên Facebook.
Nguy cơ bắt chước mù quáng
Tờ Miami Herald (Mỹ) dẫn lời tiến sĩ Katherine Ramsland, giảng viên chuyên ngành tâm lý học thuộc Đại học DeSales (Mỹ) với 13 năm kinh nghiệm nghiên cứu về tự sát, nhận định “tự sát trực tuyến” hiện trở thành vấn nạn phổ biến ở giới trẻ trong thời đại kỹ thuật số, truyền hình thực tế và kết nối mạng xã hội.
“Thật khó để chỉ ra nguyên nhân thật sự dẫn đến xu hướng bất ngờ này”, bà Heather Dickinson, Giám đốc Tổ chức từ thiện HOPELineUK chuyên về phòng chống tự sát, nói với tờ Daily Star (Anh). Bà Dickinson cực kỳ lo ngại xu hướng “tự sát trực tuyến” có thể khiến cho những người đang tuyệt vọng trong cuộc sống hiện tại bắt chước một cách mù quáng. “Phát video trực tiếp những giây phút cuối cùng rồi tự sát có nguy cơ kích thích những người đang có ý nghĩ tự sát làm theo, thậm chí những người chỉ xem những đoạn video như thế này cũng có thể bắt chước trong tương lai”, bà Heather cảnh báo.
Bà Phyllis Alongi, Giám đốc Tổ chức Phòng chống thiếu niên tự sát ở bang New Jersey (Mỹ), lưu ý: “Hiểm hoạ từ việc xem video tự sát trực tuyến là làm gia tăng nguy cơ của hiện tượng được giới chuyên gia gọi là tự sát lây”.
Ngăn chặn nạn tự sát trực tuyến ở giới trẻ - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Những kẻ nghèo phồn hoa

Sống tằn tiện đến mức nhịn ăn nhưng sẵn sàng chi “bạo” cho những thú xa xỉ, đây đang là xu hướng đáng quan ngại của một bộ phận thanh niên các nước.
Giáo dục ý thức
Một vấn đề đáng chú ý nữa là các cư dân mạng có thể vô tình kích thích người đang có ý định “tự sát trực tuyến” thực hiện hành vi. Hồi năm 2008, Abraham Biggs (19 tuổi) ở bang Florida (Mỹ) nhiều lần đăng tải thông điệp “muốn tự sát” trên một trang diễn đàn và sau đó phát trực tuyến đoạn video đang uống rất nhiều viên thuốc. Nhiều cư dân mạng tưởng rằng đây là “trò chơi khăm”, còn đùa cợt và bình luận “cứ làm đi”, nhưng sau này họ mới biết được rằng Biggs thật sự uống thuốc quá liều dẫn đến tử vong, theo Đài ABC. Đây được cho là vụ “tự sát trực tuyến” đầu tiên ở Mỹ được truyền thông ghi nhận. “Người xem video trực tiếp rất khó xác định nó là thật hay trò chơi khăm”, tiến sĩ Ramsland nói.
Theo bà Alongi, cách duy nhất để ngăn chặn tự sát trực tuyến là tăng cường giáo dục ý thức về hành vi tự sát và sử dụng mạng xã hội. Nữ phát ngôn viên Facebook Christine Chen cũng khuyến cáo mọi người nên liên hệ với người điều hành Facebook, cảnh sát hay bất kỳ cơ quan hữu trách nào nếu nhận thấy bất kỳ ai phát video trực tiếp với ý định tự sát. Theo bà Chen, các văn phòng của Facebook ở khắp thế giới cũng nỗ lực theo dõi video trực tiếp trên trang này.
Rèn luyện kỹ năng vui sống
Tuổi thanh thiếu niên thường hay bị gán với nhiều cảm xúc lo âu và tiêu cực. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Michaela Avlund đã chứng minh lứa tuổi này hoàn toàn có thể sống vui và đây là một kỹ năng cần được rèn luyện. Theo tờ The Herald, Avlund đã phối hợp với Margaret McCormack, giáo viên Trường trung học Coláiste Chraobh Abhann ở hạt Wicklow (Ireland) rèn luyện cho các học sinh ở trường và kết quả vô cùng khả quan.
Cô McCormack cho rằng giới trẻ ngày nay có nhiều thách thức hơn so với cách đây 10 – 15 năm, một phần do áp lực từ mạng xã hội. Theo chuyên gia Avlund, khoa học đã chứng minh con người có thể thay đổi môi trường não và việc kích thích vùng bên trái vỏ não trán trước có thể tạo ra các hormone seratonin và dopamine giúp tạo cảm xúc tích cực.
Avlund và McCormack đã đưa ra các bài tập như học cách xoay chuyển một tình huống khó chịu bằng cách suy xét xem làm thế nào để điều đó không xảy ra. Các em cũng học cách giao tiếp tích cực với người khác. “Tôi đã truyền đạt rằng trong các em tiềm ẩn sức mạnh tạo nên mối quan hệ tích cực với người khác bằng cách động viên, lắng nghe nguyện vọng và giúp đỡ người khác cũng như tha thứ khi mình bị tổn thương”, bà Avlund nói.
Nữ sinh Sinead Conway, 17 tuổi, cho biết trước đây cô chưa từng được học về những điều này. “Tôi đã học được rất nhiều kỹ năng như xác định rắc rối để tìm các giải pháp khác nhau và tập trung vào điểm mạnh thay vì điểm yếu của mình”, cô chia sẻ. Nam sinh Manus de Paor, 16 tuổi, sau khi tham dự khoá học cũng nhận ra niềm vui sống không phải ở việc chơi game online và đã trở nên tự tin hơn. Cô McCormack cho biết nhà trường dự định sẽ tiếp tục tổ chức khoá học tương tự trong năm 2017.
Khánh An

 

Phúc Duy